itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Trường Sa, đi và kể

Trường Sa, đi và kể

Ảnh: C.S

Với mỗi chúng ta, Trường Sa luôn là một khái niệm vừa xa xôi, cách trở, vừa thương yêu và thiếu thốn. Cái thiếu thốn tôi muốn nói đến là thiếu thốn những thông tin của chúng ta về cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh có một chuyến ra thăm cán bộ chiến sỹ ngoài đảo, cùng đi với đoàn là các bạn trẻ của thành đoàn, các vị đại diện cho một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Với nhu cầu được tìm hiểu về cuộc sống của chiến sỹ Trường Sa, tôi đã có một buổi nói chuyện với ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó TGĐ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo/ITA Group.

Ơi Trường Sa!

Lại Thu Giang: Chào ông, cảm ơn ông đã nhận lời mời của chúng tôi, xin ông cho biết đây là lần thứ mấy ông ra thăm đảo?

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Đây là lần đầu tiên tôi ra thăm đảo, chuyến đi nằm trong kế hoạch thường niên của Uỷ ban nhân dân Thành phố (UBNDTP) Hồ Chí Minh, dẫn đầu là ông Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư thường trực, ra động viên tinh thần chiến sỹ đảo Trường Sa. Đoàn đi thăm gồm nhiều thành phần, trong đó, 20 – 30% là các doanh nghiệp.

Lại Thu Giang: Ông có thể chia sẻ với bạn đọc hành trình của chuyến đi, vì trong hình dung chung của mọi người, Trường Sa xa xôi và gian nan...

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Ngày đầu tiên chúng tôi rời cảng Ba Son, thấy khung cảnh bốn bên đẹp lắm, lòng đã tự nhủ, sao không tiến hành những tour du lịch nhỉ, nhưng chỉ sau một đêm đầu tiên, với những cơn say sóng kinh hồn, con thuyền như một chiếc lá quay cuồng giữa bốn bề sóng nước. Cảm giác về nỗi sợ hãi, và quả thật có ý nghĩ muốn quay về nửa chừng, vì khủng khiếp quá.

Bên cột mốc biên giới. Ảnh: C.S

Lại Thu Giang: Cảm nghĩ đầu tiên của mình khi biết sẽ là một trong những người ở đất liền được đặt chân lên đảo?

Ông Nguyễn Tuấn Minh:Tôi là dân thành phố quen với tiện nghi, nên đến với Trường Sa không khỏi khâm phục tinh thần của những chiến sỹ. Nếu không vững tinh thần và có một tình yêu lớn lao, chắc sẽ không thể trụ lại được.

Lại Thu Giang: Trường Sa có khác gì so với trí tưởng tượng trước đó của ông không?

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Trước đây tôi thường nghĩ, đảo có nghĩa là xinh tươi, nhưng không ngờ, đập vào mắt tôi là bê tông cốt thép. Trên đảo chỉ có cây bàng quả vuông (cây tra), cây phong ba và rau muống biển. Các nhà khoa học từng muốn mang kỹ thuật làm điện hay như trồng cây theo kiểu nhà kính, nhưng, khí hậu quá khắc nghiệt...Trên đảo vẫn dành một ít đất để trồng cây, có lẽ, theo tôi nghĩ, là để trồng niềm tin...

“Chuyến đi khiến tôi tin mình trưởng thành hơn!”

Lại Thu Giang: Ấn tượng đầu tiên của ông về Trường Sa là gì?

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Nước ngọt quá khan hiếm. Người lính tiết kiệm bằng cách lấy nước tắm xong để tưới cây. Nước ngọt quá khan hiếm đến nỗi thấy chậu nước ngọt mà chiến sỹ để cho chúng tôi rửa mặt mà tôi không dám. Đến đêm, tôi rất xúc động khi các em chiến sỹ giăng mùng cho mình ngủ, còn các em thì phải ra ngoài mắc võng nằm. Các em nói gì cũng nhỏ nhẹ, lễ phép. Đúng là lửa thử vàng gian nan thử sức, cũng với môi trường rèn luyện của quân đội, tôi thấy họ thực sự trưởng thành về mặt nhân cách. Các em rất thích nói chuyện, và trong những câu chuyện, tôi thấy, họ luôn cháy sáng niềm tin vào cuộc sống....

Lại Thu Giang: Thế còn những thành viên khác trong đoàn thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Diễn tả thế nào nhỉ? Có nhìn thấy cảnh mấy em thanh niên xung kích xin đi trước để hát cho chiến sỹ nghe mới thấu. Khi đi tàu say sóng là thế, chúng tôi ai cũng lộn lạo, người mềm oặt như cọng bún, ấy thế mà lên tới đảo thì tươi tỉnh và hát rất say mê. Còn khâu tổ chức thì rất chặt chẽ. Trong suốt quá trình đi, tình cảm của người lãnh đạo rất cởi mở, chân tình như những người anh, dặn dò chúng tôi từng tý một, có những người tuổi có lẽ đã nghỉ hưu rồi, nhưng vẫn rất hăng say...

Lại Thu Giang: Cảm nghĩ của ông về đời sng của cán bộ chiến sỹ đảo?

