itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Những dòng sông không còn "thở"

Những dòng sông không còn "thở"

Kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chết dần trước tình trạng xả rác bừa bãi. Một vùng sông nước mênh mang giờ đây chỉ còn là chuyện của quá khứ xa vời.

Tuyến kênh xáng 30-4 nằm ở vùng ven TP Sóc Trăng chạy dài đến xã Phú Tân, Phú Tâm (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) là kênh dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dự phòng nguồn nước cho Nhà máy nước ngầm Sóc Trăng. Hàng trăm gia đình sống dọc hai bên bờ kênh này quanh năm sử dụng nguồn nước ngọt dưới kênh để bơm lên ruộng lúa, tưới hoa màu, tắm giặt.

Anh Trần Văn Yên (ở khóm 2, phường 7, TP Sóc Trăng) nói: "Trước đây nước kênh sạch lắm, bơm lên để vài ngày nấu uống được, nên người dân gọi quen miệng là kênh nước ngọt. Kể từ khi một số nhà máy trong Khu công nghiệp An Nghiệp đi vào hoạt động thì không ai dám bơm lên sử dụng nữa và cũng không dám tưới rau vì nước thường ngả sang màu xanh đen, bốc mùi hôi tanh. Tôi múc lên tắm hai lần đều bị ngứa, nổi mẩn đỏ rất khó chịu".

Chị Thạch Ten (ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tâm) cho biết nhiều đêm không ngủ được vì không khí nồng nặc mùi tanh, cá chết hàng loạt. Con sông này dường như không còn "thở", nạn ô nhiễm đang khiến người dân sống trong khu vực phải "kêu trời".

Đâu rồi sông Trăng thơ mộng

Sông Maspéro nằm vắt ngang nội ô TP Sóc Trăng được người dân gọi với cái tên thân thương là dòng sông Trăng thơ mộng. Tuy nhiên, cho đến nay màu phù sa của nước đang chuyển dần sang màu đen, nhất là ở khu vực tiếp giáp với kênh xáng 30-4. Dọc sông Maspéro là những bao rác trôi nửa nổi nửa chìm, đồng thời có mùi thum thủm bốc lên từ dưới sông. "Thủ phạm" đang ngày đêm "bức tử" sông Maspéro và các tuyến kênh nối vào dòng sông này chính là nguồn nước thải của các cơ sở chế biến thủy sản, đó là chưa kể người dân vứt rác bừa bãi xuống sông.

Một trong những tuyến kênh ô nhiễm trầm trọng nhất trong nội ô TP Sóc Trăng là kênh Cô Bắc. Chị Nguyễn Thị Thu (nhà gần cuối kênh Cô Bắc thuộc khóm 5, phường 9) kể rằng 15 năm qua chiều nào chị cũng phải đi vớt rác để khai thông dòng chảy cho kênh. Chị Thu cho biết: "Nước kênh quá thối nên đêm nào ngủ cũng lấy mền trùm kín cả đầu nhưng vẫn ngửi phải mùi hôi. Rác nhiều nên muỗi sinh sôi, muốn xem tivi phải chui vô mùng mới ngồi yên được".

Kênh này đã được Công ty Công trình đô thị TP Sóc Trăng thường xuyên đưa xuồng đến vớt rác nhưng vẫn không xuể vì hàng trăm thứ rác sinh hoạt hằng ngày đều được người dân đẩy xuống kênh cho... gọn.

Tất cả đều tuồn xuống sông

Tại An Giang, theo một báo cáo cho biết toàn tỉnh này có 35.000 căn nhà cất trên hành lang sông, kênh rạch, các khu dân cư thường nằm sát mé kênh, mé sông. Hằng ngày mọi thứ chất thải trong sinh hoạt đều tuôn xuống sông, rạch. "Không đổ xuống sông thì đổ đi đâu bây giờ" - nhiều hộ dân vô tư nói như vậy. Hầu hết 252 cụm tuyến dân cư mới xây dựng đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, chưa xây dựng bãi chứa rác để thu gom xử lý.

Ở tỉnh An Giang có hơn 230 chợ nhưng chưa tới 1/3 trong số đó tiến hành thu gom rác, số còn lại thường được người dân tự xử lý bằng cách bỏ xuống kênh rạch. Còn nước thải thì chảy vào cống thoát nước công cộng rồi cũng trực tiếp đổ ra sông rạch.

Theo một kết quả quan trắc vào mùa khô năm 2006, các chỉ tiêu ô nhiễm đặc trưng trong nước kênh rạch nội đồng ở tỉnh An Giang đều vượt qui định gấp nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng nông dược hoặc phế phẩm trong sản xuất chưa được xử lý triệt để. "Rơm rạ, lục bình, cỏ rác... đều đùa ra kênh rạch. Lắm khi trôi kín mặt nước" - một cán bộ ngành nông nghiệp cho biết. Với sản lượng 3 triệu tấn lúa/năm, vỏ trấu và bụi trong xay xát cũng chẳng có con đường nào khác là đổ xuống sông hay kênh rạch.

Chất độc hại vượt mức 33 lần

Kết quả phân tích mẫu nước ở một số ngã ba, ngã tư của mạng lưới sông rạch trong TP Cà Mau hồi đầu tháng 9.2007 thể hiện rõ một tình trạng khó cứu vãn. Chỉ riêng mẫu phân tích nước tại ngã ba Chùa Bà (giao điểm của ba nhánh sông về sông Đốc, rạch Rập), hàm lượng coliform trong nước đã tăng 16 lần so với tiêu chuẩn cho phép tối thiểu; hàm lượng sắt ở ngã ba sông Tắc Vân tăng gấp đôi mức cho phép tối thiểu; còn với hàm lượng các chất rắn lơ lửng trong nước thì tại 5/6 điểm lấy mẫu nước phân tích đều vượt chuẩn cho phép, có nơi vượt đến 33 lần.

Cách đây ba năm, bộ phận nghiệp vụ của Sở Tài nguyên - môi trường Cà Mau từng có lần đưa ra những con số báo động đỏ về cái chết của những dòng sông. Cuộc quan trắc môi trường nước mặt năm đó (từ tháng 3 đến 9-2004) từng chỉ rõ các chỉ số chất độc hại trong nước đã vượt mức cho phép nhiều lần. Nhóm nghiên cứu này từng cảnh báo các hiện tượng ô nhiễm nguồn nước thông qua các chỉ số quan trắc có xu hướng ngày càng tăng. Thế nhưng tình trạng ô nhiễm sông rạch vẫn không được cải thiện, thậm chí càng bi kịch hơn.

(Theo TT)