itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Dân không sợ nộp thuế, chỉ sợ không công bằng

Dân không sợ nộp thuế, chỉ sợ không công bằng

ĐBQH Nguyễn Huy Cận phát biểu thảo luận

“Tôi hoan nghênh tinh thần tiếp thu của Ban soạn thảo, đã tiếp thu ý kiến của tổ chức Công đoàn, khi đưa tiền hưu trí, tiền làm thêm giờ, làm ca 3… của người lao động ra khỏi đối tượng không chịu thuế, miễn thuế” – Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã phát biểu mở đầu như vậy khi QH thảo luận tại tổ về dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân vào sáng 24-10.

Luật chưa ban hành đã… lạc hậu!

Vấn đề được nhiều ĐB tập trung “mổ xẻ” nhiều nhất là quy định về mức giảm trừ gia cảnh – đang được đông đảo người dân quan tâm. Dự thảo luật quy định mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng (đối với cá nhân chịu thuế) và 1,6 triệu đồng (đối với người phụ thuộc), theo nhiều ĐBQH là không phù hợp với đời sống sinh hoạt, nhu cầu học hành, chăm sóc sức khỏe, giá cả… hiện nay, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Từ nhận định trên, ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM) nói thẳng: mức giảm trừ trên không phù hợp với dân TPHCM, vốn có giá cả đắt đỏ. Do đó, ĐB Lập đề nghị mức giảm trừ 6 triệu đồng (cá nhân chịu thuế) và 2 triệu đồng (người phụ thuộc).

ĐB Đặng Ngọc Tùng băn khoăn: Liệu 2 năm nữa mức giảm trừ gia cảnh như dự thảo Luật quy định hiện nay còn hợp lý, nếu không nói là đã… lạc hậu. Đồng tình với ý kiến ĐB Tùng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nói thêm: “Đó là chưa tính trượt giá”. Khi quy định trên lạc hậu, tức là phải sửa Luật, trong khi trình tự, thủ tục sửa Luật lại rất rắc rối. Từ đó, ĐB Tùng đưa ra một giải pháp “an toàn” hơn, đó là không nên “cột chặt” mức giảm trừ gia cảnh trong Luật mà được tính theo phương pháp lấy lương tối thiểu làm gốc, nhân với một hệ số nhất định. Cụ thể: 10 lần lương tối thiểu đối với cá nhân chịu thuế và 4 lần đối với người phụ thuộc. “Nếu quy định như vậy, thì nếu có biến động về mặt giá cả, tiền lương… thì cũng không cần phải sửa Luật”, ĐB Tùng nói.

Luật chỉ mới “nắm người có tóc”!

Nhiều ĐB cho rằng, quy định cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chứ không đóng thuế TNCN là không công bằng. Bởi thực tế, nhiều giám đốc DNTN có thu nhập cá nhân rất cao, nhất là các chủ DN kinh doanh địa ốc. “Như vậy, vô hình trung, chúng ta chỉ đánh thuế chủ yếu vào người làm công, ăn lương chứ còn người có thu nhập cao thì được… thoát!”, ĐB Trần Đông A (TPHCM) bức xúc nói. ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM), thì cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ về thu nhập không chịu thuế, cụ thể tiền lãnh từ các giải thưởng lớn, chẳng hạn như giải Nobel.

ĐB Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi: Liệu cơ quan quản lý thuế TPHCM có quản lý được hết thu nhập kinh doanh của hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể? – Xin thưa là không thể!. Theo ĐB Tùng, phần lớn đều khoán thu, theo kiểu “Anh biết điều với tôi, tôi biết điều lại với anh!”. Từ nhận xét trên, ĐB Tùng thẳng thắn: “Người dân không sợ nộp thuế chỉ sợ không công bằng thôi”.

ĐB Nguyễn Huy Cận (TPHCM) đề nghị giảm trừ trước thuế đối với khoản tiền mua nhà trả góp hàng tháng đối với người lao động chưa có nhà ở, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp an cư; không đánh thuế vào cổ phần ưu đãi của công nhân được mua.

Thời hạn thi hành Luật dựa vào… ngành thuế!

Hiệu lực thi hành của Luật thuế thu nhập cá nhân cũng là đề tài được các ĐBQH thảo luận khá sôi nổi.

ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đề nghị chưa nên áp dụng ngay Luật thuế thu nhập cá nhân vào ngày 1-1-2009, cần phải lùi lại, có đủ thời gian chuẩn bị thêm để luật khi ban hành chính thức sẽ đi vào cuộc sống.

Còn ĐB Nguyễn Huy Cận thì cho rằng, thời hạn ban hành Luật này hoàn toàn dựa vào … ngành thuế. Ngành thuế phải tổ chức cho được bộ máy, giải quyết cho được việc thu khoán như hiện nay, bảo đảm được sự công bằng trong thu thuế.

MINH NAM – THẾ DŨNG