itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Họa sĩ... không tay

Họa sĩ... không tay

Thầy Khanh Rông hoàn thành bức tranh

“Cô và trò”.

Tôi tìm tới gia đình Khanh Rông ở số 217 ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng vào một buổi chiều không nắng. Trong chút ánh sáng bảng lảng chiều, anh cặm cụi tô đậm thêm đôi mắt của nhân vật trong bức tranh, ánh mắt anh đăm đắm như thả hồn vào trong đó, vầng trán đã rịn những giọt mồ hôi lấm tấm. Anh nói thật đơn giản: “Tôi thích vẽ trong không gian và ánh sáng này, tranh sẽ không bị “ trá” sáng…”.

Tuổi thơ tật nguyền

Cách đây 30 năm, khi mới 12 tuổi, vào một buổi chiều, khi cùng đám bạn đi chăn trâu, tò mò vì thấy một vật tròn tròn có vỏ lạ mắt nổi lềnh bềnh trên mặt nước, Khanh Rông lao xuống suối nhặt lên chơi. Bất ngờ vật ấy nổ tung, hai người bạn chết, một người bị thương nhẹ, riêng Khanh Rông mất hai cánh tay và một con mắt phải. Anh kể: “Lúc ấy đau đớn lắm nhưng tôi sợ nhất mình không còn tay để cầm bút nữa. Tôi thích vẽ từ nhỏ nhưng không còn tay thì làm sao cầm bút?”.

Anh bắt đầu tập cầm bút, vừa tập viết vừa tập vẽ. Cây bút bé nhỏ, khó cầm, nét chữ đầu tiên nguệch ngoạc, những con số cứ nhảy múa lên xuống, lộn cầu vồng hoa cả mắt. Mồ hôi đổ xuống từng nét chữ… Ba tháng sau, những nét chữ đầu tiên đã thành hình, Khanh Rông vụng về cầm quyển vở bằng hai mỏm cụt của cánh tay. Anh xin vào học lớp một, nhưng cô giáo nhìn rồi lắc đầu ái ngại, sợ Rông không thể theo kịp các bạn bình thường. Rông quả quyết: “Cô cho em theo học, em có thể viết chữ và cầm sách đọc như các bạn”. Cô giáo bắt Rông viết thử và hết sức ngạc nhiên trước nét chữ tròn trịa của một người không có bàn tay.

Khanh Rông thích nhìn ngắm thiên nhiên và khắc họa lại, ban đầu chỉ là cái cây, cái bông, cái lọ, bàn ghế, lâu dần anh muốn ghi lại chân dung của ba mẹ, bạn bè, thầy cô. Thời gian rảnh, anh tìm cho mình một góc thật yên tĩnh, suy tư, quặp lấy cây bút chì tô tô, vẽ vẽ. Những bức tranh ban đầu chưa nên hình nhưng chứng tỏ một điều: tâm hồn anh vẫn chưa chai sạn đi trước bao sóng gió của cuộc đời, trái tim ấy vẫn còn ấm nóng, thậm chí là còn được “tôi thép” trước mọi nghịch cảnh.

Khéo tay, anh làm hết các bảng chữ, khẩu hiệu, bảng nội quy của nhà trường, đến trang trí trường lớp… Thầy cô và bạn bè đều ngưỡng mộ. Mới học hết lớp 11 mà Khanh Rông đã được ông chủ tịch xã mời về làm công tác văn hóa thông tin.

Ước mơ trở thành họa sĩ

Thầy Rông hướng dẫn học sinh trong giờ Họa.

Anh muốn dành nhiều thời gian hơn nữa cho hội họa, ước muốn đó thôi thúc anh thi đỗ vào ngành Họa của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang. Sau nhiều năm trau dồi, rèn luyện năng khiếu, anh đã đậu thủ khoa và hưởng học bổng toàn phần trong 3 năm học. Nhưng nhà trường không cho anh theo học vì tàn tật.

