itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Nhịp sống Cao Viên

Nhịp sống Cao Viên

Ảnh: Giang Thanh

Là một xã thuần nông ven Đáy, bình quân mỗi khẩu chỉ chưa đầy 200 m2 đất canh tác nhưng bộ mặt nông thôn Cao Viên đang mỗi ngày mỗi mới.

Nghề nông đối với một số gia đình là kế sinh nhai song với nhiều hộ khác đã trở thành “nghề phụ”.

Ruộng đất ít, người đông gia đình nào cũng phải tìm cho mình một công việc buôn bán nhỏ lẻ ở Hà Nội, Hà Đông. Nói như chủ tịch xã: 24/24 giờ lúc nào trên những con đường từ Cao Viên đi Hà Đông-Hà Nội đều có người Cao Viên, người ít cũng đi 2 chuyến một ngày, người nhiều thì 4, 5 chuyến. Bức tranh nông thôn Cao Viên đã trở lên giàu có, trù phú hơn rất nhiều so với những năm làm pháo nhưng để kinh tế địa phương phát triển bền vững vẫn còn đó nhiều việc cần quan tâm.

Một Cao Viên sôi động

Xã Cao Viên có 15.900 nhân khẩu với 3.460 hộ cư trú thành 6 thôn. Đến Cao Viên ngoài sắc xanh dịu mát của hơn 40 vườn cam Canh ven Đáy, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 200-300 triệu mỗi năm đơn thuần từ trồng cây ăn quả nhưng đó chỉ là một trong những hướng phát triển kinh tế của nông dân nơi đây. Hiện nay gia đình nào cũng có người đi làm ăn kiếm sống ở thành phố, người về muộn thì 12 h đêm, người đi làm sớm thì từ 1 hoặc 2 giờ sáng. Những người ở nhà chủ yếu chỉ là bà già và trẻ em còn ai có sức lao động đều đi làm ăn cả! Với vị trí địa lý thuận lợi chỉ cách trung tâm thị xã Hà Đông và Hà Nội từ 15-20km, chỉ mất 30 phút xe máy là đã có mặt ở nhà hay ở chợ bán hàng.

Trong những năm qua, ở Cao Viên đã có nhiều gia đình anh em hùn vốn đi buôn mía, chuối, mít, đu đủ, na, nhãn ở khắp các tỉnh Hoà Bình, Sơn La... tập kết từng chuyến ô tô về xã sau đó mới phân ra bán lẻ khắp Hà Đông, Hà Nội. Vốn buôn không nhiều công đi thu gom, vận chuyển và bán lẻ mới là chính, công việc sớm hôm vất vả nhưng thu nhập so với làm nông nghiệp thì cao hơn nhiều lần. Vào những ngày lễ tết, quốc khánh, rằm tháng 8… hầu hết chị em phụ nữ ở các xóm đều rủ nhau đi chợ từ 1, 2 giờ sáng cho mãi tới tận khuya mới về nhà.

 
 
  Nhiều hộ dân ở Cao Viên vươn lên làm giầu từ cây cam canh.
Ảnh: Giang Thanh
 

Ngoài số người đi bán rau quả rong còn có một nghề mà 2 năm trở lại đây thu hút khá đông lao động của xã, đó là việc đi thu mua đồ ăn thừa của các nhà hàng, khách sạn, quán phở… về chăn nuôi. Nếu như trước đây do các mối quen biết, chỉ cần chiều đến tạt qua vài cửa hàng quen xin đồ ăn thừa về nuôi vài 3 con lợn thì nay đã trở thành một công việc thường xuyên của hơn 200 hộ chăn nuôi lớn, có hộ bỏ ra 5-7 triệu đồng để mua đồ ăn thừa của các nhà hàng lớn mỗi tháng về phục vụ chăn nuôi. Trước khi có dịch cúm gia cầm xảy ra ở Cao Viên tổng đàn gia cầm, thuỷ cầm của xã lên tới trên 100.000 con nhưng nay hầu hết các hộ đều chuyển hướng chăn nuôi lợn kết hợp với nghề đi thu mua thức ăn thừa. Với 2 người mỗi ngày đi thu mua thức ăn thừa từ 8-10 chuyến ở Hà Nội, Hà Đông gia đình chị Nguyễn Thị Mỳ có đủ thức ăn cho gần 200 con lợn mỗi ngày.

