itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Bàn chuyện “Độc quyền nhà nước”

Bàn chuyện “Độc quyền nhà nước”

Ảnh minh họa

Trong một nỗ lực nhằm lý giải việc tranh cãi giữa WB và EVN xung quanh việc thành lập Công ty cổ phần mua bán điện duy nhất, tác giả bài báo cho rằng động cơ của việc can thiệp vào việc thành lập công ty cổ phần mua bán điện duy nhất của WB là nhằm muốn chi phối thị trường điện trong khi cho rằng động cơ của EVN không ngoài mục tiêu lợi nhuận.

Chẳng lẽ công ty được hưởng độc quyền nhà nước mà lại đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu giống như các tập đoàn tư bản?

Thay đổi - Không nên vì muốn ném chuột mà làm vỡ bình ngọc

Không vì những phiền hà do nhân viên ngành điện của một số khu vực hoặc bộ phận gây ra mà thay đổi chủ trương. Tôi rất ủng hộ độc quyền nhà nước, tại vì nhà nước của ta của dân, do dân, vì dân, nhất là những ngành quan trọng như điện, báo chí...Những sự phiền hà cho dân như nhiều bạn đã phản ánh là do những người quản lý của ngành điện tại địa phương quản lý không hiệu quả hoặc những nhân viên dưới quyền thực hiện không đúng yêu cầu của cấp quản lý. Việc này xuất phát từ yếu tố cá nhân chẳng hạn như trình độ CBCNV thấp, không có đạo đức, ….Có người lãnh đạo tốt nào (kể cả của công ty tư nhân hay của nhà nước) mà lại để khách hàng của mình thiệt thòi, chủ trương đúng mà kết quả sai là do người thực hiện chủ trương không đúng. Do vậy phải thay đổi người thực hiện bằng những con người vừa có tâm, vừa có tầm chứ sao lại thay đổi chủ trương. Có nghĩa là ở công ty EVN, bộ phận nào sai phạm thì xử lý bộ phận đó, khu vực nào sai phạm thì xử lý cán bộ quản lý của khu vực đó, và nếu EVN không thực hiện đúng chức năng quản lý thì cũng thay đổi người lãnh đạo.

Lợi ích quốc gia phải đặt lên hàng đầu

Chúng ta nên ủng hộ chủ trương đúng của nhà nước trong những lĩnh vực quan trọng, lợi ích quốc gia phải đặt lên hàng đầu. Một số trường hợp lợi dụng chính sách độc quyền của nhà nước ở một số lĩnh vực quan trọng của đất nước bắt nguồn từ tâm lý “cờ đến tay ai người ấy phất” và chỉ có ở những con người không có tài, có đức. Tôi thấy có rất nhiều ý kiến diễn ra theo hướng khi người dân bị tác động bởi những tiêu cực của một hoặc nhóm các nhân thì phần lớn ý kiến cho rằng nên thay đổi chủ trương chứ không nghĩ là sẽ thay đổi người lãnh đạo hoặc thay đổi cơ chế để có thể tìm được người lãnh đạo có đức, có tài nhằm thực hiện tốt chủ trương. Chúng ta nên ủng hộ giải pháp thay thế người lãnh đạo hoặc cơ chế để có thể chọn được những người tốt để thực hiện chủ trương cho đúng chứ không thay đổi chủ trương.

WB - Lại chuyện con cáo gửi chân!

Thận trọng với các kiều biến tướng của chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Theo tôi các tập đoàn nước ngoài, một số tổ chức nước ngoài, trong đó có WB, họ hoạt động vì lợi ích của họ mà lợi ích của những nước tư bản là gì ngoài lợi nhuận và ý đồ chi phối vào vấn đề nội bộ của nước khác theo ý muốn của họ. Ngân hàng thế giới (WB) cũng là một công cụ của Mỹ và các nước phương Tây (chủ tịch WB là do tổng thống Mỹ bổ nhiệm). Khi họ (WB) thâm nhập được vào ngành điện, lúc đầu họ cũng có thể đem lại lợi ích cho người tiêu dùng bằng cách làm cho giá điện giảm hoặc dịch vụ điện tốt hơn nhưng đó là lợi ích trước mắt. Về lâu dài họ sẽ đề ra chiến lược dần dần nắm quyến kiểm soát ngành điện, việc này sẽ mang lại lợi nhuận trước mắt cho họ hoặc thực hiện ý đồ đen tối bằng cách chi phối các hoạt động khác hoặc gây áp lực với chính phủ theo ý muốn của những người đứng đằng sau của những tổ chức này. Mà minh chứng của vấn đề này là việc WB can thiệp vào việc thành lập một công ty của Việt Nam. Tiếng nói của WB có trọng lượng trong việc này cũng xuất phát từ việc họ đã cho đi “củ cà rốt”.

Đây chỉ mới là sự khởi đầu mà WB đã muốn chi phối vấn đề theo ý định của họ thì sau này khi tham gia được vào ngành điện rồi thì cực kỳ nguy hiểm! Ai dám chắc họ hoạt động vì lợi ích của người dân Việt Nam!

Đinh Trần