Không nản, anh xin đi học lớp sơ cấp Họa 3 tháng, thầy cô, bè bạn, ngạc nhiên về ý chí và khả năng của một chàng trai không có hai bàn tay mà vẫn khát khao làm họa sĩ. Sau đó, anh được tiếp tục học lên trung cấp với kết quả thủ khoa.

Sau này, khi đã là thầy giáo 13 năm, anh vẫn quyết tâm học lên cao nữa, vượt qua hơn 150 thí sinh, anh thi đậu vào ngành Họa Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng. Hàng ngày anh vẫn đạp xe hơn 40km từ Thạnh Trị lên Sóc Trăng để học, bất kể nắng mưa, bão bùng. Anh nhớ như in kỷ niệm ngày đầu tiên tập đi xe đạp, hai cái mỏm cụt vừa phải bám chặt vào ghi đông để giữ thăng bằng, vừa phải sẵn sàng trong tư thế… phanh gấp. Có hôm đi qua đoạn đường nhiều ổ voi, đọng sình lầy, sóc nẩy ngược lên, té nhào...

Anh tâm sự: “Nghệ thuật với tôi không phải là những trường phái cao siêu, trừu tượng” mặc dù ngắm nhìn những bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ lừng danh tôi rất ngưỡng mộ và khao khát một ngày nào đó có được tác phẩm được nhiều người biết.

Chính sự giản đơn và thuần khiết chốn quê nghèo đã tạc vào tâm hồn anh những cảm xúc dung dị nhất, để anh vẽ lên những bức tranh gần gũi với cuộc sống, cảnh sắc thiên nhiên quê anh. Anh đã có những bức tranh sơn dầu như “Vươn lên”, “Ấm tình thầy trò”, “Người Khmer vui hội Óc-om-bóc”… Đó không phải là những triết lý nghệ thuật, đơn giản đó chỉ là cảm xúc của một tâm hồn đã chiêm nghiệm từ cuộc sống thực tế.

Với hai mỏm cụt của cánh tay, anh tự trộn màu, pha bột, hòa nước, thậm chí là tự căng vải để vẽ. Tranh sơn dầu là thể loại anh tâm đắc nhất.” Tôi muốn truyền đạt cảm xúc nghệ thuật tới cho các em học sinh, để sắp nhỏ có thể làm được những điều tôi chưa làm được, thể hiện được ước mơ nhỏ bé của các em thông qua những bức tranh”. Nhiều học trò của anh đạt giải cấp huyện, tỉnh, nhiều em còn đến nhà anh luyện các môn năng khiếu để thi vào Trường Văn hóa nghệ thuật. Với Khanh Rông, nghệ thuật không xa vời, nó là cuộc sống quanh mình. Vì vậy, khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, anh vẫn dành cho mình những không gian… thật nghệ sĩ để ngắm bình minh, hoàng hôn. Anh thường một mình đạp xe xuống Ô Môn, Thốt Nốt… xa mấy chục cây số để tìm cảm hứng.

Thầy Phan Văn Dự, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Trị - nơi anh đang làm việc - đánh giá Khanh Rông là một người thầy có tâm huyết, ý chí và nghị lực. Suốt buổi nói chuyện, thầy cứ nhắc đi nhắc lại “ người như Khanh Rông thực sự hiếm”.

Căn nhà của họa sĩ có phần nhỏ nhắn, chật chội và hơi tối. Nhưng chính không gian giản dị có phần tuềnh toàng của ngôi nhà đã đem lại cho anh những khoảnh khắc lắng lòng để chiêm nghiệm cuộc sống. Ra khỏi ấp Trương Hiền, hình ảnh cặm cụi của Khanh Rông vẫn hiện lên trong tôi – một người thầy tài hoa trong ánh sáng chiều mờ ảo.

Hoàng Hoa (Theo SGGP)