itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Nghĩ từ việc Nga đóng cửa trang web nhạc số allofmp3.com

Nghĩ từ việc Nga đóng cửa trang web nhạc số allofmp3.com

Trang web Allofmp3.com

Trang web cho phép download nhạc miễn phí allofmp3.com bị coi là có thể gây ảnh hưởng đến quá trình gia nhập WTO của Nga đã bị đóng cửa vào đầu tháng 7/2007 vừa qua.

Sở dĩ như vậy bởi vị điện Kremlin đã bị phía Mỹ chỉ trích là không nỗ lực trong việc bảo về bản quyền âm nhạc nếu như vẫn để trang web này tồn tại. Tuy nhiên, một trang web mới ra đời do một công ty ở Matxcơva –MediaService điều hành nổi lên như một bản sao thay thế của Allofmp3.com, dĩ nhiên rằng, công ty này tuyên bố trang web mp3Sparks.com đã có bản quyền và không vi phạm luật phát tại Nga.

Phía Nga và Mỹ đã ký một bản cam kết vào tháng 10 năm ngoái, trong đó phía Matxcơva cam kết sẽ đóng cửa trang web này – một trong những trang web vi phạm bản quyền âm nhạc lớn nhất thế giới. Nga cũng đã hứa sẽ xét duyệt lại toàn bộ các trang web được cho là vi phạm quyền sở hữu âm nhạc. Trong khi đó, Allofmp3.com lại cương quyết rằng nó là một tổ chức kinh doanh hợp phát bởi vì đã trả phí cho một tổ chức ở Nga – một tổ chức

Allofmp3.com đã thu hút khoảng 5.5 triệu người truy cập, mua ca khúc với giá từ 10-20 cent USD/bài, trong khi đó iTunes – gã khổng lồ trong làng nhạc số của hãng Apple bán với giá 99 cent USD.Phần lớn các khách hàng là ở Nga nhưng đây cũng là trang web download nhạc phổ biến thứ 2 tại Anh chỉ sau iTunes. Trang web này được thành lập bởi 6 chuyên gia máy tính vào năm 2000, ban đầu chỉ mang mục đích cá nhân nhưng sau đó trang web đã quá thu hút, doanh thu hàng năm lên tới 30 triệu USD.

Nga là nền kinh tế trọng điểm duy nhất trên thế giới không phải là thành viên WTO tính cho đến nay. Động thái này cho thấy nước này đang rất nỗ lực để trở thành thành viên thứ 151 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này vào cuối năm nay.

Từ việc đóng cửa trang web Allofmp3.com của Nga, chúng ta không thể không nghĩ tới việc bảo vệ quyền sở hữu âm nhạc tại nước ta – thành viên thứ 150 của WTO.

Kể từ ngày 26/10/2004,Việt Nam chính thức tham gia Công ước Berne và trở thành thành viên thứ 156 của Công ước này. Có thể nói, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật là công ước quốc tế có vị trí quan trọng hàng đầu trong việc qui định các thông lệ quốc tế cơ bản nhằm bảo hộ bản quyền tác giả.

Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc đăng ký làm thành viên của Công ước này có không ít khó khăn. Một trong số đó chính là giá bản quyền. Đây là vấn đề không hề dễ dàng gì đối với nhiều nhà xuất bản. Đó là chưa kể tới nguy cơ đội giá sản phẩm do chi phí mua bản quyền quá cao buộc nhà xuất bản phải tăng giá sản phẩm và khiến cho nhiều người tiêu dùng có thể đến với sản phẩm mà mình ưa thích. Ngoài ra việc tổ chức thực thi có kết quả sẽ là gánh nặng đặt lên vai đối với cả bộ máy thực thi và các cá nhân thuộc cơ quan có thẩm quyền. Tính cho đến nay sau gần 3 năm thực hiện công ước Bern, những kết quả mà chúng ta đạt được vẫn còn rất khiêm tốn. Vào đầu tháng 2 vừa qua, Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc công bố rằng số tiền tác quyền thu được vào năm 2006 là 3 tỷ đồng. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, các nghị định 61/2002/NĐ-CP và 100/2006/NĐ-CP về quyền tác giả đã ghi rõ các mức xử phạt đối với các DN vi phạm bản quyền tác giả, tuy nhiên mới chỉ thực hiện dựa trên sự tự nguyện của các DN.

