itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Cảnh quan rừng đá Hầm Hô (Bình Định)

Cảnh quan rừng đá Hầm Hô (Bình Định)

Khu du lịch Hầm Hô, Bình Định là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên hoang dã.

Hai con đường dọc theo bờ suối đã được nâng cấp, hệ thống điện đã được hoàn tất. Những bậc thang len lỏi trên các sườn núi cũng đang được cải tạo để du khách có thể dạo chơi.

Chiếc thuyền nan nhẹ nhàng lướt đi trên dòng nước trong vắt, càng lúc càng đi sâu vào đường hầm xanh mướt. Những bụi cây ven bờ lòa xòa, giao tán, in bóng xuống dòng suối. Không gian bao phủ một mầu xanh mát mẻ, chỉ có tiếng chim rừng, tiếng chèo khua nước và một cảm giác yên ả cực kỳ.

Hơn nửa cây số bồng bềnh trên con đường dẫn vào khu du lịch Hầm Hô (Tây Sơn - Bình Ðịnh) du khách như trút bỏ cả thế giới trần tục sau lưng. Trước mặt đây là quang cảnh núi rừng hùng vĩ, những tảng đá lớn nhỏ, nhiều dáng hình lô nhô trên mặt suối, dòng nước chảy quanh co. Bốn bề là những núi cao ngất, cây rừng nguyên sinh và một bầu trời xanh ngắt. Tất cả tạo nên vóc dáng của một hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên, với những tên gọi lãng mạn như: Ðá Thành, Ðá Bàn Cờ, Ðá Chùm, Ðá Dựng, Ðá Trái, Cửa Sanh - Cửa Tử, thác Cá Bay. Hầm Hô còn có tên gọi "Hầm Hô thạch trụ".

Từ xưa, Hầm Hô đã gắn liền với đời sống người dân. Thời Hậu Lê, triều đình đã cử một vị quan về đây xây một con đập làm thủy lợi. Chuyện kể: Ông quan lo việc chức phận ở đây không chịu nổi rừng thiêng nước độc đã qua đời khi công trình còn dang dở. Người em tiếp tục công việc của người anh cho đến khi hoàn tất. Ghi nhận công lao của bậc tiền hiền, nhân dân đã dựng nên miếu thờ hai ông trên mô đất cao nhìn xuống con đập. Hiện nay con đập xưa đã được bê-tông hóa và dòng suối vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình dẫu đã hàng trăm năm qua đi.

Hầm Hô sẽ là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên hoang dã. Hai con đường dọc theo bờ suối đã được nâng cấp, hệ thống điện đã được hoàn tất. Những bậc thang len lỏi trên các sườn núi cũng đang được cải tạo để du khách có thể dạo chơi.

Tên gọi Hầm Hô bắt nguồn từ một hiện tượng thường xảy ra trên đoạn sông Kút. Hằng năm, vào thời điểm nóng nhất, có hạn hán, lúc mà người dân mong đợi mưa xuống thì trên đoạn sông này vào ban đêm thường có những âm thanh lạ lùng nổi lên như tiếng người cùng nhau hô hoán. Sau đó một thời gian rất ngắn, trời có mưa giông. Tuy nhiên, theo giải thích của các nhà khoa học thì đây chỉ là hiện tượng tự nhiên. Hầm Hô là hạ lưu của sông Kút chảy uốn khúc quanh theo hai vách núi dày đặc cây rừng và đá trải nên nhiệt độ luôn thấp hơn lưu vực đồng bằng. Giai đoạn chuyển mưa tạo nên những luồng không khí lạnh hơn, mạnh hơn tràn về hạ lưu. Khi qua Hầm Hô gặp địa hình cây rừng cùng hang hốc của đá núi đã tạo nên âm thanh vang dội.

Mùa xuân là thời điểm đẹp nhất để đến thăm ngắm Hầm Hô. Tới Hầm Hô trên lối mòn ngoằn ngoèo dọc suốt bên sông. Ngược dòng tới những thắng cảnh như Vực Sặc, Vực Bà, Vực Hòm, Ðá Cháy, Thác Hai, Thác Ba, Ðỉnh Sương Mù, Làng Cát..., những nơi tận cùng dòng sông Kút giáp với tỉnh Phú Yên và Gia Lai, du khách càng xốn xang trước hùng vĩ của thiên nhiên hoang sơ mà lộng lẫy của núi rừng.

Mùa nắng ráo, Hầm Hô phơi cạn lòng, chỉ còn vài lạch nước trong vắt, đá trải hàng hàng, lớp lớp chồng lên nhau đủ hình đủ dạng. Có nơi, lòng suối đá mọc lên lởm chởm, gập ghềnh... Hai bên bờ đá còn dựng thành hàng như bức tường thành cao, hiểm trở. Có nơi đá mọc tua tủa như rừng gươm. Cảnh tượng kỳ quái - lạ mắt mà đầy bí hiểm. Nơi đây nghĩa quân Cần Vương hồi cuối thế kỷ 19 đã chọn làm căn cứ kháng Pháp.

Hầm Hô còn có nhiều loại cá đá, cá niềng, cá trắng cho đến cá chép, cá ngựa, cá trôi... Mùa mưa, cá từ sông Côn ngược dòng lên nguồn Ðá Hàng để sinh đẻ. Tại đây, mùa cá vượt thành đàn, vì vậy mà thác Hầm Hô còn gọi là thác Cá Bay. Tục truyền xưa kia, hằng năm cá tề tựu về đây để vượt thác. Con nào vượt được thì hóa rồng, nên thác này còn gọi là thác Vũ Môn.

Một nhà thơ đất Tây Sơn đã cảm tác:

"Cổ Bàn non nước còn thiêng mãi.

Có thuở Hầm Hô cá hóa rồng".

Theo Báo Nhân Dân