Nhân giống nguồn gien quý bằng phương pháp cấy mô
Các nhà nghiên cứu Trường đại học Ðà Lạt đã nhân giống thành công cây thủy tùng, một loài cổ thực vật sắp bị tuyệt chủng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Thành công này mở ra một triển vọng mới trong công tác bảo tồn nguồn gien cây rừng.
Việc áp dụng kỹ thuật công nghệ sinh học trong nghiên cứu cũng sẽ đem lại cho ngành lâm nghiệp những hướng phát triển có nhiều triển vọng mới.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kết, Trưởng khoa Nông-lâm (ÐH Ðà Lạt), người tham gia nghiên cứu cây thủy tùng cho biết, đây là loài cây có giá trị cao về mặt khoa học và kinh tế. Thủy tùng được ghi nhận xuất hiện cách nay khoảng 10 triệu năm. Loài cổ thực vật này bị đe dọa tuyệt chủng, không phải vì phân bố hẹp mà do số cá thể còn lại quá ít, quá trình tái sinh tự nhiên rất kém, cây già cỗi èo uột, hạt lép không ươm được. Cùng với sự gia tăng về dân số nên môi trường sống thủy tùng đang bị xâm phạm và thu hẹp. Nhiều năm qua hầu như không ghi nhận có cây con mọc mới. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN từng cảnh báo về các loài cây bị đe dọa ở mức rất nguy cấp, sắp bị tuyệt chủng, trong đó có thủy tùng.
Do giá trị sử dụng gỗ và dược liệu quý giá nên thủy tùng luôn bị săn lùng, qua các điều tra, thủy tùng chỉ còn phân bố ở Phúc Kiến, Vân Nam (Trung Quốc), Khăm Muộn (Lào).
Tại Việt Nam, thủy tùng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1955 ở buôn Mil, xã Ea Hồ, cách Buôn Ma Thuột 45 km về phía đông bắc. Hiện chỉ còn lại 32 cây ở Ðác Lắc.
Tháng 9-2007, sau một năm nghiên cứu, học viên Phạm Ngọc Tuân (ÐH Ðà Lạt) đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại hội đồng khoa học Trường đại học Nông-lâm TP Hồ Chí Minh về đề tài "Nhân giống cây thủy tùng". Kế thừa nghiên cứu của thạc sĩ Tuân và đề tài "Nghiên cứu bảo tồn giống cây thủy tùng bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro" đã được tiến hành tại phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thuộc khoa nông-lâm (ÐH Ðà Lạt), học viên Nguyễn Thành Sum (ÐH Ðà Lạt) rút kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu để tìm cách tạo rễ trực tiếp trên chồi giâm cũng như tìm điều kiện môi trường để có được hệ số nhân chồi cao hơn.
Kết quả cây thủy tùng đã được nhân giống thành công bằng kỹ thuật cấy mô. Hiện tại, tỷ lệ cây ra rễ trong ống nghiệm 60%. Anh Sum đang tìm cách đưa cây thủy tùng từ ống nghiệm ra vườn ươm chăm sóc và đưa chồi xanh này ra tự nhiên.
Ngoài giá trị bảo tồn một loài thực vật sắp tuyệt chủng, cây thủy tùng mang nhiều giá trị khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, thủy tùng quý hiếm không chỉ ở nguồn gien mà còn là một loại cây dược liệu quý, có thể chiết xuất một số chất từ vỏ và lá để điều chế dược phẩm chữa bệnh ung thư. Gỗ thủy tùng mầu nâu đỏ, vân đẹp, rất chắc, không bị mối mọt, nên rất được ưa chuộng.
Ở Trung Quốc, gỗ thủy tùng dùng xây cất đền, chùa, đồ gia dụng cao cấp. Ngoài ra, nhờ gỗ chắc nên có thể dùng sản xuất ra phụ tùng máy và các thiết bị chính xác. Theo một số tài liệu, một cuộc khai quật ở Ai-len đã phát hiện bộ nhạc cụ bằng gỗ do người tiền sử chế tác từ cây thủy tùng hơn 4.000 năm tuổi, cổ nhất thế giới.
Phương Kiện Bình / Nhandan
Tin đã đăng
- Xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu internet đầu tiên
- Năm công trình đoạt giải nhất VIFOTEC 2007
- Giun ký sinh ở mắt người dài... 12 cm
- Trao Giải thưởng Khoa học - Kỹ thuật thanh niên lần thứ 17
- Khám phá bốn loài thằn lằn mới ở Việt Nam
- Tám công trình nhận “cú đúp” giải nhất nghiên cứu khoa học
- Máy làm giàu ô-xy di động
- Nữ tiến sĩ đưa cây trinh nữ hoàng cung lên ngôi
- Lần đầu tiên Việt Nam tạo ra cá phát sáng
- Phát hiện một loài thằn lằn mới ở Việt Nam