itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Người đưa cây lúa nước về đồng ruộng Tây Giang

Người đưa cây lúa nước về đồng ruộng Tây Giang

Vượt hơn 180 km đường núi gập ghềnh gặp Blinh Ðáp, người Cà Tu đầu tiên đưa cây lúa nước về đồng ruộng miền núi Tây Giang (Quảng Nam).

Mấy chục năm qua, cây lúa nước đã giúp bà con vùng biên giới Tây Giang cải thiện đời sống, có được cái ăn, cái mặc. Bling Ðáp được đồng bào gọi bằng cái tên thân thiết, "Người anh hùng của làng Apanh".

Hành trình cây lúa nước...

Sau hơn một ngày chờ đợi ở làng Voòng (xã Tr'Hy), chúng tôi mới gặp "anh hùng" Bling Ðáp, khi ông vừa "hạ sơn" mua thực phẩm để chuẩn bị cho chuyến lên rừng kiểm tra hệ thống đập dâng. Ðây là công trình mà ông đã bỏ bao công sức đào đắp đưa nước về làng tưới cho cánh đồng lúa nước đầu tiên ở vùng cao Tây Giang mấy chục năm nay.

Bên bếp lửa, Bling Ðáp chậm rãi kể về hành trình đưa cây lúa nước lên vùng cao: Những năm sau giải phóng, bà con Cà Tu sống ở vùng cao biên giới Tây Giang thật khó khăn, năm nào cũng thiếu cái ăn do làm cái rẫy không có nước nên mất mùa. Mỗi năm, đồng bào mình chỉ ăn cơm ba tháng, còn lại là ăn sắn, ăn bắp... và rau rừng mà thôi.

Gặp năm trời hạn hán phải vô rừng đào cái củ, săn con thú để tìm cái ăn. Hồi đó mình làm cán bộ ở xã thấy bà con đói cái ăn, buồn lắm. Từ đó mình ấp ủ, suy nghĩ, phải làm một cái gì để giúp bà con bớt khổ...

Trước khi làm cán bộ, Bling Ðáp tham gia bộ đội vận tải cho chiến trường Khu V. Mỗi khi đi qua làng Cà Tu, thấy dân thiếu ăn là ông khóc. "Hồi đó bà con còn khó khăn thiếu thốn, nhưng có được miếng ngon đều dành cho bộ đội" - ông gạt nước mắt kể.

Sau ngày giải phóng, ông được cử về làm cán bộ xã Tr'Hy, phụ trách nông nghiệp, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh...

Ðến bây giờ ông là già làng có uy tín ở nơi này.

Năm 1989, trong một lần về huyện họp, Bling Ðáp đứng nhìn những mảnh ruộng dưới chân núi ở thị trấn P'rao (huyện Hiên cũ) lúa lên xanh tốt, ông đến hỏi, người dân thật thà: "Cán bộ bảo nhờ có nước, mình lại hỏi cái nước từ đâu mà có? Cán bộ chỉ lên đỉnh núi, bảo lên trên đó đưa nước về. Thế là mình làm theo".

Trở lại Tr'Hy, ông thao thức hơn một tháng trời để nghĩ cách lên núi đưa nước về làng làm ruộng nước như bà con người Kinh.

"Lúc đầu mình đem chuyện đi tìm nước bàn với bà con dân làng, ai nghe cũng lắc đầu. Ngay cả vợ cũng bảo, không hiểu được, bởi sức đâu mà làm nổi, người Cà Tu đã quen với cái rẫy rồi!".

Biết chưa thuyết phục được dân làng, một mình Bling Ðáp âm thầm xuống huyện, tìm đến những hộ người Kinh làm lúa nước để học kinh nghiệm và học cách xây đập, rồi lại âm thầm trở về thực hiện. Phải tìm cho được nước để đưa về mới có thể làm ruộng nước như người Kinh, Bling Ðáp nghĩ thế.

Chinh phục "cổng trời" lấy nước

Bling Ðáp len lỏi qua cây rừng, dẫn chúng tôi lên đỉnh núi Gruàr mây phủ trắng xóa để xem công trình thủy lợi "thế kỷ" mà ông dày công nghiên cứu, xây dựng. Vừa đi, ông vừa kể lại cuộc hành trình gian nan, mở đường tìm nguồn nước.

"Theo truyền thuyết của bà con Cà Tu vùng Tr'Hy, đỉnh Gruàr là "cổng trời", ở đó thần linh thường xuống trần gian để tận hưởng cảnh sơn thủy hữu tình nơi hạ giới. Nếu ai lên đỉnh núi này sẽ làm các thần linh nổi giận, làm cho dân làng đau ốm, bệnh tật, mất mùa...".

Vì sợ dân làng phản đối, nên chỉ mình ông tìm đến cổng trời. "Nếu đúng như truyền thuyết, thì mình sẽ... hỏi nhà trời".

Phải hơn một năm trời tích góp tiền lương, Bling Ðáp mới đủ mua gạo, một ít thực phẩm và cất giấu trong rừng chuẩn bị cho chuyến đi. Sau đó ông về nhà bảo với vợ và bà con dân làng là mình đi học ở huyện nhiều ngày, để giấu kín chuyến đi mạo hiểm này...

Ròng rã hơn 10 ngày đêm, mở đường, đêm leo lên ngọn cây ngủ, cuối cùng đỉnh núi Gruàr cao ngất, mây phủ quanh năm đã được chinh phục. Ðó là năm 1991.

