itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Hài truyền hình, cười không nổi!

Hài truyền hình, cười không nổi!

Nghệ sĩ Minh Nhí, Trịnh Kim Chi và Thanh Thủy trong chương trình Tài - Tiếu - Tuyệt đang ăn khách trên HTV2
(Ảnh do chương trình cung cấp)

Một trong những nguyên nhân khiến khán giả xem kịch hài trên truyền hình ngao ngán là những tiểu phẩm hài nhạt nhẽo, diễn xuất quá cẩu thả của một số diễn viên hài

Khi các sàn diễn tấu hài tại các sân khấu kịch, quán bar, nhà hàng không còn ăn nên làm ra thì các chương trình kịch hài trên sóng truyền hình được mở ra ngày càng nhiều. Thậm chí có hẳn những kênh truyền hình chuyên phát sóng chương trình hài. Thiếu kịch bản hay, thiếu đội ngũ làm nghề có trách nhiệm và chạy theo kế hoạch phát sóng, nhiều chương trình hài kịch truyền hình hiện đang giẫm lên vết xe đổ của sàn diễn tấu hài từng bị lên án nhếch nhác thời gian qua.

Chỉ 3 triệu đồng là có được tiểu phẩm

Nếu cách đây 8 năm, những người yêu nghệ thuật hài và một số nhà quản lý đã từng cảnh báo về sự xuống cấp cả nội dung và hình thức thể hiện của loại hình hài truyền hình thì đến nay, thực trạng vẫn không cải thiện. Lướt qua các kênh truyền hình đều thấy chương trình hài mà không ít khán giả gọi là nhảm nhí tăng lên từng ngày. Trong đó, nhiều tiểu phẩm hài có nội dung nhạt nhẽo, diễn viễn hài thi nhau diễn “cương”, chọc cười hết sức vô duyên. Thậm chí có nhóm hài đã thoại những ngôn từ thô tục. Nếu ai từng xem những tiểu phẩm hài trên màn ảnh như: Yêu quá sức, Yêu qua mạng, Kẻ cắp trái tim, Mộng hồ điệp, Công nghệ làm ăn… sẽ nghe không ít câu thoại phản cảm.

Đa số diễn viên hài hiện nay khi được hỏi vì sao tham gia các tiểu phẩm quá tệ, họ thường đổ lỗi cho khâu biên tập. Nhưng qua tìm hiểu, không ít người trong giới chuyên môn ngao ngán khi biết mỗi tiểu phẩm hài được thực hiện chỉ với mức đầu tư 3 triệu đồng, nhà đài khoán gồm thù lao kịch bản, đạo diễn cho đến diễn viên, đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nội dung các tiểu phẩm hài ngày càng tệ.

Xem tiểu phẩm hài trên các kênh SCTV 1, SCTV 17, Đài PTTH Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh…, khán giả bắt gặp không ít tiểu phẩm hài mà diễn viên chủ yếu dùng diễn xuất ngoại hình để che đi nội dung nhạt nhẽo của kịch bản. Không ít tiểu phẩm hài trên truyền hình hiện nay cứ bám vào đề tài giả gái, giả pê đê, chế nhạo người đồng tính để khai thác tiếng cười.

Không nhận làm là thiệt

Tình trạng trên còn do diễn viên từ các nguồn đào tạo, cả trường chuyên nghiệp và các lò, ra trường đang khan hiếm việc làm nên ai nấy đổ xô đi nhận diễn hài cho truyền hình. Nghệ sĩ Duy Phương nói: “Diễn viên hài hiện nay có thể chở bằng xe tải. Ai cũng có thể trở thành diễn viên hài”. Chỉ cần có việc làm, có thu nhập, các diễn viên hài trẻ sẵn sàng nhận sô với giá rẻ mạt.

Một số nghệ sĩ hài có tên tuổi bức xúc: “ Hễ mình từ chối là lập tức có người thế vào. Nhà đài cũng không cần danh hài hay diễn viên có tên tuổi. Họ chỉ cần có chương trình phát sóng với kinh phí rẻ nhất”.

