Phía sau câu chuyện Kosovo độc lập
Những gì đang diễn ra và đã diễn ra từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc không đơn thuần là câu chuyện giữa người Serbia và người Kosovo gốc Albania mà còn là sự cạnh tranh của các thế lực, cũ và mới, trên bàn cờ địa chính trị Balkan. Ở đằng sau câu chuyện độc lập của Kosovo cũng không chỉ là quyền dân tộc tự quyết, không chỉ là một tiền lệ mà đó còn là những toan tính của các cường quốc.
Vào lúc 17 giờ GMT chủ nhật ngày 17/2/2008, Quốc hội tự phong của tỉnh Kosovo thuộc Serbia đã triệu tập phiên họp đặc biệt thông qua tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia.
Việc Kosovo đơn phương tuyên bố trở thành một Nhà nước độc lập có chủ quyền là diễn biến mới nhất của tiến trình tan rã của Liên bang Nam Tư và được nhiều người xem như là bước cuối cùng trong việc vạch lại các đường biên giới quốc gia ở khu vực Balkan vốn có quá nhiều xáo trộn trong những năm sau Chiến tranh lạnh.
Sắc tộc, tôn giáo
Cho đến trước thời điểm tuyên bố độc lập, Kosovo là một tỉnh thuộc Serbia (trước đây thuộc Nam Tư cũ). Trong khi người Serbia chiếm đa số tại Serbia thì tại Kosovo, người Albania chiếm đa số áp đảo với hơn 90% trên tổng số khoảng 2 triệu dân. Vấn đề Kosovo có nguồn gốc sắc tộc sâu xa, cả những người Serbia lẫn người gốc Albania đều coi Kosovo là vùng “đất thánh” gắn bó chặt chẽ với bản sắc dân tộc của họ.
Pháo hoa trên bầu trời Kosovo chào đón sự kiện Kosovo tuyên bố độc lập. Ảnh Reuters |
Trở lại lịch sử, vào cuối thế kỷ 14, Kosovo bị xâm chiếm và trở thành lãnh thổ của đế chế Ottoman. Sau khi đè bẹp các phong trào kháng chiến của người Serbia theo Chính thống giáo đã sinh sống ở đây từ thế kỷ thứ 7, đế chế Ottoman đã đưa người Albania Hồi giáo đến định cư tại Kosovo.
Năm 1912, đế chế Ottoman sụp đổ, Kosovo trở thành một bộ phận của Serbia. Năm 1941, Đức Quốc xã chiếm toàn bộ Nam Tư. Kosovo trở thành một bộ phận của nhà nước Đại Albania dưới sự cai quản của Italia. Năm 1945, nhà nước Đại Albania tan rã, Liên bang Nam Tư ra đời, Kosovo trở thành một bộ phận lãnh thổ thuộc Serbia.
Trong một thời gian dài đến những năm 1980, Kosovo được hưởng quy chế tự trị cao trong Liên bang Nam Tư. Nhưng không khí căng thẳng và thù địch giữa hai cộng đồng người Albania và Serbia vẫn âm ỉ và ngày càng gia tăng, nhất là từ đầu những năm 1980. Năm 1986, ông Milosevic lên cầm quyền ở Nam Tư và đã xiết chặt quản lý đối với Kosovo, tiến tới xóa bỏ tất cả các thể chế chính trị và văn hóa, cũng như quyền tự trị đối của Kosovo.
Chiến tranh lạnh kết thúc cùng với những ràng buộc của nó mở đường cho nhiều mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo bùng nổ ở khu vực Balkan. Các sắc tộc trong Liên bang Nam Tư bắt đầu tìm kiếm con đường riêng và đưa ra các yêu sách độc lập tách khỏi chính quyền liên bang.
Năm 1990, Quốc hội Kosovo tuyên bố Kosovo độc lập, tiến hành trưng cầu dân ý và được ủng hộ của đa số dân chúng. Năm 1995, trên cơ sở các nhóm vũ trang chống chính phủ liên bang đã tồn tại từ trước, một lực lượng người gốc Albania theo đường lối cứng rắn thành lập Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA), được sự hỗ trợ về vũ khí và các viện trợ khác từ Albania, Mỹ, Đức, đã tiến hành chiến tranh du kích chống chính quyền liên bang do người Serbia kiểm soát.
Tháng 3/1999, với lý do quân đội Nam Tư vi phạm nhân quyền và phạm tội diệt chủng đối với người Albania ở Kosovo, Mỹ thông qua NATO đã sử dụng không quân tấn công Nam Tư, yêu cầu chính quyền Belgrad rút quân đội khỏi Kosovo.