Ông kể, lên đến đỉnh núi nhìn xuống thấy làng Apanh nhỏ như hạt bắp. "Ðứng nhìn khe núi nước chảy róc rách đêm ngày, mình nghĩ phải đưa "nó" chảy về làng. Nhưng để cho nước chảy theo ý của mình, thì phải bắt nước dừng lại theo cách cán bộ người Kinh hướng dẫn, rồi đào mương cho nước đi, chứ để nó tự do như con nai trong rừng thì làm sao nó nghe theo mình được".

Bling Ðáp bèn tìm một khe nhỏ ở lưng chừng đỉnh Gruàr, bắt đầu dùng đá ngăn dòng, rồi đào một đường cho nước chảy theo ý mình. Ðúng như ông nghĩ, dòng nước "ngoan ngoãn" chảy theo ý ông... Nhưng phải mất thêm gần một năm sau đó ông mới trở lại đỉnh Gruàr.

Những ngày giữa tháng 3-1992, ông xin nghỉ phép và lần này thuyết phục được người em họ Bling Griá trốn nhà cùng đi. "Hai anh em mình đêm ngày lăn đá ngăn dòng con khe nằm lưng chừng đỉnh Gruàr, rồi bắt đầu đào mương dẫn nước. Ðào đến đâu, nước chảy đến đó. Ðứng trên cao nhìn về làng, mình cứ thế đào một đường thẳng" - Bling Ðáp nhớ lại.

Sau hơn 40 ngày đêm, hai anh em Bling Ðáp cũng hoàn thành con mương dẫn nước dài gần 5.000 m kéo từ đỉnh Gruàr... về buôn làng.

Khi nguồn nước về đến sau làng thì bị con sông Kờ O "chặn" lại. Thế là bao đêm ông mất ngủ, suy nghĩ tìm cách đưa nước vượt sông. Ban đầu là dùng cây tre thông ruột làm máng, nhưng thân tre nhỏ quá không đủ nước để tưới cho cả cánh đồng rộng gần 5 ha. Lại nghĩ tiếp.

Cuối cùng, Bling Ðáp và người em họ lên rừng tìm cây xẻ ván đóng thành máng dài hơn 80 m, làm cáp treo bắc qua sông. Lần này, nước chảy tràn đồng... Mùa đầu tiên vào năm 1993, ông làm thử hai ang giống (mỗi ang năm kg), sau ba tháng gặt được 180 ang, gấp tám lần so với làm lúa rẫy.

Ngày đầu tiên thu hoạch lúa nước, cả làng Apanh đổ đến xem đông như ngày hội. Rồi dân làng bắt đầu tìm đến nhờ ông hướng dẫn cho cách làm lúa nước, chỉ cách đưa nước về ruộng...

Không chỉ nhiệt tình hướng dẫn bà con, Bling Ðáp cùng người em họ đêm ngày khai hoang ruộng nước. Sau hơn bảy năm miệt mài lao động, riêng ông đã khai hoang được hai ha ruộng nước.

Cả nhà ông có tám người con, 14 đứa cháu nội, ngoại đã có cái ăn, no cái bụng. Từ khi làm ruộng nước, trong nhà ông lúa chất đầy, không còn phải ăn sắn, ăn bắp...

Vậy là cả làng Apanh hơn 32 hộ từ đó bỏ lúa rẫy làm lúa nước và đến bây giờ đã khai hoang gần 40 ha dọc theo các khe suối.

Bắt đầu từ Bling Ðáp hướng dẫn đám trai tráng trong làng đi tìm đất khai hoang, rồi đào mương đưa nước về và từ đó người dân hưởng ứng, nhân rộng mô hình trồng lúa nước, đào mương dẫn nước về đồng ruộng ra các thôn, xã.

Dân làng Apanh, A Chua, Voòng... từ đó cũng bớt nghèo khó. Ngoài cây lúa, mọi nhà bảo nhau cách chăn nuôi, trồng thêm quế và các loại cây dược liệu.

Ông Bling Mia ở làng Apanh 1 bảo tôi: "Cụ Bling Ðáp là người anh hùng của bà con Cà Tu làng mình"... Nhưng người "anh hùng" ấy chưa dừng lại ở đó.

Thấy bà con người Kinh làm ra điện từ nước, Bling Ðáp tự hỏi "Sao mình không làm được như thế?". Vậy là Bling Ðáp lại khăn gói về huyện, hỏi cách làm, rồi về bán lợn mua ba máy phát điện...

Lần đầu tiên nhà ông sáng rực không phải thắp đèn dầu. Cả làng lại đến xem Bling Ðáp "làm điện", ai cũng kinh ngạc. Ðó là vào đầu năm 1998. Nhà mình có điện, ông đi từng nhà vận động, chỉ cách cho bà con làm theo. Nay thì cả làng Apanh rực sáng ánh điện giữa đại ngàn Trường Sơn.

Trời về đêm se lạnh. Ánh điện được thắp sáng trong từng ngôi nhà sàn ở làng Apanh. Chúng tôi chia tay Blinh Ðáp, chia tay bà con Cà Tu nơi đây.

Tại trụ sở UBND huyện Tây Giang, đồng chí Bríu Liếc, Chủ tịch UBND huyện đón chúng tôi với những ống nứa rượu Tà đin thơm ngọt hương rừng. Nhâm nhi ly rượu, đồng chí Bríu Liếc cho hay: "Nhờ Bling Ðáp mà bà con vùng cao biên giới Tây Giang đã làm được cái ruộng nước, no được cái bụng; có được cái điện thắp sáng cho bản làng ngày một vui hơn".

Và bây giờ, ở tuổi 73, người lính già Bling Ðáp vẫn tiếp tục đi tiên phong trong việc trồng các loại cây dược liệu và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con nơi đây từng bước đẩy lùi nghèo khó, để Tây Giang ngày một giàu mạnh hơn.

Theo Nhân Dân