Kinh tế châu Âu và “duyên mới” của Tổng thống Pháp
Tổng thống Pháp đang chịu nhiều chỉ trích liên quan đến đời tư, trong bối cảnh nước này đang đương đầu với không ít rủi ro kinh tế.
Đất nước khó khăn, Tổng thống… “du hí”
Ngày 7/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, bà Christine Lagard, nói viễn cảnh kinh tế châu Âu đã xấu đi nhanh chóng trong bối cảnh giá dầu đã ngấn nghé ngưỡng 100 USD/thùng, khiến áp lực lạm phát thêm phần căng thẳng, thị trường tín dụng vẫn trong cảnh ảm đạm và tương lai kinh tế Mỹ bị mây mờ che phủ.
Phát biểu tại cuộc họp của đại diện đến từ các ngân hàng hàng đầu thế giới tổ chức tại Thụy Sỹ để thảo luận về vấn đề kinh tế toàn cầu, bà Lagarde kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt vấn đề tăng trưởng lên trên vấn đề chống lạm phát tại khu vực sử dụng đồng Euro.
“Nếu chúng ta phải chọn giữa lạm phát cao và tăng trưởng cao, hoặc lạm phát ổn định và tăng trưởng thấp, chắc chắn tôi sẽ ủng hộ phương án thứ nhất”, bà Lagarde nói.
Lời kêu gọi của bà Lagarde được coi là phá vỡ một thời kỳ dài mà nước Pháp kiềm chế việc gây áp lực đối với ECB và rất có khả năng, phát biểu này sẽ lại mở ra một cuộc tranh cãi không mấy dễ chịu về sự độc lập của ECB. Năm ngoái, chính ông Sarkozy cũng đã kêu gọi ECB hỗ trợ các nhà xuất khẩu của châu lục bằng cách “bẻ cong” xu thế tăng giá mạnh mẽ của Euro. Động thái này ông Sarkozy đã bị nhiều quan chức ECB và các chính trị gia tại Đức lên án vì cho rằng ảnh hưởng đến sự độc lập của ngân hàng này.
Thứ 5 tuần này, ECB sẽ tổ chức một cuộc họp để quyết định lãi suất đồng Euro. Giới phân tích dự báo, nhiều khả năng, lãi suất đồng tiền này sẽ được ECB duy trì ở mức 4%, vì cho tới thời điểm này, Chủ tịch ECB, ông Jean-Claude Trichet, vẫn tỏ ra lo ngại nhiều hơn đến chuyện lạm phát hơn là vấn đề tăng trưởng.
Tuy nhiên, kết thúc bài phát biểu của mình, nữ Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp đã thẳng thắn đề nghị ECB cắt giảm lãi suất. “Tình hình đã thay đổi. Những con số thống kê về kinh tế Mỹ chẳng hề dễ chịu chút nào, nhất là về thị trường lao động của họ. Chúng ta phải nhìn vào thực tế để xác định nên làm gì”, bà nói.
Trong khi người Pháp phải đương đầu với mức giá bán lẻ cao hơn ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2008, cánh săn ảnh lại cho cả thế giới thấy ông Sarkozy đi chơi với bạn gái mới Carla Bruni trong chuyến du lịch của hai người đến Ai Cập và Jordani.
Phản ứng trước cái gọi là “sự thờ ơ của Tổng thống đối với đất nước”, dân Pháp đã dành cho ông Sarkozy sự tín nhiệm giảm hẳn. Một cuộc điều tra mới tiến hành cho thấy, chỉ có 48% dân Pháp tin vào sự lãnh đạo đất nước của ông Sarkozy, giảm 7% so với tháng trước. Tính từ tháng 7 năm ngoái đến nay, tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy đã giảm 17%. Trong đó, những người cao tuổi đặc biệt tỏ ra hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông Sarkozy.
“Ông ấy bỏ mặc đất nước trong khi người dân cần ông ấy thực hiện những lời hứa cải thiện nền kinh tế. Ông ấy đã xóa bỏ ranh giới giữa cái riêng và cái chung, giữa thành công trong cuộc sống riêng tư của ông và những lời hứa với người dân”, một người Pháp bức xúc nói.
