Serbia trước cuộc bầu cử quan trọng và nhạy cảm
Cuộc bầu cử tổng thống ngày mai ở Serbia được coi là cuộc bầu cử quan trọng và nhạy cảm nhất trong lịch sử nước này do có những cảnh báo rằng ngay sau khi cuộc bầu cử hoàn tất, Kosovo sẽ đơn phương tuyên bố độc lập.
Ngày 20-1, cử tri Serbia đi bầu Tổng thống nhiệm kỳ mới. Ðây là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ này kể từ khi bản hiến pháp mới được thông qua hồi năm ngoái, trong đó khẳng định tỉnh Kosovo, gồm hai triệu dân (trong đó có 90% số người gốc Albania) là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Serbia.
Cuộc bầu cử tổng thống lần này được coi là cuộc bầu cử quan trọng và nhạy cảm nhất trong lịch sử Serbia do có những cảnh báo rằng ngay sau khi cuộc bầu cử hoàn tất, Kosovo sẽ đơn phương tuyên bố độc lập. Các nhà phân tích cho rằng, kết quả cuộc bầu cử sẽ xác định rõ phản ứng của Serbia trong việc lựa chọn giải pháp đối với vấn đề Kosovo ly khai.
Tình hình chính trường Serbia trở nên nóng bỏng khi quyết định tiến hành cuộc bầu cử tổng thống được công bố, dẫn đến những rạn nứt nghiêm trọng ngay trong liên minh cầm quyền. Bốn đảng trong liên minh cầm quyền đã không tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra quyết định tiến hành cuộc bầu cử tổng thống lần này.
Ðảng Dân chủ Serbia (DSS) của Thủ tướng V.Kostunica cáo buộc rằng đảng Dân chủ (DS) thân phương Tây của Tổng thống B.Tadic đã "vi phạm thỏa thuận" giữa các đảng trong liên minh cầm quyền khi tự ý đưa ra quyết định tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào thời điểm "không thích hợp" hiện nay. Thậm chí, đảng Serbia Mới (NS), một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền, còn đe dọa tẩy chay bầu cử.
Thủ tướng V.Kostunica, một người có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc ôn hòa, nêu rõ rằng việc đảng DSS của ông phản đối tổ chức bầu cử tổng thống vào thời điểm này vì đây là lúc Serbia cần tập trung các nỗ lực vào việc bảo vệ chủ quyền đối với Kosovo. Và cho đến sát ngày bầu cử, DSS vẫn không giới thiệu ứng cử viên của đảng này ra tranh cử.
Chiến dịch tranh cử đã chính thức diễn ra trong vòng một tháng trước ngày bầu cử. Các nhà phân tích cho rằng, trong số mười ứng cử viên tham gia cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống lần này chỉ có hai ứng cử viên có khả năng lớn nhất giành thắng lợi. Ðó là đương kim Tổng thống B.Tadic và cựu Chủ tịch Quốc hội, thủ lĩnh đảng Cấp tiến Serbia (SRS) T.Nikolic.
Một phụ nữ đi ngang qua tấm áp-phích mang hình ứng cử viên-đương kim tổng thống B.Tadic. |
Tổng thống B.Tadic tuyên bố, đây là cuộc bầu cử có ý nghĩa quyết định vì Serbia sẽ lựa chọn con đường mà mình sẽ đi. Ông B.Tadic nêu rõ, thông điệp của ông là hòa bình, phồn vinh, đời sống của nhân dân được cải thiện, đất nước phát triển, an ninh và ổn định. Ông tỏ ý tin tưởng rằng cử tri sẽ ủng hộ việc lựa chọn con đường đưa Serbia gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU). Ông B.Tadic cảnh báo, nếu cử tri có sự lựa chọn khác thì điều đó có thể dẫn đến "con đường sai lầm", đưa Serbia trở lại tình trạng bị cô lập, nghèo đói và sống trong những mối lo ngại xảy ra chiến tranh. Về vấn đề ly khai của Kosovo, ông Tadic phản đối việc tỉnh này tuyên bố độc lập nhưng chủ trương ưu tiên hơn cho mục tiêu đưa Serbia gia nhập EU và cần sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền của Serbia đối với Kosovo. Ông nhấn mạnh rằng, Serbia cần thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU mà không cần quá quan tâm tới tác động của những tranh chấp liên quan vấn đề Kosovo.