Đời sống nhân dân ngày một khấm khá, các thôn, xóm đều tự nguyện đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hoá, đình chùa, trường học, trạm y tế khang trang, sạch đẹp. Trên 20km đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hoá 100% do nguồn vốn đóng góp của nhân dân. Các trường học mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế đều đã được công nhận chuẩn quốc gia. Quả thực đến Cao Viên hôm nay bên cạnh những ngôi nhà tầng, những vườn cam, quýt trĩu quả, xanh tốt bốn mùa thì mỗi thôn nhân dân tự đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà văn hoá, tôn tạo, tu bổ đình, chùa trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần công đồng. Ngoài ra hàng năm người dân Cao Viên đóng góp 30-40 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác.

Và những tiềm ẩn phát triển không bền vững

Nhịp sống Cao Viên rất sôi động, người ra thành phố buôn bán nhỏ, người ở nhà chăm lo đàn lợn, đàn gà, người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp thì tập trung chăm lo những vườn cây ăn quả để chờ mùa xuân tới cho thu nhập cao. Dẫu vậy thì bài toán phát triển kinh tế- xã hội ở Cao Viên vẫn còn đó nhiều việc cần làm để đảm bảo một sự phát triển bền vững. Cao Viên là một trong những xã có phong trào chăn nuôi lớn của huyện Thanh Oai với tỷ trọng chiếm trên 60% trong cơ cấu nông nghiệp nhưng đến nay 100% vẫn là chăn nuôi trong khu dân cư, có gia đình nuôi từ 200-300 lợn thịt tại gia đình. Cho dù các hộ này đều xây dựng hầm bioga để xử lý ô nhiễm môi trường xong đó vẫn chỉ là cách khắc phục tạm thời.

Mặt khác các nghị quyết, chuyên đề về dồn điền đổi thửa của xã đã được triển khai tới các thôn, xóm nhiều lần nhưng đều không có kết quả. Vì hiện nay hộ gia đình nào đông lao động, nhân khẩu chỉ có từ 7-8 sào bắc bộ còn hộ ít cũng chỉ có 2-3 sào. Xã chủ trương dồn điền đổi thửa để giúp hộ dân nào có nhu cầu chăn nuôi thì chuyển thành các TT chăn nuôi xa khu dân cư, hộ nào có kinh nghiệm trồng cam Canh, quýt đường có điều kiện mở rộng diện tích nhằm tăng hiệu quả trên một diện tích canh tác.

Trong tổng số 358 ha đất nông nghiệp của Cao Viên mới chỉ có khoảng 20 ha là đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị còn lại vẫn là thâm canh 2 vụ lúa mỗi năm. Do tâm lý người dân chưa được thông suốt, hộ nào cũng muốn giữ lại một ít chân ruộng cao trồng rau, một vài sào ruộng trũng cấy lúa cho “đủ ăn”, yên tâm đi làm các việc khác. Thời gian qua những hộ trồng cam Canh, bưởi Diễn lớn của xã như hộ gia đình anh Đào Huy Tường đều phải sang các xã bạn thuê đất trồng cam.

Hy vọng rằng với sự năng động, mạnh dạn, quyết tâm cao của lãnh đạo địa phương cũng như được sự đồng thuận của người dân, xã Cao Viên sớm thực hiện được công tác dồn điền đổi thửa và có những quy hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp theo hướng tập trung xa khu dân cư. Bởi đây là mấu chốt để cơ cấu phân bố lao động của xã hợp lý hơn, hiệu quả hơn: từ những cánh đồng 2 lúa màu mỡ ven Đáy mọc lên các trang trại chăn nuôi, trang trại cây ăn quả giá trị cao và rồi những người nông dân không cần phải lặn lội, bon chen buôn bán rong, nhỏ lẻ đêm hôm vất vả nơi đô thành vẫn có thể giầu có trên chính đồng đất quê hương.

Giang Thanh