Sau đó, HĐBA LHQ ra Nghị quyết 1244, đặt Kosovo dưới sự quản trị của LHQ. Quân đội Nam Tư rút khỏi Kosovo, lực lượng KFOR của NATO được triển khai tại Kosovo nhằm đảm bảo an ninh và duy trì sự chung sống giữa hai cộng đồng người Albania và Serbia.
Có thể thấy rằng từ lâu giữa người Serbia và người Kosovo gốc Albania đã có những mâu thuẫn khó có thể hóa giải. Người Serbia luôn coi Kosovo là “cái nôi” của chủ nghĩa dân tộc Serbia, biểu tượng cho chủ nghĩa yêu nước chống lại sự chiếm đóng của đế chế Ottoman và thậm chí coi Kosovo là biểu tượng cho sự phản kháng của châu Âu Thiên Chúa giáo chống lại sự bành trướng của Hồi giáo trong nhiều thế kỷ trước khi đế chế Ottoman sụp đổ.
Trong khi đó, người Kosovo gốc Albania lại xem Kosovo là một “miền đất hứa” khi họ được đế chế Ottoman đưa đến định cư tại đây. Mâu thuẫn còn lớn hơn khi người Serbia theo Chính thống giáo còn người Kosovo gốc Albania lại theo Hồi giáo.
Vị trí địa lý của Kosovo trên bán đảo Balkan cũng làm cho mâu thuẫn giữa hai sắc tộc này trở nên sâu đậm. Balkan nói chung và Nam Tư nói riêng đã trở thành địa bàn tranh giành chiến lược giữa các cường quốc, giữa đế chế Ottoman với đế chế Áo-Hung, giữa phe Đồng minh và phe Trục trong chiến tranh thế giới thứ 2 và sau đó là giữa các siêu cường Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Chính vì vậy, những gì đang diễn ra và đã diễn ra từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc không đơn thuần là câu chuyện giữa người Serbia và người Kosovo gốc Albania mà còn là sự cạnh tranh của các thế lực, cũ và mới, trên bàn cờ địa chính trị Balkan.
Đoạn kết hay khúc dạo đầu
Nếu như quyền dân tộc tự quyết là quyền được toàn thể thế giới thừa nhận thì người ta cũng phải thừa nhận một chân lý khác rằng không phải bất cứ dân tộc nào cũng có thể trở thành độc lập trong tư cách Nhà nước – Dân tộc bởi quá nhiều lẽ.
Lẽ đơn giản nhất là gần như không một quốc gia nào trên thế giới này chỉ có một dân tộc duy nhất (kể cả nhà nước Do Thái Israel). Nếu nguyên tắc “quyền dân tộc tự quyết” được áp dụng một cách phổ quát chắc hẳn sẽ cần tới chục tổ chức như LHQ để có thể quy tụ tất cả các dân tộc trên thế giới.
Kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, nguyên tắc này lại được nhiều sắc tộc đòi hỏi và áp dụng một cách triệt để. Hàng loạt các quốc gia mới đã hình thành dựa trên các tiêu chí về sắc tộc, nhất là ở các khu vực có sự chung sống của nhiều sắc tộc khác nhau. Từ Balkan đến Liên Xô cũ qua Trung Âu, một loạt các quốc gia mới đã ra đời tạo thành một làn sóng “phổ cập hóa nhà nước”.
Nhiều người cho rằng việc Kosovo tuyên bố độc lập sẽ chấm dứt tiến trình tan rã Nam Tư bắt đầu từ những năm 1990 hình thành nên các Nhà nước – Dân tộc độc lập mới ở Balkan. Thế nhưng thực tế chưa hẳn đã là như vậy. Thậm chí ngược lại, việc Kosovo tuyên bố độc lập và thừa nhận nó sẽ là cú hích đẩy mạnh tiến trình vẽ lại bản đồ ở Balkan và thậm chí ở trên quy mô thế giới.
Tiền lệ Kosovo rất có thể quay lại làm tan rã chính một Kosovo mới độc lập. Với dân số chiếm hơn 6% ở Kosovo, người Serbia, những người đã tẩy chay các cuộc bầu cử năm 2007 và không thừa nhận quyền lực của chính quyền do người Albania lãnh đạo, rất có thể sẽ lập lại chính kịch bản Kosovo để tuyên bố ly khai khỏi Pristina, trở về với đất mẹ Serbia.
Tương tự, người Serbia ở Cộng hòa Serbia thuộc Bosnia (Republika Srpska), Montenegro (30% dân số) cũng có thể nối bước những người anh em ở Kosovo cùng hợp nhất với Serbia nhằm phục hưng một Đại Serbia đã phải chịu quá nhiều tủi nhục trong những năm qua. Người Albania sinh sống ở Macedonia, Montenegro và Serbia sẽ tìm cách hợp nhất với Kosovo và có thể là với Albania hình thành nên một Đại Albania như trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Khi đó, những tấm bản đồ Balkan mới được vẽ lại sẽ phải được vẽ lại, và vẽ lại nhiều lần nữa.