Một nguyên nhân khác khiến các chương trình hài kém chất lượng và đơn điệu, đó là tính cục bộ ngay từ khâu biên tập chương trình. Nghệ sĩ hài Anh Vũ nói: “Tôi không chấp nhận việc cứ biên tập nào thì diễn viên hài đó, không thể đặt quan hệ thân tình lên chất lượng vở diễn. Bởi khi phân vai hợp lý, đúng sở trường, vở diễn sẽ mang lại hiệu quả, còn người của biên tập đài gửi gắm mà diễn dở, không có sự phối hợp thì khó mà tạo hiệu quả tiếng cười”.

Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhận định: “Những đợt tập huấn cho diễn viên hài do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức đã mang lại nhiều tiểu phẩm có chất lượng, nhất là qua Liên hoan Tiếng cười xanh tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên, các nhóm hài hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, khi truyền hình vào cuộc khai thác hài, sự tản mạn, vụn vặt trong cách làm đã khiến chất lượng hài đi xuống. Hạn chế của các chương trình hài trên truyền hình còn do các ê kíp chi phối, tiền bạc bị cắt xén khiến chất lượng sa sút. Việc các chương trình hài truyền hình xuất hiện dày đặc nhưng không đầu tư, chăm sóc về nội dung, giá trị thẩm mỹ là điều đáng báo động”.

Lóe lên những điểm sáng

Trong những chương trình hài truyền hình khiến khán giả ngán ngẩm, đã xuất hiện một số chương trình được đầu tư nghiêm túc, được giới chuyên môn và công luận đánh giá cao.

Chương trình Tài - Tiếu - Tuyệt (phát sóng lúc 20 giờ chủ nhật hằng tuần trên HTV2) là một trong những chương trình hài đã tạo sức hút riêng với khán giả màn ảnh nhỏ. Trong phiên bản 3 mới nhất vừa lên sóng từ ngày 17-2, Tài - Tiếu - Tuyệt đã khoác một chiếc áo mới với nhiều tiết mục hấp dẫn. Đạo diễn Lê Hải, người gắn bó lâu nay với chương trình, nói: “Chúng tôi nỗ lực làm mới chương trình, không chỉ để nghệ sĩ thi thố với nhau mà còn mời cả những người thuộc nhiều thành phần trong xã hội, những tấm gương tiêu biểu có thể ứng biến với nghệ sĩ và từ đó tạo sự thú vị với khán giả xem đài”.

Chương trình Bác Ba Phì thời @ của HTV 9 cũng là một chương trình mang lại tiếng cười thú vị cho khán giả bên cạnh những kiến thức cần biết trong đời sống. Đạo diễn Hoàng Duẩn, người thực hiện chương trình này, tâm đắc: “Mỗi số chúng tôi đều chọn một chủ đề để đóng góp trong chương trình những điều thú vị mà chính nghệ sĩ và người am hiểu tạo nên những tranh luận chạm đến cảm xúc của khán giả”.

Theo nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM, nhiều năm qua, HTV đã làm phong phú nguồn kịch bản hài, lấy từ chuyện dân gian, từ nhiều đối tượng lao động trong xã hội để hướng đến việc tạo tiếng cười châm biếm, ngôn ngữ hài sạch, được thể hiện trong các chuyên mục: Chuyện cảnh giác, Siêu thị cười, Chuyện không của riêng ai, Bác Ba Phì thời @... Ông Kiều Tấn cho rằng: “Để hài truyền hình có chất lượng, phải nâng cao trình độ biên tập, diễn xuất của diễn viên hài, đồng thời thẩm định trình độ của người viết kịch bản, đạo diễn trước khi mời cộng tác để biết họ có đủ sức tạo hiệu quả cho tiếng cười có ích dù chỉ là một tiểu phẩm hài dài 15 phút”.

THANH HIỆP