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Bộ đội trường SaThiếu thốn về mặt tinh thần, chúng ta đã có nhiều chương trình nhưng đều không thấm tháp gì, như điện chạy bằng năng lượng mặt trời, dầu diezen, trông cây theo mô hình nhà kính v.v...nhưng hầu như là không thể vượt nổi cái khắc nghiệt của thời tiết cũng như khí hậu Trường Sa do độ ẩm quá thấp. Các chiến sỹ của chúng ta trẻ về tuổi đời nhưng bản lĩnh chính trị rất cao, nghiêm túc trong phong cách làm việc. Cá nhân tôi thấy, chứng kiến nỗi gian nan ra đảo, rồi cuộc sống khốc liệt ngoài Trường Sa, được chuyện trò với các em, có cái gì như là lửa được nhen lên trong lòng mình. Chuyến đi khiến tôi tin rằng mình đã trưởng thành hơn.

Chụp ảnh lưu dấu ở Trường Sa. Ảnh: C.S

Lại Thu Giang: Và chúng tôi cũng được biết, để bày tỏ tấm lòng của “hậu phương” trên đất liền, tập đoàn Tân Tạo đã uỷ nhiệm ông uỷ lạo tinh thần cán bộ chiến sỹ Trường Sa với số tiền là 100 triệu đồng, để bày tỏ tấm lòng của “hậu phương” nơi đất liền đối với Trường Sa hay là....

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Tân Tạo không phải là tập đoàn kinh tế đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này muốn được bày tỏ tấm lòng dộng viên đời sống vật chất của cán bộ chiến sỹ hải đảo xa xôi đang ngày đêm cảnh giữ bình yên trên từng hải lý, mà còn có nhiều đơn vị khác nữa. So với những gì các cán bộ, chiến sỹ của chúng ta đang gác cho biển bình yên, thì sự bày tỏ ấy luôn là rất nhỏ bé.

“Hẹn gặp lại lần nữa, Trường Sa ơi”

Lại Thu Giang: Nếu được thay mặt những người sống ở đất lin, nhắn nhủ hay nói gì đó với chiến sỹ trên đảo, ông sẽ nói gì?

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Cuộc sống trên đảo còn rất nhiều vất vả, lúc trên tàu để về lại đất liền có dàn hải quân xếp hàng chào: “Hẹn gặp lại lần nữa, Trường Sa ơi”, xúc động lắm. Tôi rất muốn có những chương trình rút ngắn đường ra đảo, cần nhiều sự hợp tác hơn, cần có một cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư.

Lại Thu Giang: Khi ấy thì Tân Tạo có sẵn sàng?

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Sẵn sàng chứ, vì Tân Tạo đã từng có nhiều những chương trình đối với những đơn vị bộ đội khác trên đất liền, và chắc chắn trong tương lai, sẽ còn nhiều việc tương tự thế nữa.

Lại Thu Giang: Sau này, những chuyến đi thường niên của uỷ ban nhân dân thành phố, Tân Tạo còn tham gia?

Ông Nguyễn Tuấn Minh: Giúp đỡ thì có nhiều cách, trực tiếp và gián tiếp...

Lại Thu Giang: Cảm ơn ông, chúng tôi xin phép được thay mặt bạn đọc gần xa, bày tỏ niềm tri ân đối với những tấm lòng hướng ra hải đảo xa xôi bằng những hành động cụ thể như công ty Tân Tạo của ông là một ví dụ. Rất mong sẽ có thêm nhiều những chương trình, tình cảm của đất liền đến với các chiến sỹ của chúng ta ở Trường Sa...

... Ơi tuổi trẻ!

Ông Nguyễn Tuấn Minh cười, và dõi nhìn xa, có lẽ, trong mắt ông lại hiện lên những cây bàng quả vuông, về những lời hát say mê của các bạn trẻ từ đất liền dành cho cán bộ, chiến sỹ ngoài đảo, hay ông đang nhớ tới những gương mặt còn trẻ măng mà rắn rỏi và kiên nghị của bộ đội Trường Sa. Ông nói, như là không phải đang nói chuyện với tôi, câu nói của ông, hay của một ai đấy, tôi xin mạo muội dùng nó thay cho lời kết:

Tuổi trẻ không phải là trạng thái của thời gian mà là trạng thái của lý trí. Đó không phải là má hồng, môi đỏ, mà là cái ta nghĩ về tương lai, về cuộc sống. Nói đến tuổi trẻ là ước mơ, niềm tin, là chấp nhận cuộc sống. Người ta không ai không già đi bởi tháng năm. Tháng năm có thể làm mắt ta không còn sáng, lưng ta còng, da nhăn nheo...Nhưng đáng sợ hơn là từ bỏ lý tưởng. Sự từ bỏ lý trưởng làm tâm hồn ta héo quắt lại. Dù 16 hay 60 giữa bạn và tôi đều có một niềm tin tình yêu cuộc sống, chừng nào những cảm nhận còn vươn cao, còn dám chấp nhận thách thức cuộc sống thì chừng ấy ta còn trẻ, dù ta tuổi 60. Chừng nào những tín hiệu kia trở nên hoen ố, ta không còn bắt được sự rung cảm của cuộc sống, không còn những trách nhiệm với cuộc đời, thì, lúc đó, ta đã già dù mới tuổi đôi mươi....

L. T. G