Marketing cho các trường ĐH ở Việt Nam: còn nhiều e ngại?
Chúng ta đã nhắc đến quá nhiều việc làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển khi cánh cửa WTO đã mở ra với Việt Nam vào ngày 7-11-2006.
Chúng ta cũng đã đề cập rất nhiều đến việc làm thế nào để xây dựng một Thương hiệu Việt vững mạnh, để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Nhưng dường như tất cả những phương cách đó chỉ để áp dụng đến lĩnh vực kinh tế mà quên mất một lĩnh vực cũng hết sức quan trọng khác: đó là GIÁO DỤC - một ngành trực tiếp đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước.
Trước tiên xin nói qua về thị trường GDĐT ở Việt Nam. Theo thống kê của bộ GD&ĐT, hiện nay trên toàn nước ta, có hơn 200 trường ĐH-CĐ, trong đó có một trường ĐH quốc tế RMIT. Nếu đem con số này so với lượng thí sinh đăng ký dự tuyển hàng năm thì quả thật khập khiễng.
Theo bà Trần Thị Hà, vụ phó vụ tuyển sinh năm 2007 cho biết: Năm nay có hơn 1.800.000 lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển. Những con số trên cho thấy nhu cầu về ĐH là rất lớn. Về khung chính sách, vào ngày 2-11, Chính phủ đã có nghị quyết 14-2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) VN giai đoạn 2006-2020. Để triển khai thực hiện nghị quyết này, Chính phủ sẽ thành lập Ban chỉ đạo đổi mới GDĐH do một Phó thủ tướng phụ trách.
Xu hướng: được tự do hóa, theo cơ chế thị trường nhiều hơn
- Khuyến khích tập đoàn, doanh nghiệp lớn mở trường đại học, điều này chắc chắn sẽ khiến áp lực cạnh tranh ngày một lớn
- Luật Giáo dục ĐH sẽ được xây dựng và xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các trường đại học. Các trường đại học sẽ được tự chủ về chi phí, học phí, chỉ tiêu tuyển sinh tuỳ theo mục tiêu và định hướng phát triển do chính họ đề ra. Đây là một cơ hội để các trường đại học Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh của mình nhưng đồng thời cũng là một thách thức bởi từ trước tới nay, các trường chưa bao giờ phải tự lo cho bản thân mình.
Đối với các trường ĐH trong nước, những điểm yếu có thể dễ nhận thấy đó chính là bằng cấp chưa được quốc tế công nhận, sĩ số một sinh viên trong lớp quá đông trong khi số lượng giảng viên lại quá ít, chưa nói đến giảng viên có bằng cấp cao, phương pháp học tập còn thụ động. phần lớn vẫn là thầy đọc – trò chép.
Một điểm yếu nữa của các trường ĐH Việt Nam, đó chính là chiến lược Marketing còn quá ít và yếu kém. Đối với một trường ĐH Việt Nam, việc tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh, lập trang web, đó đã là quá đủ để quảng bá cho thương hiệu của mình. Lấy ví dụ như trường ĐH Ngoại Thương, một trường có danh tiếng hàng đầu Việt Nam, thì những hoạt động nhằm quảng bá cho thương hiệu vẫn còn rất ít.
Có thể đối với thị trường GD Việt Nam, việc Marketing cho các trường ĐH còn mới lạ nhưng đối với các nước phương Tây thì việc này đã được tiến hành từ rất lâu. Lấy ví dụ cho trường ĐH quốc tế hàng đầu tại Việt Nam hiện nay là trường ĐH RMIT. Trường được thành lập vào năm 2004 với lợi thế mà trường luôn tự hào đó chính là : du học tại chỗ. Đối với một trường quốc tế như RMIT, trường có rất nhiều lợi thế như: bằng cấp được quốc tế công nhận, sinh viên được học tập trong môi trường quốc tế, cơ sở vật chất hiện đại tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực của sinh viên…
Chỉ riêng những điều đó thôi đã khiến các trường ĐH ở Việt Nam còn phải chạy dài. Tuy nhiên, trường RMIT không ỷ lại vào những ưu thế này, họ rất chú ý đến những hoạt động quảng bá cho mình. Trường RMIT đã tiến hành các hoạt động marketing hết sức mạnh mẽ như triển khai các buổi toạ đàm với cha mẹ học sinh, đến tận các trường tiểu học để điều tra. gọi điện trực tiếp đến nhà, liên kết với Bảo Minh CMG để thực hiện quyền ưu tiên tuyển sinh…
Việc trường này đến các trường tiểu học ( chỉ tính ở phạm vi Hà Nội) đã cho thấy trường RMIT có chiến dịch marketing sâu rộng, nhằm nắm bắt thị trường giáo dục trong thời gian tới để có phương án hoạt động hiệu quả nhất. Ngoài ra trường cũng tiến hàng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác như: báo, đài. Qua những tìm hiểu trên, ta có thể thấy những hoạt động marketing tương tự như trên hết sức vắng bong tại các trường ĐH ở Việt Nam.
