itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Chứng khoán ngày 27/10: Áp lực bán T+4?

Chứng khoán ngày 27/10: Áp lực bán T+4?

Lần thứ ba trong vòng một tháng trở lại đây, sau một đà tăng mạnh và khá bất ngờ gợi mở thị trường lại đón sự đứt gãy - Ảnh: VnExpress.

Hôm nay là ngày T+4 của lượng hàng bắt đáy 440 thành công về tài khoản. Áp lực cung thực tế đã mạnh lên, nhưng đó chưa hẳn là tất cả các lý do.

Lần thứ ba trong vòng một tháng trở lại đây, sau một đà tăng mạnh và khá bất ngờ gợi mở thị trường lại đón sự đứt gãy. Qua một phiên chưa thể nói trước, nhưng liệu một lần nữa sự đứt gãy sáng nay không ủng hộ cho kỳ vọng sự đi lên bền vững, dù ngắn hạn?
Áp lực bán T+4 của lượng hàng bắt đáy gần 440 điểm về tài khoản đã được tính đến trong các nhận định trước thềm phiên này. Điều này không mới, bởi quá trình vận động của thị trường vẫn luôn sống chung với kỳ thanh toán; vấn đề là áp lực của nó tại các thời điểm.
Sau sự chán nản kéo dài suốt thời gian qua, 4 phiên tăng điểm vừa qua là một sóng tăng rõ rệt nhất. Nhưng thực tế giá trị tăng chưa được nhiều, hay sự hài lòng chốt lời để tạo áp lực bán chưa hẳn lớn. Chỉ có điều, trong bối cảnh khó khăn suốt thời gian qua, hoạt động bán hôm nay có phần của sự hài lòng với những chênh lệch vừa phải, nếu không nói vẫn còn nhiều nhà đầu tư mới chỉ là giảm lỗ. Nguồn cung giá thấp mạnh lên sáng nay hẳn có một phần từ các quyết định cắt lỗ dứt khoát.
Hiện tại, có thể xem các tin xấu về vĩ mô đã ra, đã được phản ánh vào giá. Nhưng thị trường cũng không có những thông tin thực sự nổi bật để hỗ trợ, bên cạnh sự cập nhật nối tiếp thông tin kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết.
Ở một dòng thông tin bên lề, diễn biến được chú ý hiện nay là xu hướng tăng lên của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, cũng như trạng thái thanh khoản của hệ thống ngân hàng vào thời điểm cuối năm. Bản tin cập nhật của SSI sáng nay nhấn mạnh đến chi tiết: lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng đã lên tới 8,45%/năm, cao nhất kể từ tháng 3/2010 đến nay. Bản tin không nói rõ về mức lãi suất này, thuộc giao dịch như thế nào hay mức bình quân, để có thể xác định tính đại diện của nó. Nhưng đây là một chi tiết được lưu tâm.
Bên cạnh đó, kết quả ước tính về tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm đã được công bố, với thuận lợi khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, đi cùng kỳ vọng năm 2010 sẽ đạt mốc 70 tỷ USD, thay vì mục tiêu khoảng 61 tỷ USD. Tuy nhiên, quá khứ thị trường chưa từng cho thấy sự phản ứng rõ nét và tức thời đối với thông tin loại này. Dù sao, đây cũng là một phần góp vào cái nhìn tổng hòa về kinh tế vĩ mô hiện nay.
Có thể xem sự tác động các chiều thông tin hiện tương đối cân bằng. Theo đó, phiên sáng nay được giải quyết ở những yếu tố nội tại. Áp lực T+4 nói trên là một, nhưng quan trọng hơn, qua đó, để kiểm chứng sức cầu. Nếu hoạt động bán ra đã được lường định, thì điều chờ đợi để ủng hộ cho hướng hồi phục bền vững là ở sự gia tăng thanh khoản. Thế nhưng câu trả lời của bên mua sáng nay là sự sụt giảm khối lượng khoảng 22% trên HOSE.
Điều đó không có gì bất ngờ khi sự thận trọng của nhà đầu tư đã “quá đủ” suốt kỳ ảm đạm và khó khăn vừa qua. Và ngay ở phiên trước, tại những vùng giá cao cũng đã cho thấy sức cầu yếu. Cụ thể hơn trong sáng nay, cầu yếu tiếp tục là một điểm để bên bán cân nhắc và hạ giá. Suốt phiên hôm nay là trạng thái đó, dù lực cầu giá thấp hoặc hoạt động chặn mua dưới tham chiếu vẫn khá sôi động.
Nhưng dù thế nào, qua phiên này có thể nhận thấy, trong bối cảnh sức cầu còn yếu, khả năng vượt mức kháng cự ngắn hạn ngay lập tức là khó. Thậm chí với chỉ số, nếu không có diễn biến phục hồi nhẹ vào cuối ngày, có lẽ còn xấu hơn khi đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày và dưới mốc 450 điểm.
Đồ thị thời gian thực của VN-Index trong phiên cho thấy tại hai thời điểm phục hồi nhẹ, lực cung đều tăng lên chứng tỏ nhu cầu bán đã lớn hơn. Tuy nhiên, tốc độ giao dịch hôm nay là thấp. Điều này không chỉ thể hiện ở thanh khoản giảm, mà còn ở mức điểm giảm từ từ. Có lẽ các hoạt động đảo hàng, mua lại hoặc tích lũy cẩn trọng đang diễn ra nhiều hơn khi xu hướng đi ngang chưa bị phá vỡ.
Và với chỉ số, dĩ nhiên là chịu ảnh hưởng biến động giá của nhóm cổ phiếu lớn. Hôm nay sự điều chỉnh đã trải rộng ở nhóm vốn hóa lớn, khá mạnh tại VIC, MSN, DPM, REE… Trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ cũng đã đón sự thoái trào. Nhưng trên HNX, sự bám trụ là khá tốt ở nhiều penny; tuy nhiên, hoạt động bán mạnh lên vào cuối ngày tại nhóm này là đáng chú ý, ngay cả trạng thái kẹt bán trần tại khá nhiều mã khi đóng cửa.
Nếu hôm qua thị trường bật lên mạnh từ hiệu ứng nhập cuộc của nhà đầu tư nội, thì hôm nay, trong điều chỉnh, một lần nữa khối ngoại tiếp tục phát đi thông điệp mua ròng với giá trị khá lớn trên HOSE (69,9 tỷ đồng).

Theo VnEconomy