itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Rừng tràm Trà Sư - Hoang sơ mà sâu lắng

Rừng tràm Trà Sư - Hoang sơ mà sâu lắng

Nằm cách biên giới Việt Nam – Campuchia chỉ 10 km, rừng tràm Trà Sư thuộc vùng núi Thất Sơn huyền bí của “thủ phủ” Núi Cấm (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Đây cũng là khu rừng ngập nước nội địa thứ 6 của Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù đường vào rừng còn gập ghềnh ổ gà, ổ voi nhưng ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng cuốn hút...

Xe hơi chỉ đi được từ Núi Cấm đến cổng rừng tràm, trên dưới 15 cây số. Tại đây, Ban quản lí khu du lịch sẽ cung cấp những chiếc xe đạp đôi cho du khách tha hồ tận hưởng thú vui cưỡi xe đạp thăm thú rừng tràm. Đoạn đường này khoảng 5 – 6 km, hun hút chỉ một con đường mòn nhỏ, vừa đủ một bánh xe. Phía trên là màu xanh của ngọn tràm, bên dưới mương nước thỉnh thoảng nghe tiếng cá vẫy đuôi tạo nên những âm thanh là lạ.

Đứng trước cây cầu vào cổng, trước mắt du khách hiện ra con kênh dài với dòng nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá vẫy đuôi làm xao động mặt nước. Ngay cạnh đó là cả dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh. Từ đây, du khách không đi bằng xe nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi trong các ngóc ngách của rừng. Ngồi trên xuồng, nhè nhẹ từng nhịp chèo khua trên dòng nước trong xanh, ngắm hàng chục loài chim hót véo von trên từng ngọn tràm mà ngỡ như mình đang lạc vào xứ sở thần tiên.

Theo Ban quản lí rừng tràm Trà Sư, rừng rộng gần 850ha, là nơi trú ngụ của 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, nhiều nhất là bộ sẻ với 26 loài. Trong đó, có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là cò lạo Ấn Độ (Mycteria leucocephala) hay còn gọi là Giang Sen, và điêng điểng hay còn gọi là cò rắn (Anhinga melanogaster), còn nhiều nhất là chim sẻ (sparrow) lên đến 26 loài và tiếp đến là loài dơi quạ (flying fox). Đối với loài thú đã thống kê được 11 loài thuộc 4 bộ và 6 họ. Các bộ có số loài nhiều nhất là dơi (15 loài), gặm nhấm (4 loài), trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm cũng đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam. Riêng bò sát, ếch nhái cũng có tới 25 loài, 2 bộ, 10 họ, trong đó có cả rắn hổ mang, cạp nong.

Khi các vùng đất ngập nước ngày càng thu hẹp, hệ sinh thái rừng tràm Trà Sư nổi bật như là nơi dừng chân quan trọng của nhiều loài chim, kể cả những loài kiếm ăn trên cây bụi và trảng cỏ như chim cu ngói, sáo đá đuôi hung. Ngoài ra, rừng còn có 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.

Không chỉ phong phú về động vật, Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh. Quần thể thực vật có 11 loài sinh cảnh thực vật rừng, 9 loài cây cung cấp gỗ củi, 78 loài thuốc (có nhiều loài cây thuốc bổ, chữa bệnh có giá trị), 22 loài cây cảnh, 7 loài cây cho rau và 9 loài cây ăn quả. Một số loài cây dân dã thường dùng, như rau cóc, rau đắng, đọt sen… mang đặc trưng ở rừng tràm Trà Sư. Đặc biệt, loại cỏ bắc dùng nấu nước uống giúp cơ thể giải nhiệt, có thể chế biến thành sản phẩm du lịch.

So với những vùng đất ngập nước khác thuộc ĐBSCL, xét theo loài thực vật trong tổng số diện tích thì rừng Trà Sư có tỷ lệ cao, xếp thứ 2 sau khu bảo tồn thiên nhiên Xẻo Quýt (Đồng Tháp).

Chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và người ham mê động vật hoang dã. Ngoài ý nghĩa về mặt bảo tồn và giá trị kinh tế, rừng tràm Trà Sư còn chứa đựng những yếu tố văn hóa độc đáo do các cư dân sống ven rừng tạo nên. Quanh khu rừng tràm Trà Sư có khá nhiều đồng bào Khơ-me và người Kinh sinh sống với ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, gây nuôi ong mật…

Giữa năm 2005, tỉnh An Giang đã công nhận đây là khu rừng đặc dụng - bảo vệ cảnh quan nằm trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia với các phân khu chức năng gồm bảo vệ nghiêm ngặt 441 ha, phục hồi sinh thái 245 ha và dịch vụ - hành chính 159 ha.

Vào mùa nước nổi, khoảng tháng chín, tháng mười âm lịch, toàn khu rừng ngập sâu từ 2 đến 3 mét, đi xuồng len lỏi vào các sân chim, xem dơi quạ rộng hàng chục héc-ta, thấy con lớn đến cả ký treo dày trên ngọn tràm.

Vừa ngắm cảnh đẹp, du khách vừa tự tay hái các loại rau muống, rau dừa, điên điển… trước khi đi qua các trảng cỏ xen lẫn trong rừng. Đặc biệt, vừa thưởng thức những món ăn đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ như cá linh nướng, món cá lóc hấp bầu, gà rừng nướng muối ớt, cua đồng chấm mắm me, cá lóc rừng cuốn với lá sen bẻ trong rừng nướng trui, ăn ngay tại chỗ thì không còn gì ngon bằng… du khách còn cùng nhau giao lưu bằng những câu chuyện xứ rừng, nghe du dương tiếng ca vọng cổ ngọt lịm của những cô thôn nữ.

Tất cả không gian ở đây, từ âm thanh, ánh nắng đến món ăn “miệt vườn” dân dã đều có những hương vị rất riêng mà không phải nơi nào cũng có được. Nếu du khách muốn nghe bản hợp ca của các loài chim thì nên đi thuyền vào rừng tràm Trà Sư vào buổi chiều vì từ sau 17h chim mới bắt đầu về rừng. Còn cả ngày ở rừng Trà Sư thì hãy giải trí bằng thú đi câu.

Đến mới thấy, nếu một lúc nào đó có nhu cầu muốn phiêu lưu trong chốn rừng hoang với những cảm giác bềnh bồng lo lắng, muốn tạm thời quên hết lo âu của cuộc sống bộn bề, muốn “có đôi khi” một mình sống với thiên nhiên... có lẽ, rừng tràm Trà Sư sẽ là nơi mang đến cho những ai có nhu cầu tất cả những cảm giác thú vị ấy!

ItaExpress (tổng hợp)