Tất nhiên khi nói đến lĩnh vực GD, những hoạt động như trên chỉ là bề nổi, cái cốt lõi nhất của ngành này đó chính là chất lượng giảng dạy. Song chính trong sân chơi này, chúng ta cũng bộc lộ nhiều yếu kém. RMIT được xếp hạng đứng thứ 55 trên 200 trường tốt nhất thế giới còn chúng ta thì sao? Sau đây là bảng số liệu bằng cấp các giảng viên ĐH ở VN:
1999-2000 | 2000-2001 | 2001-2002 | 2002-2003 | 2003-2004 | 2004-2005 | 2005-2006 | |
Tiến sĩ - Doctor | 4378 | 4454 | 4812 | 5286 | 5179 | 5977 | 5744 |
Thạc sĩ - Master | 5477 | 6596 | 7583 | 8326 | 9210 | 11460 | 12248 |
Chuyên khoa I và II Prof. & disciplines | 543 | 569 | 586 | 540 | 529 | 507 | 361 |
ĐH, CĐ Univercity & College |
11917 | 12422 | 12361 | 12893 | 13288 | 15613 | 15732 |
Trình độ khác - Others degree | 291 | 321 | 204 | 348 | 228 | 412 | 209 |
Nguồn: http://www.edu.net.vn/Data/ThongKe/dhcd.htm
Có lẽ với quá nhiều yếu kém như đã nêu trên đây thì việc Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á (trừ Myanmar) chưa có trường ĐH chất lượng cao được quốc tế công nhận là hoàn toàn có thể hiểu được.
Nói đến GD, cũng là nói đến một tầm nhìn xa, một chiến lược phát triển dài hạn. Trong thời gian hiện tại, ĐH Việt Nam vẫn chiếm ưu thế với chi phí phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam nhưng trong thời gian tới, khi các trường ĐH quốc tế thâm nhập vào Việt Nam thì có lẽ các trường ĐH Việt Nam cần phải có biện pháp marketing hiệu quả ngay từ bây giờ. Đó là việc đổi mới phương pháp dạy và học theo chuẩn quốc tế (cách tính điểm, giáo trình cập nhật hơn, học theo hình thức tín chỉ), tăng thêm về số lượng cũng như chất lượng giảng viên... ngoài ra còn tiến hành các hình thức quảng bá như xây dựng trang web năng động hơn, tổ chức các buổi toạ đàm, giới thiệu về trường vào các đợt cao điểm như mùa thi…
Trên đây chỉ là một số giải pháp cơ bản. Việc thay đổi cần phải bàn nhiều cũng như cần một thời gian tương đối dài, khoảng 10-30 năm để thích nghi. Một tín hiệu vui là hiện nay trường ĐH Hà Nội đã tiến hành phương thức toạ đàm với học sinh lớp 12 để giới thiệu về trường. Thậm chí một học sinh còn quả quyết rằng : “ Em sẽ thi vào trường ĐH Hà Nội vì thầy hiệu trưởng diễn thuyết thật là hay”.
Trên đây chỉ là một số phân tích nhỏ để thấy rằng chỉ so với 1 trường ĐH quốc tế thôi nhưng hoạt động Marketing của các trường ĐH tại Việt Nam còn nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức. Hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều tín hiệu thay đổi từ các trường.
Đỗ Vô Khuê