Mặc dù người phát ngôn của ông Sarkozy từ chối cung cấp thông tin về kế hoạch hôn nhân sắp tới của vị Tổng thống từng hai lần ly hôn này, một số tờ báo lớn tại Pháp vẫn dự báo, ông sẽ kết hôn với bạn gái mới vào tháng tới.
Nguy cho kinh tế châu Âu?
Trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp lên tiếng, lãnh đạo các nền kinh tế lớn khác tại châu Âu cũng đã đề nghị người dân nước mình thắt lưng buộc bụng.
Tại Anh, trong một bài phát biểu dịp cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Gordon Brown gọi cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ là “thử thách lớn nhất trước mắt” đối với kinh tế Anh và các nền kinh tế khác. Ông nhận định, trước mắt nước Anh là một năm “nguy hiểm” khi mà nước này phải “chiến đấu” với giá năng lượng cao. Đầu tuần, cũng chính ông Gordon Brown lại tuyên bố sẽ hạn chế việc tăng lương cho công chức để góp phần hạn chế lạm phát.
Tại Đức, các quan chức nước này cũng liên tiếp đưa ra những cảnh báo về kinh tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Peer Steinbruck, người trước đây từng tuyên bố rằng ông “yêu thích” đồng Euro mạnh, cũng đã thay đổi quan điểm này. Có nguồn tin cho hay, ông lo ngại sẽ phải cắt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế Đức từ mức 2% hiện nay xuống mức thấp hơn nữa vì những rủi ro kinh tế đang tăng cao.
Những nhận định trên cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ECB đang phải đối mặt. Nhiệm vụ trước hết của ngân hàng này là kiềm chế lạm phát, thậm chí cả trong trường hợp viễn cảnh kinh tế không sáng sủa. Lạm phát tại khu vực sử dụng đồng Euro trong tháng 11 cao kỷ lục ở mức 3,1%. Đây là tỷ lệ lạm phát cao hơn rất nhiều so với mức trần 2% mà ECB đặt ra và theo các nhà kinh tế, mức lạm phát này giống như một lời kêu gọi ECB tăng lãi suất.
Tuy nhiên, tình hình u ám của kinh tế Mỹ đã có tác động đến kinh tế châu Âu, dẫn ECB tới chỗ có thể phải cắt giảm lãi suất đồng Euro. Đã có những bằng chứng cho thấy kinh tế châu Âu đang vận hành chậm lại. Báo cáo mới công bố của Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố cho thấy, niềm tin người tiêu dùng tại thị trường này trong tháng 12 năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua, do số đơn đặt hàng giảm mạnh, đồng thời giá nhiên liệu và thực phẩm hối hả leo thang, đẩy lạm phát tăng cao.
Một cuộc điều tra với các nhà đầu tư tại khu vực sử dụng đồng Euro cũng cho thấy mức độ bi quan của họ về tình hình làm ăn trong 6 tháng tới đã lên tới mức cao nhất từ trước đến nay do tình hình rối ren trên thị trường tín dụng vẫn chưa kết thúc.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Canada, hai ngân hàng cũng đặt mục tiêu chính vào chống lạm phát, cũng đã phải cắt giảm lãi suất đồng nội tệ cho dù giá cả tại hai nước này đang tăng cao.
Ngày 7/1, Tổng thống Mỹ, người từ trước tới nay vẫn đưa ra những quan điểm lạc quan về kinh tế Mỹ, cũng đã phải thừa nhận rằng, kinh tế nước này đang phải đối mặt với những thử thách của giá năng lượng cao, thị trường địa ốc đóng băng, khủng hoảng tín dụng và tỷ lệ thất nghiệp leo thang. Tuy nhiên, ông vấn không đề cập đến khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
(Theo IHT)
Tin đã đăng
- Mỹ: thất nghiệp cao làm tăng thêm quan ngại
- 100 USD/thùng dầu: Kinh tế Mỹ có “trụ” nổi?
- Kinh tế Trung Quốc “nhỏ lại” 40%
- Kinh tế thế giới: Triển vọng 2008
- Nhìn lại kinh tế thế giới 2007
- Nợ dưới chuẩn và suy thoái kinh tế 2008?
- Phố Wall: Không khí lễ hội rạo rực
- Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Petrocaribe: Đẩy mạnh hợp tác về dầu mỏ
- Hiệp ước Schengen
- 2007 - năm kỷ lục của mua bán và sáp nhập