itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Việt Nam tụt 4 bậc về năng lực cạnh tranh

Việt Nam tụt 4 bậc về năng lực cạnh tranh

So với năm 2006, thứ hạng của

Việt Nam về năng lực cạnh tranh

doanh nghiệp đã tăng 4 hạng.

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2007 Việt Nam đứng thứ 68 trong số 131 nền kinh tế được xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp và thứ 76 trong số 127 nền kinh tế được xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Cũng theo Diễn đàn kinh tế thế giới, so với năm 2006, thứ hạng của Việt Nam về năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế đã tụt 4 hạng, mặc dù năng lực cạnh tranh doanh nghiệp đã tăng 4 hạng.

Với điểm số được tổ chức này công bố chiều ngày hôm nay (31/10) trên toàn cầu thì năm 2007 năng lực cạnh tranh tổng hợp của Việt Nam hầu như không thay đổi so với năm 2006 (điểm xếp hạng dao động trong khoảng 4,04 – 4,09).

“Điều này có nghĩa là bản thân Việt Nam nhìn chung chưa có sự cải thiện rõ rệt về năng lực cạnh tranh và sự sụt hạng so với năm 2006 chủ yếu là do so sánh với các nền kinh tế khác”, tiến sỹ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét.

Trong số 102 chỉ số được tính toán cho 2 năm 2006 và 2007, Việt Nam tăng hạng ở 40 chỉ số, giữ nguyên hạng ở 5 chỉ số và tụt hạng ở 57 chỉ số.

Các chỉ số có thứ hạng tăng nhanh chủ yếu liên quan đến công nghệ thông tin như tiếp cận thị trường chứng khoán, số lượng người sử dụng internet và văn hóa ứng xử của doanh nghiệp (tăng 11 bậc)... Trong khi đó nhóm các chỉ số giảm hạng lớn nhất lại tập trung nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo, bao gồm: tỷ lệ nhập học tiểu học (giảm 37 bậc), chất lượng giáo dục về toán, khoa học và số lượng thủ tục để khởi sự kinh doanh (giảm 15 bậc), kiểm toán (giảm 13 bậc), chất lượng cung ứng điện và hệ thống giáo dục (giảm 12 bậc)...

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới thì nhóm những chỉ số Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao nhất chủ yếu là các chỉ số thuộc về quy mô thị trường (xuất khẩu, nhập khẩu, chỉ số quy mô thị trường trong nước và nước ngoài) và ổn định kinh tế vĩ mô (tiết kiệm nội địa, lãi suất). Bên cạnh đó, yếu tố về tiếp cận vốn và chi phí lao động cũng được đánh giá là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Về Chỉ số Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (được xây dựng trực tiếp từ hai chỉ số bộ phận là chỉ số về chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp và Chỉ số về môi trường kinh doanh), chỉ số chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp lại giảm 3 hạng, từ hạng 76 năm 2006 xuống hạng 79 năm 2007, chỉ số môi trường kinh doanh có ảnh hưởng quyết định tới chỉ số năng lực cạnh tranh doanh nghiệp được nâng được 1 bậc, từ hạng 79 năm 2006 lên hạng 78 năm 2007.

Cũng theo kết quả khảo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới khi xác định những yếu tố hạn chế nhất trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, 5 yếu tố hạn chế kinh doanh nhất của Việt Nam trong năm 2007 vẫn là bộ máy hành chính kém hiệu quả, tham nhũng, thiếu hạ tầng kỹ thuật, thiếu lao động có kỹ năng và tiếp cận tài chính.

Thời điểm cần thay đổi nền tảng năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Qua các số liệu đã công bố cho thấy, việc dựa quá nhiều vào tiền công thấp hoặc tài nguyên để cạnh tranh không phải là cách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các yếu tố truyền thống là tiền công thấp và tài nguyên để cạnh tranh hay đã đến lúc phải xem xét xây dựng năng lực cạnh tranh dựa trên những nhân tố mới.

Hiện nay, khoảng cách lớn nhất của Việt Nam với các nước thuộc nhóm phát triển dựa vào hiệu quả chính là hạ tầng kỹ thuật, giáo dục và đào tạo bậc cao, trình độ phát triển của thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng công nghệ, y tế và gíao dục cơ bản và trình độ kinh doanh.

Như vậy, theo đánh giá xếp hạng năm nay thì mặc dù thứ hạng có giảm, nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam không có sự thay đổi đáng kể.

Với phân tích từ số liệu báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, ông Ân cho rằng Việt Nam có thể bắt đầu giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế cạnh tranh chủ yếu dựa vào chi phí lao động thấp và tài nguyên sang những nước cạnh tranh dựa vào hiệu quả. “Trong quá trình chuyển đổi này Việt Nam có lợi thế lớn về quy mô thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và một thị trường lao động vận hành tốt”, ông Ân cho biết.

Nhóm chuyên gia của CIEM cho rằng, để xây dựng năng lực cạnh tranh dựa trên các yếu tố mới Việt Nam cần tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, giáo dục và đào tạo bậc cao, phát triển thị trường tại chính, khả năng tiếp thu công nghệ và nâng cao trình độ kinh doanh của doanh nghiệp.

M.Yến