Ở bên ngoài bán đảo Balkan, tiền lệ Kosovo có thể sẽ mở đường cho một loạt các phong trào ly khai khác ở châu Âu, châu Á hay châu Mỹ. Ủng hộ Kosovo độc lập, EU sẽ chẳng thể nào ngăn cản người Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo ở Bắc Cyprus tuyên bố độc lập bởi trên thực tế, từ năm 1974 đến nay họ hoàn toàn tách khỏi chính quyền trung ương.
Người Hungaria thiểu số ở Slovakia và Rumania cũng có thể viện dẫn ưu ái mà Mỹ và EU đã dành cho người Albania ở Kosovo. Chính quyền Madrid chắc chắn sẽ phải đối mặt với những yêu sách độc lập mạnh mẽ hơn của các vùng lãnh thổ xứ Basque và Catalan. Đảo Corse của Pháp chắc chắn sẽ chẳng thể hài lòng với quy chế hiện hành. Scotland, Bắc Ireland, thuộc Liên hiệp Anh, hai vùng lãnh thổ nói tiếng Pháp và Hà Lan thuộc Bỉ cũng có thêm động lực để đứng riêng thành những quốc gia độc lập. Ở phần Đông của châu Âu, danh sách các vùng lãnh thổ sẵn sàng tiếp bước Kosovo sẽ bao gồm Abkhazia, Nam Osetia, Chesnia, Nagornu-Karabakh, Transdniester.
Rộng ra các châu lục khác, báo chí thế giới sẽ phải phân chia thời gian và các mục tin cho nền độc lập của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Iraq, cho người Sunni và Shiite cũng ở Iraq vì dường như họ không thể chung sống với nhau được nữa.
Tại sao người Kashmir ở biên giới Ấn Độ và Pakistan không thể hợp nhất thành một quốc gia? Tại sao Tây Tạng không thể độc lập? Tại sao Minnadao và Aceh không thể ngang hàng với Kosovo? Tại sao Québec nói tiếng Pháp lại phải nằm trong Canada nói tiếng Anh? Và còn rất nhiều câu hỏi tại sao nữa!
Có chăng một học thuyết âm mưu?
Trong khi 22 nước khác trong EU có thể sớm công nhận Kosovo thì 5 nước khác sẽ phải cân nhắc hết sức thận trọng. Là đồng minh của Mỹ thì Canada sẽ phải dè chừng với phong trào độc lập ở Québec. Các nước theo Hồi giáo có thể ủng hộ Kosovo nhưng Jakarta chắc sẽ chỉ dám mừng thầm vì mối lo Aceh vẫn hiện hữu. Gruzia đang hướng về Mỹ và NATO cũng chẳng thể lấy đó làm vui vì vấn đề Abkhazia và Nam Osetia. Không thể chối cãi việc thừa nhận Kosovo độc lập sẽ tạo ra một tiền lệ khó quản lý. Nhưng tại sao EU (không phải tất cả 27 nước thành viên), Mỹ vẫn ủng hộ nhiệt tình cho nền độc lập của Kosovo?
Với EU, câu chuyện ủng hộ Kosovo độc lập lại được nhìn nhận ở một góc độ khác. Bị chỉ trích là yếu kém và thụ động trong cuộc chiến tranh Balkan lần thứ nhất, với việc đi đầu trong sự kiện Kosovo, EU muốn cho thấy một hình ảnh năng động, tích cực hơn nhằm chứng minh sự độc lập của EU đối với Mỹ, thể hiện vai trò của EU ở Balkan, châu Âu và trên thế giới.
Việc ủng hộ Kosovo độc lập sẽ có thể là một bước nhảy vọt trong việc định hình một chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU sau bao năm thai nghén khó nhọc. Hơn thế nữa, EU cũng muốn khẳng định rằng Balkan là địa hạt của EU và ở đó, EU hoàn toàn có thể chen chân vào cuộc chơi tay đôi Mỹ - Nga ở khu vực ngoại vi cần kề với EU. Hơn nữa, kiểm soát được Balkan luôn xáo trộn cũng là lợi ích sống còn của EU bởi đây luôn là trạm trung chuyển cho các dòng người nhập cư, hàng hóa lậu, ma túy vào EU cũng như là nơi trú ngụ của các tổ chức mafia hoạt động trên lãnh thổ EU.
