Chờ đợi chính sách tạo quỹ đất để thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 28/6, một diễn đàn đối thoại đặc biệt nhằm đẩy mạnh hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và sự góp mặt của 75 tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp trong cả nước.
Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có sự tham dự của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa; cùng một số lãnh đạo các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Diễn đàn là cơ hội để các địa phương giới thiệu những lĩnh vực đầu tư tiềm năng và chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương cho doanh nghiệp; tạo cơ hội cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trực tiếp báo cáo với lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách; tìm giải pháp tạo thuận lợi nhất thúc đẩy hoạt động này.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, tái cơ cấu nông nghiệp cùng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được coi là hai “cuộc cách mạng” của nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam.
Để thực hiện hai chương trình này, cần sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương, trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, nông dân là chủ thể và doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt quan trọng.
Từ nỗ lực của cả Chính phủ và doanh nghiệp nên đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian gần đây đã tăng đáng kể, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của ngành. Năm 2013, đầu tư của tư nhân trong nước vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng 1,9 lần so với năm 2009.
Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.635 doanh nghiệp năm 2013, tăng bình quân 13,8%/năm; trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm phần lớn, khoảng 89%, tạo việc làm cho 265.000 lao động.
Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như Vinamilk, Công ty Minh Phú, TH Truemilk, Công ty Cổ phần đường Lam Sơn, Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Vĩnh Hoàn, Tập đoàn DABACO, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Tổng Công ty Giống cây trồng Trung ương, Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai...
Hiện nay có xu hướng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Himlam, Viettel, FLC...
Song, cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất thấp. Năm 2014 chỉ chiếm 1,01% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, đa phần là quy mô vốn nhỏ (số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%).
Trong 5 năm (2008-2013), chỉ có 3.486 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 126.469 tỷ đồng, nhưng lại có 475 doanh nghiệp (15%) bị giải thể.
Bên cạnh những doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp đầu tư chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên (đất đai, nước) mà chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.
Sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.
Thông tin từ hội nghị cho thấy, đất đai vẫn đang là cản trở lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, chưa có chính sách tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều địa phương không có đủ ngân sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng nên nhiều doanh nghiệp phải tự bỏ vốn xây dẫn đến chi phí đầu tư cao.
Doanh nghiệp kiến nghị phần vốn này được định giá và khấu trừ dần vào tiền thuê đất, tiền thuê cơ sở hạ tầng hoặc thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Về tín dụng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cải cách tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Một số doanh nghiệp đề nghị hình thành quỹ đầu tư, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép sử dụng chuồng trại chăn nuôi, nhà kính làm tài sản thế chấp khi vay vốn.
Các doanh nghiệp cũng đề cập tới các vướng mắc và có kiến nghị cụ thể liên quan đến phát triển cơ khí nông nghiệp, phát triển công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu phụ liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông sản; ổn định chính sách đầu tư để tạo dựng niềm tin của doanh nhân khi đầu tư vào nông nghiệp.
Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và đại diện các doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập cần được sớm giải quyết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập đến giai đoạn phát triển mới của đất nước với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ được ký kết; cho rằng đây là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông nông thôn… để phục vụ nông nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phát huy sáng tạo, chủ động tìm ra hướng đi để phát triển; nhất là mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau trong quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Phó Thủ tướng đề nghị cần thí điểm giao cho các hiệp hội thực hiện một số chức năng mà trước đây vẫn được coi là chức năng quản lý Nhà nước.
Trước mắt có thể thí điểm, khi thành công sẽ triển khai rộng trên nhiều lĩnh vực. Song song với đó, cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Tán thành những góp ý của doanh nghiệp và đại diện Ngân hàng Thế giới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp; tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tin đã đăng
- Tại sao Việt Nam và Thái Lan không thành lập một liên minh OPEC về lúa gạo?
- Người Úc đón nhận quả vải tươi Việt Nam
- Nông sản Việt trước hội nhập: Tái cơ cấu, hướng tới xuất khẩu
- Ita Rice nâng niu những giá trị của hạt 'ngọc thực'
- ITA-RICE Khẳng định một thương hiệu mạnh
- Xuất khẩu gạo ngày càng cạnh tranh khốc liệt
- Chuyên gia kinh tế: 'Doanh nghiệp Việt đang bé đi'
- Nông nghiệp “chất” của Việt Nam
- Việt Nam đang thừa nhiều sản phẩm lúa gạo chất lượng thấp
- Thị trường gạo thế giới đang cạnh tranh gay gắt