itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Đột kích cơ sở nước mắm… bẩn

Đột kích vào cơ sở sản xuất nước mắm… bẩn

Nước mắm tại Tân Liên Hưng

Lâu nay người tiêu dùng vẫn nghi ngại trước thông tin nước mắm sản xuất bằng cá ươn thối và phân u rê. Ngay ngày đầu tiên 4/6, khi Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đi kiểm tra các cơ sở nước mắm mới thấy những nghi ngại trên là có thật.

Ngay khi mục sở thị cơ sở nước mắm Tân Liên Hưng ở B7/39 ấp 2 Tân Phước, huyện Bình Chánh, mùi hôi thối đã xộc lên nồng nặc. Nhiều người dân ở gần đó cho biết, cơ sở này đã tồn tại trong tình trạng mất vệ sinh 4 năm nay.

Khi đoàn kiểm tra đến, 14 công nhân đang chế biến nước mắm không khẩu trang, áo quần bảo hộ; nhiều công nhân ở khâu đóng thành phẩm vào chai để móng tay dài và chưa bao giờ được tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ nơi phơi cá rồi đến nơi sản xuất nước mắm thông qua một hệ thống ống dẫn ruồi bám đầy trong ống và sản phẩm cá phơi. Tại thùng và hồ đựng nước mắm chuẩn bị đưa vào chai, nhiều người phát hoảng khi thấy gián và một số côn trùng khác chết trong đó.

Không những thế, nhà sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải, do đó nước thải ứ đọng tạo nên mùi hôi thối. Những bồn súc chai để đựng nước mắm thành phẩm nước rất mất vệ sinh.

Trong khi đó, kiểm tra phiếu chứng nhận hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm của cơ sở này thì sản phẩm hết hạn công bố đã 2 năm. Đó là chưa kể dùng loại đường Sapharin - dạng hoá học làm cho nước mắm ngọt nhưng lại không có trong hồ sơ công bố.

Mặc dù sản xuất mất vệ sinh như vậy nhưng theo cơ sở này nước mắm Tân Liên Hưng đã tồn tại ở siêu thị Maximark và Bình Dân đã mấy năm qua.

Tiếp tục kiểm tra cơ sở nước mắm Phú Quốc Trung Vị ở huyện Bình Chánh, chúng tôi cũng hoảng hồn khi người có trách nhiệm của cơ sở này không xác định được nguồn gốc nguyên liệu nhập về làm nước mắm.

Ông Trần Thiện Hữu - Giám đốc cơ sở này cho biết, cơ sơ chỉ mua thành phẩm về đóng gói, mỗi tháng sản xuất khoảng 30.000 lít với 5 sản phẩm có độ đạm từ 5- 10. Ông Hữu còn cho biết, cơ sở này nhập cá của Cty Liên Thanh.

Tuy nhiên, ông Hữu không có giấy tờ chứng minh nguyên liệu thành phẩm nhập từ Cty này, do đó nguyên liệu là cá sống, cá chết, cá “ăn” phân u rê hay không vẫn không ai kiểm chứng được.

Cơ sở Hưng Thịnh của Cty nước mắm Phú Quốc đóng tại đường Lê Minh Xuân- Bình Chánh có công suất 90.000 lít/ngày và có mặt ở tất cả các siêu thị nhưng khi kiểm tra kho nguyên liệu rất nhiều ruồi, muỗi trú chân tại đây. Ngoài ra, mặt hàng này đăng ký không công bố thành phần vitamine nhưng trên nhãn mác sản phẩm lại ghi có vitamine.

Ngày 4/6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã tái kiểm tra 6/17 cơ sở sản xuất nước tương “dính” 3-MCPD vượt mức để ghi nhận tình hình thu hồi, tiêu huỷ của các cơ sở này.

Cơ sở Thái Đại Lợi nhãn hiệu nước tương Shunli 150N có chất 3-MCPD vượt 369 lần, cho biết đang thu hồi và chưa thống kê được.

Cùng ngày, siêu thị Metro đã tiêu huỷ 500 chai nước tương của Miwon thông qua Cty Môi trường Xanh; riêng cơ sở Tâm Ký cho biết lô nước tương dính 3-MCPD của cơ sở này chỉ có 20 lít do một cơ sở bán cơm bình dân đặt hàng và hiện họ đã tiêu huỷ.

Trong khi đó, cơ sở Thái Chân Chành, nhãn hiệu nước tương Thái Trân, vượt chất 3-MCPD 232 lần mới thu về được 250 chai trong tổng lô hàng 1.000 chai.

Ông Nguyễn Thế Hưng- Giám đốc xí nghiệp Nam Dương cho biết: “Xí nghiệp của ông đã tiến hành thu hồi được 1.056 chai trên tổng 2.066 chai nước tương 25 độ đạm dính 3-MCPD, nhưng vẫn chưa tiêu huỷ do đang làm phương án tiêu huỷ trình Sở TN-MT”.

Sản xuất nước mắm: Cần phải giám sát từ đầu đến cuối

Thứ trưởng (TT) Bộ Thủy sản Lương Lê Phương xác nhận như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 4/6, tại TPHCM.

Có thể đồng nhất mắm có độ đạm cao với mắm có nhiều phụ gia?

Chưa thể khẳng định, vì nói thế không khoa học. Điều tôi muốn nói là đừng dùng phụ gia để làm tăng độ đạm.

Các loại phụ gia nào thường được dùng trong nước mắm?

Cái này thuộc về bí mật của các chủ sản xuất nước mắm, người ta không nói với mình.

Các DN sản xuất tự đăng ký và công bố chất lượng, còn việc hậu kiểm chất lượng sản phẩm thực tế có đúng với chất lượng công bố hay không thì cũng chưa được quan tâm?

Không phải chưa quan tâm mà quan tâm chưa nhiều. Hiện Nhà nước để nhà sản xuất tự kiểm tra và đưa sản phẩm ra thị trường. Tôi cho là cũng nên thay đổi phương pháp, phải có sự giám sát, kiểm tra từ đầu nguyên liệu, quy trình sản xuất đến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Ông có nói, rất nhiều ngư dân ra biển đã sử dụng hóa chất để ướp cá thay cho muối và nước đá. Đó là chất gì, có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe người tiêu dùng?

Chẳng hạn như chất chloramphenicol, chứa trong các gói nhỏ màu vàng. Một gói pha vào nước tưới lên thủy hải sản thì có thể thay thế được hàng trăm cây đá lạnh.

Các chất này được bày bán khá phổ biến. Các hóa chất cấm, không phải gây ngộ độc ngay như thuốc độc mà tích tụ từ từ trong cơ thể, đến một liều lượng nhất định nào đó mới gây ra bệnh ung thư hay các bệnh khác.

Bộ Thủy sản đã có khuyến cáo nào đối với DN sử dụng các chất cấm trong thủy sản tiêu thụ trong nước?

Như tôi đã nói, hiện đã có Ban chỉ đạo (Ban chỉ đạo Quốc gia về ATVSTP) rồi. Có quan tâm, có văn bản, có quy định, có ban bệ… nhưng công việc chưa cụ thể, thiếu kiên quyết và tôi thấy là chưa đạt yêu cầu.