Không khó để nhận thấy rằng hiện nay vẫn còn những chương trình bị ghi âm, sao chép bất hợp pháp. Không những thế, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị, hệ thống kỹ thuật số, mạng Internet cũng vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Trên thị trường hiện tại có vô số các đĩa sao chép từ một số chương trình của Đài truyền hinh Việt Nam, trong đó nổi bật là chương trình Sao Mai Điểm Hẹn. Những đĩa lậu này có chất lượng thấp, độ bền kém, âm thanh không rõ nét nhưng lại đang thắng thế bởi sự nhanh nhạy, trong khi đó nhà đài và các ca sỹ, nhạc sỹ vẫn chưa tìm ra được giải pháp thích đáng. Đây chính là điểm để các nhà sao chép “lậu” lợi dụng. Thậm chí, nếu bạn ra bất cứ hàng đĩa nào bây giờ, khi hỏi mua một chiếc đĩa ca nhạc, người bán hàng sẽ hỏi bạn một câu hỏi : “ Chị muốn mua đĩa xịn hay đĩa “thường”?” Đĩa “thường” ở đây nghĩa là đĩa sao chép lậu, thường có giả rẻ hơn 5 lần so với đĩa “xịn”.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyên âm nhạc Việt Nam, có hàng chục trang web nghe nhạc đang sử dụng “chùa” tác phẩm của người khác, trong đó có nhiều trang web là của cơ quan báo chí. Nói đến bản quyền nhạc số, không thể nhắc tới trang web nhacso.net.. Đây không phải là trang web đầu tiên sử dụng âm nhạc có bản quyền song là trang web có tiếng nhất từ trước tới nay. Công ty FPT cũng đang dự định xây dựng một hướng đi mới cho Nhacso.net theo hướng bán tác phẩm ẩm nhạc qua mạng, mô hình giống như iTunes của hãng Apple. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu vì thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, nhất là công đoạn thanh toán qua mạng. Hơn nữa để định giá “hợp lý” cho một trang web vẫn là một vấn đề nan giải!

Trang web Nhacso.net

Vấn đề bảo mật cũng khiến cho các trang web có bản quyền hết sức đau đầu. Hầu như bất cứ người nào biết sử dụng internet, tìm kiếm trong google với nội dung download nhạc từ nhacso.net hay sonic.vn đều có thể được cung cấp đầy đủ và chi tiết những bước nhằm download nhạc bất hợp pháp một cách hết sức đơn giản!!!. Điều này đang diễn ra hết sức phổ biến hiện nay. Không thể nói rằng trình độ tin học của chúng ta ngày càng cao mà vấn đề nằm ở khâu bảo mật của các trang web. Dường như điều này chưa được quan tâm thích đáng.

Ngoài ra các trang web âm nhạc có bản quyền cũng phải xem xét lại mình bởi vì người tiêu dùng sẽ hướng đến những trang web không chỉ có nội dung hay đảm bảo mà còn quan tâm đến những giá trị dịch vụ gia tăng theo kèm hoặc mức độ tương tác của website đó đối với người sử dụng. Có thể thấy rằng ở những trang web như Nhacso.net, vnmusic.vn… thì vấn đề trên chưa được quan tâm. Vnmusic.vn gần đây có mở thêm mục Âm nhạc của bạn là một hướng đi đúng song đó cũng là việc “bắt chước” lại thành công từ các trang web nổi tiếng như iTunes hay Napster.

Song hiện nay vấn đề bản quyền ngày càng quan tâm tại nước ta, nhiều chế tài xử phạt việc vi phạm bản quyền đã ra đời. Có thể hiện nay các trang web nhạc có bản quyền chưa phát triển song tương lai âm nhạc số chắc chắn nằm trong tay những trang web này. Những trang web không có bản quyền sớm hay muộn rồi cũng không còn chỗ đứng. Ví dụ điển hình đó chính là trang web nghenhac.info – nổi đình nổi đám một thời nhưng giờ dường như đã lặn mất tăm và thay thế vào đó là những trang web như Hoangclub.vn, sonic.vn…Trên thế giới việc trang web vi phạm luật bản quyền phải đóng cửa trước tiên phải kể tới “ông lớn” Napster một thời. Napster giờ đây cũng đã đi theo chân iTunes – trang web nắm giữ 80% lợi nhuận của ngành công nghiệp nhạc số trên toàn thế giới.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ là một thách thức không nhỏ trong thời kỳ hội nhập, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO và việc tham gia công ước Berne, thành lập Trung tâm tư vấn và bảo vệ bản quyền phần mềm, tổ chức các buổi tọa đàm nâng cao nhận thức về bảo vệ bản quyền…. là những động thái nằm trong nỗ lực của Việt Nam nhằm cải thiện tình hình này. Song xem ra chặng đường này còn rất nhiều gian nan!

Thúy Hương