Với người Mỹ, rõ ràng mục tiêu cạnh tranh chiến lược với Nga đang trở lại hưng thịnh vẫn là chủ đạo. Nhưng một Kosovo Hồi giáo độc lập có thể hai lần “rửa mặt cho nước Mỹ”. Thứ nhất, qua đó Mỹ chứng minh được rằng cuộc can thiệp của NATO do Mỹ giật dây năm 1999 là hợp pháp và đúng đắn. Thứ hai, Washington có thể biện minh rằng trong khi tiến hành chiến tranh ở Afganistan và Iraq, Mỹ không hề chống lại người Hồi giáo và thế giới Hồi giáo vì đã ủng hộ Kosovo của người Albania Hồi giáo độc lập, bảo vệ cho người Hồi giáo ở đây bằng cuộc chiến tranh năm 1999 và giờ đây trao cho họ quy chế độc lập.
Đúng như Moscow lập luận, rõ ràng việc thừa nhận Kosovo độc lập bên ngoài khuôn khổ LHQ và trái với sự đồng thuận của Serbia là một sự vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như hiện trạng biên giới ở châu Âu được thừa nhận từ Định ước Helsinhki.
Nghị quyết 1224 của HĐBA LHQ đã thừa nhận Kosovo là lãnh thổ không thể tách rời của Serbia, nước thừa kế Liên bang Nam Tư cũ. Việc thừa nhận Kosovo độc lập, như lời Ngoại trưởng Nga S. Lavrov sẽ tạo tiền lệ cho các vùng lãnh thổ khác không chỉ ở Balkan mà ở trên toàn thế giới. Nhưng rõ ràng rằng mối lo trực tiếp của Moscow chính việc bị đẩy ra khỏi khu vực ảnh hưởng truyền thống ở vùng Balkan đầy tính chiến lược. Đây chính là những lý do để Nga quyết tâm phủ quyết mọi nỗ lực công nhận độc lập của Kosovo ở những nơi có thể cho đến khi nào được đánh đổi một cách tương xứng.
Nhưng nhìn từ góc độ của một lý thuyết âm mưu mà nhiều người cho rằng thú vị hơn rất nhiều những gì các nhà chính trị tuyên bố. Theo lý thuyết này thì cái vẻ bề ngoài thống nhất giữa EU và Mỹ lại che giấu một sự thật khác là Mỹ đang tìm cách làm chậm lại tiến trình nhất thể hóa châu Âu.
Bằng cách thúc đẩy Kosovo độc lập, Mỹ đã tạo cho EU rất nhiều khó khăn trong cả việc phối hợp lập trường giữa các nước thành viên và trong việc đối phó với các xu hướng ly khai. Xung đột nếu nổ ra thì chắc chắc EU là bên phải chịu hậu quả đầu tiên chứ không hề là Mỹ. Ngay cả khi mọi việc suôn sẻ thì khi Serbia và cả Kosovo trở thành thành viên EU (như Brussels mong đợi), Serbia sẽ hoàn toàn có thể đóng vai trò “kẻ phục thù” như Ba Lan đã từng làm với EU trong những năm qua.
Với Nga, việc làm căng câu chuyện độc lập của Kosovo cũng đồng nghĩa với việc người ta phải nhắc đến vai trò của Moscow nhiều hơn. Và trong khi Serbia rất cần có sự ủng hộ đồng minh thì Nga vẫn có thể trở thành “ngư ông đắc lợi” khi chẳng cần giấu giếm việc ủng hộ các vùng lãnh thổ của Gruzia và Mondova đòi độc lập.
Ở đằng sau câu chuyện độc lập của Kosovo không chỉ là quyền dân tộc tự quyết, không chỉ là một tiền lệ mà đó còn là những toan tính của các cường quốc. Độc lập của Kosovo dù đã được tuyên bố vẫn hết sức mong manh bởi 40% nhu yếu phẩm, điện, nước Kosovo vẫn phụ thuộc và Serbia. Những người Kosovo tỉnh táo sau khi ăn mừng cái giây phút được mong đợi hàng thế kỷ hôm Chủ nhật chắc cũng thấy rằng họ không hẳn là những người đáng ăn mừng nhất trong cuộc chơi này bởi có đến 40% trong số họ đang thất nghiệp trên một lãnh thổ bị ngăn cách và hầu như có rất ít tài nguyên.
Theo Hồng Hà (VietNamNet)
Tin đã đăng
- NATO sẽ tấn công hạt nhân để ngăn chặn hạt nhân?
- Năm 2007, năm đột phá của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
- Serbia trước cuộc bầu cử quan trọng và nhạy cảm
- Châu Âu nín thở trước bầu cử Mỹ
- Người giàu xuống đường
- Trung Quốc + Ấn Độ = đối tác chiến lược
- Bắt đầu chọn ứng viên tổng thống Mỹ
- Bầu cử Mỹ: có Trời mới biết
- Hậu quả của vụ ám sát bà Bhutto
- Hỏi đáp về vụ ám sát Bhutto