itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Ẩm thực / Cẩn thận khi ăn thịt cóc

Cẩn thận khi ăn thịt cóc

Chưa có một nghiên cứu khoa học về tác dụng của nhựa cóc trong y khoa tại Việt Nam, do đó việc sử dụng nhựa cóc trên người cần phải rất thận trọng vì chất độc Bufotoxin là một chất không thể bị hủy bởi nhiệt độ. Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã từng ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do ăn phải trứng cóc hoặc thịt cóc bị dính nhựa cóc trong quá trình chế biến.

Thịt cóc là một vị thuốc trong y học cổ truyền có tên là thiềm thừ, phơi hay sấy khô là can thiềm; nhựa cóc gọi là thiềm tô cũng là một vị thuốc.
Thịt cóc chứa 53% protein, trong đó có nhiều axit amin có giá trị như histidin, tyrosin, methionin, leucin, phenyllamin, sắt, phốt pho, canxi và các vi lượng. So với các loại thịt gia súc, gia cầm có giá trị như thịt lợn, thịt bò, thịt dê, thịt thỏ, thịt gà, thịt vịt… thì giá trị dinh dưỡng của thịt cóc không hề thua kém.
Nhựa cóc chứa cholesterol, axit ascorlic, và một số chất độc như byfotoxin, bryotalin, bufotenin, cynobufagin…
Thịt cóc có thể chế biến thành các món ăn ngon và đậm đà, có giá trị dinh dưỡng cao. Điều đặc biệt là thịt cóc là một vị thuốc bổ rất tốt cho trẻ em, dùng chữa chứng cam, kém ăn, chậm lớn, bụng ỏng, đít teo. Thông thường người ta làm thịt cóc lấy thịt (có nơi chỉ lấy đùi) thái nhỏ đem rim, băm nhỏ làm chả hoặc tráng trứng, nhưng phần lớn chế biến thành ruốc để bảo quản và sử dụng trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, da cóc, phủ tạng (gan, ruột, phổi…) và trứng cóc đều rất độc. Nếu ăn phải sẽ ngộ độc, thậm chí tử vong. Trên thực tế không ít trường hợp ăn thịt cóc dẫn đến chết người do chế biến cóc không cẩn thận để nhựa cóc dính vào thịt cóc hoặc ăn trứng, phủ tạng của cóc. Nhựa cóc dính vào tay nhiều lần sẽ gây rộp da, lở loét da, nếu nhựa cóc dây vào mắt sẽ gây sưng đau và tổn thương.

Cần lưu ý: thịt cóc có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhưng không nên vì thế mà lạm dụng hoặc dùng quá nhiều, đặc biệt là không nên chế biến thành món nhậu, vì ăn nhiều có thể đi tiểu ra máu. Việc chế biến Lục thần hoàn và các loại cao dán từ nhựa cóc chỉ nên làm bởi các nhà chuyên môn, có hiểu biết sâu sắc về thuốc nói chung và đông dược nói riêng.

Các triệu chứng xảy ra khi bị nhiễm chất độc của cóc

Các chất độc của cóc khi xâm nhập vào cơ thể người qua tiếp xúc ở da, niêm mạc hoặc ăn vào đường tiêu hóa... có thể gây nên tình trạng nhiễm độc. Tùy theo từng trường hợp, khi nhiễm độc nặng có thể bị tử vong. Nếu da ở tay, chân, niêm mạc mắt, miệng… dính “nhựa cóc” từ da cóc, cần nhanh chóng rửa kỹ vùng tiếp xúc này kịp thời nhiều lần bằng nước sạch. Nếu vùng da, niêm mạc có cảm giác rát nóng, bỏng hoặc sưng phồng lên thì đưa ngay bệnh nhân đi bệnh viện. Nếu để chất độc của cóc dính vào mắt, có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc bị mù.

Khi ăn các thực phẩm được chế biến từ cóc không bảo đảm an toàn, có chứa các chất độc của cóc, sau khoảng 1 giờ hoặc có thể sớm hơn nếu có uống kèm rượu, bia, bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, nổi đom đóm mắt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, đặc biệt tim đập rất chậm với nhịp 40 lần/phút, có khi chậm hơn hoặc loạn nhịp hoàn toàn và tụt huyết áp động mạch. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan. Cuối cùng là bệnh nhân có thể bị tử vong trong vòng vài giờ sau đó. Phần lớn bệnh nhân bị tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục.

Xử trí khi bị nhiễm độc do ăn thịt cóc

Nếu chất độc từ “nhựa cóc” ở trên lớp da cóc sần sùi dính vào da, niêm mạc thì phải rửa ngay chỗ tiếp xúc bằng nước sạch nhiều lần. Nếu chỗ tiếp xúc vẫn còn bị đau, rát, nóng, bỏng, sưng phồng... thì phải đến ngay cơ sở y tế để điều trị. Đặc biệt là nếu chất độc ở “nhựa cóc” dính vào mắt, sau khi rửa nhiều lần bằng nước sạch phải đến cơ sở y tế để khám và xử trí một cách đúng đắn vì bệnh nhân có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc bị mù mắt.

Nếu ăn các thức ăn được chế biến từ thịt cóc có chất độc và biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng ngộ độc sau khi ăn, cần phải nhanh chóng kích thích cho bệnh nhân nôn ói và mửa nhiều càng sớm càng tốt, sau đó đưa ngay vào bệnh viện. Tại bệnh viện, tiếp tục làm cho bệnh nhân nôn mửa, rửa dạ dày bằng dung dịch tanin 2%, dung carbon hoạt tính hấp thụ bớt chất độc còn sót lại. Cho người bệnh uống nước cam thảo, nước luộc đậu xanh, long trắng trứng. Điều trị các triệu chứng lâm sàng khác nếu xảy ra.

Hiện nay trên thực tế có các nguồn thực phẩm phong phú cung cấp rất nhiều chất đạm, chất khoáng từ các loại động vật như: thịt gà, thịt bò, thịt heo… và các loại thủy hải sản như: tôm, cua, cá hoặc sữa… Đối với trẻ em, người cao tuổi, còi xương, suy dinh dưỡng... cần phải cân nhắc, lựa chọn, sử dụng loại thực phẩm bảo đảm sự an toàn. Để đề phòng bị ngộ độc do ăn các loại thực phẩm được chế biến từ cóc có thể dẫn đến tử vong, tốt nhất là truyền thống giáo dục, vận động mọi người không ăn thịt cóc và các loại thực phẩm được chế biến từ cóc.

H.N (tổng hợp)