Trong khi đó, ông Nikolic, người đang nổi lên như một nhân vật tiềm tàng của quyền lực ở Serbia, tuyên bố sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với bất cứ nước nào công nhận độc lập của Kosovo và đe dọa sẽ chấm dứt nỗ lực của Serbia gia nhập EU nếu như các nước EU công nhận độc lập của tỉnh này. Nhiều nhà quan sát cho rằng sự rạn nứt trong liên minh cầm quyền đang mang lại lợi thế cho đảng SRS theo chủ nghĩa dân tộc của cựu Chủ tịch QH T.Nikolic, người có xu hướng thân Nga. Ông Nikolic nêu rõ, Serbia hiện đã rơi vào tình trạng khủng hoảng và tố cáo Tổng thống Tadic muốn tổ chức bầu cử vào thời điểm này để cho phép EU can thiệp công việc nội bộ Serbia và tạo điều kiện để Kosovo tuyên bố độc lập.
Liên quan vấn đề Kosovo, Thủ tướng Serbia V.Kostunica mới đây đã cảnh báo rằng, Serbia sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với các nước EU công nhận Kosovo độc lập, ngoài ra Serbia sẽ không gia nhập "ngôi nhà chung" EU nếu khối này ủng hộ Kosovo độc lập. Chính phủ Serbia cũng bác bỏ ý tưởng của EU cử một phái bộ, gồm 1.800 cảnh sát, thẩm phán và nhân viên hành chính để giám sát Kosovo trong khi Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chưa tìm được quy chế cuối cùng cho tỉnh này.
Thủ tướng Kostunica cáo buộc Mỹ cản trở những nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo tỉnh Kosovo khi công khai tuyên bố ủng hộ Kosovo tuyên bố độc lập. Ông tố cáo hành động của Mỹ là phá hoại trật tự quốc tế, đồng thời cũng khẳng định Serbia sẽ chỉ tham gia bất cứ quá trình hội nhập nào với tư cách một quốc gia toàn vẹn lãnh thổ, chứ không phải một quốc gia bị chia cắt. QH Serbia mới đây đã thông qua nghị quyết dọa sẽ ngừng việc gia nhập EU và cắt đứt quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây nếu những nước này công nhận nền độc lập của tỉnh Kosovo.
Nhiều nhà quan sát cho rằng trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống ở Serbia sắp tới, ông T.Nikolic dường như có ưu thế hơn đương kim Tổng thống B.Tadic. Nguyên nhân một mặt là do chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nước này, trong đó người dân Serbia tỏ ra kiên quyết trong việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Mặt khác, ảnh hưởng của Nga đang tăng cao ở Serbia và Moscow ủng hộ quan điểm của Belgrade duy trì chủ quyền của Serbia đối với Kosovo.
Hiện Nga là bạn hàng lớn nhất của Serbia với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn bốn tỷ USD trong năm 2007 và Nga đã đề ra kế hoạch đầu tư một dự án trị giá gần ba tỷ USD vào ngành năng lượng của Serbia trong thời gian tới. Tuy nhiên, khả năng có một ứng cử viên giành thắng lợi ngay trong vòng một còn chưa rõ ràng. Và nếu không có ứng cử viên nào giành thắng lợi trong vòng một, Serbia sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai vào ngày 3-2-2008.
Ðiền Tâm / Nhandan
Tin đã đăng
- Châu Âu nín thở trước bầu cử Mỹ
- Người giàu xuống đường
- Trung Quốc + Ấn Độ = đối tác chiến lược
- Bắt đầu chọn ứng viên tổng thống Mỹ
- Bầu cử Mỹ: có Trời mới biết
- Hậu quả của vụ ám sát bà Bhutto
- Hỏi đáp về vụ ám sát Bhutto
- Đảng thân Thaksin 'có thể lập liên minh'
- Tân chủ tịch ANC sẽ bị truy tố?
- Bầu cử Kyrgyzstan không công bằng?