itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Thể dục... sai lầm

Thể dục... sai lầm

Các bác sĩ khoa chi đang phẫu thuật cho

một trường hợp bị tổn thương khuỷu

tay do chơi tennis

Tập thể dục để khỏe nhưng trong một số trường hợp việc tập luyện không theo đúng bài bản sẽ gây chấn thương (thường là chấn thương ở gối, thắt lưng, cổ chân, vai, háng, cổ tay, khuỷu). Trường hợp sai nhiều sẽ dẫn đến các bệnh mạn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, nứt, gãy xương sống.

Tennis không phải dành cho mọi người

Mỗi năm, Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TPHCM điều trị hơn 1.000 ca viêm khuỷu tay do chơi tennis không đúng cách. Do đến muộn nên phần lớn bệnh nhân phải phẫu thuật, trong khi lẽ ra chỉ cần uống thuốc nếu phát hiện sớm.

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, cho biết khi mới đau, bệnh nhân thường chủ quan, chỉ nghỉ chơi vài bữa, sau đó lại chơi tiếp. Vì thế, vết thương ngày càng nặng hơn. Theo các nghiên cứu, gần 50% vận động viên tennis tập luyện hằng ngày và gần 25% số người tập vài lần/tuần mắc bệnh này. Tuy nhiên, hội chứng tennis cũng có thể gặp ở người chơi các môn khác như golf, bóng chày, bóng bàn... Nguyên nhân của bệnh lý này là người chơi tennis không nắm vững các nguyên tắc tập luyện, tập quá sức hoặc do vợt quá nặng, cán vợt quá lớn so với bàn tay, bóng quá nặng hoặc mặt sân quá cứng.

Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, Phó Chủ tịch Hội Y học TDTT TPHCM, cho biết môn tennis đang ngày càng trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi do không đòi hỏi sức mạnh quá mức. Tuy nhiên, người chơi tennis phải vận động liên tục và nhiều người thường chơi vào buổi trưa ở ngoài trời nên dễ mất nước. Chơi để giữ sức khỏe khác với tập để thi đấu, người trẻ chơi với cường độ khác người già.

Không riêng gì tennis mà với những môn thể thao ngoài trời, nếu chơi giữa trưa nắng thì dễ dẫn đến say nắng, mất nước, rối loạn điện giải. Lâu dài, người chơi chẳng những không tăng thể lực mà càng mệt mỏi thêm. Chưa kể đến việc rối loạn điện giải sẽ gây chuột rút, tổn thương cơ... Đặc biệt đối với những người lớn tuổi, có những bệnh về huyết áp, tim mạch dễ bị ngất, té ngã, chấn thương hay đột quỵ nếu vận động liên tục ngoài trời vào buổi trưa.

Đi bộ giảm cân, coi chừng thoái hóa khớp

Ông Nguyễn Văn T., 67 tuổi, tập thể dục đều đặn vào buổi sáng nhưng thường bị nhức đầu trong khi tập. Khi đến khám ở Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic, bác sĩ chẩn đoán ông bị rối loạn tuần hoàn não. Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic, có thể những bài tập thể dục là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu do bệnh nhân đã có những hoạt động quá sức chịu của cơ vùng cổ.

Hoặc là trường hợp của chị L.H.T., 47 tuổi, đã chọn cách tập thể dục để giảm cân bằng cách đi bộ nhanh trong Công viên Lê Văn Tám mỗi ngày. Khi mới tập, chị T. còn hy vọng sẽ giảm lượng cholesterol, giảm đau lưng và các khớp nhưng càng tập chị càng thấy đau ở khớp gối. Chị T. nghĩ rằng đây là biểu hiện do lớn tuổi nhưng khi đi khám ở BV Chấn thương Chỉnh hình, bác sĩ đã chẩn đoán chị bị đau khớp do béo phì và do đi bộ quá nhiều.

Theo bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, ở những người béo phì, trọng lượng cơ thể tăng nhưng bộ xương không lớn thêm được nên phải chịu áp lực quá lớn từ cơ thể. Đi bộ đều là cách tốt để giảm cân nhưng đối với những người có trọng lượng cơ thể nặng, đi bộ gây đau bàn chân, đau các khớp và dễ bị chấn thương do cơ bắp yếu. Vì vậy, ngay cả chọn cách tập thể dục đi bộ cũng cần có tư vấn của bác sĩ về chấn thương chỉnh hình. Đôi giày đi bộ rất quan trọng, phải vừa chân (không rộng, không chật cho dù chỉ một chút), chất liệu nhẹ, đế mềm, mặt đế hơi cong. Mũi giày không nên quá nhọn vì khi đi máu dồn xuống chân có thể làm đau chân. Đi bộ có vẻ nhẹ nhàng nhưng nếu không được tư vấn kỹ sẽ dẫn đến bị đau gối, có thể gây đau nhức và làm thoái hóa khớp. Nhiều người mắc bệnh loãng xương, càng cố gắng đi bộ hai gối càng bị đau, sau một thời gian không thể đi được nữa vì quá đau. Đặc biệt, đối với bệnh nhân béo phì kèm theo rối loạn về chuyển hóa mỡ, tăng cholesterol, huyết áp cao, tiểu đường... thì cần có thêm sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Thể dục khi no dễ viêm dạ dày  

Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng cũng khuyến cáo những trường hợp tập luyện thể dục, chơi tennis hay đi bộ sau khi ăn no dễ gây viêm và sa dạ dày mà những triệu chứng ban đầu là đau tức ở bụng. Khi vừa ăn xong, máu tập trung ở dạ dày và ưu tiên cho cơ quan tiêu hóa. Nếu tập luyện, vận động, máu phải phân tán tới các cơ quan ngoại biên làm cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, dẫn tới tiêu hóa chậm. Ngược lại, quá trình tiêu hóa cũng ngăn cản quá trình vận động chung của cơ thể, gây ra biểu hiện rối loạn tuần hoàn. Như vậy, cả sự tập luyện và tiêu hóa đều không có hiệu quả. Hơn nữa, tác dụng cơ học của vận động sẽ ngăn trở quá trình tiêu hóa của dạ dày, lâu dần gây viêm loét dạ dày, đường tiêu hóa.

Theo NLĐ