itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Thời trang / Thời trang VN chinh phục thị trường nội địa

Thời trang VN chinh phục thị trường nội địa

Một số doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu chú trọng xây dựng thương hiệu nội địa. Ảnh: H. Thúy

Dự báo năm 2010, tiêu dùng thời trang trong nước sẽ đạt khoảng 6 tỉ USD, tăng từ 18%-20% - Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu thời trang nội địa

Cuối tuần qua, Tổng Công ty CP May Việt Tiến đã làm việc với các hệ thống phân phối trên toàn quốc để chuẩn bị tung ra thị trường nhãn hiệu Smart Casual - thời trang công sở dành cho trung niên. Đây là một trong những chiến lược chinh phục thị trường nội địa của Việt Tiến trong bối cảnh xuất khẩu dệt may dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm sau.

Người VN chi 18% tổng chi tiêu để mua sắm thời trang

Không chỉ riêng Việt Tiến mà hàng loạt doanh nghiệp (DN) dệt may cũng bắt đầu quay lại phục vụ người tiêu dùng (ntd) trong nước như Công ty Dệt may Thành Công, Công ty May Nhà Bè... Bà Ngô Thị Báu, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Nguyên Tâm – Foci cho biết 60% dân số trẻ nên VN là thị trường tiềm năng phát triển kinh doanh may mặc thời trang.

Chính từ việc nhìn nhận nghiêm túc thị trường nội địa sẽ cứu các DN dệt may trong cơn khủng hoảng tài chính và dự báo năm 2010, tiêu dùng thời trang trong nước sẽ đạt khoảng 6 tỉ USD, tăng từ 18%-20%, nên đã có những nghiên cứu rất bài bản về nhu cầu, thị hiếu của NTD. Hội thảo “Thúc đẩy kinh doanh dệt may, thời trang nội địa” do Hiệp hội Dệt may VN (Vinatex) cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN tổ chức cũng vừa công bố kết quả thăm dò tiêu dùng các sản phẩm dệt may, thời trang được thực hiện tại TPHCM vào tháng 10-2008. Kết quả cho thấy sau lương thực – thực phẩm, thời trang là sản phẩm mà NTD chi từ 150.000 đồng – 500.000 đồng/tháng để mua sắm, chiếm 18% tổng chi tiêu hằng tháng. Độ tuổi từ 20 – 25, mua quần áo nhiều nhất với 46,4%, tiếp đến là độ tuổi từ 26 - 35 với 23,8%; 70% NTD mua sắm thời trang hằng tháng hoặc từ 2 – 3 tháng/lần và hình thức khuyến mãi được ưa chuộng nhất là giảm giá với 73,1% so với hình thức tặng phiếu mua hàng (16%) và tặng quà (10,9%).

Cần có thương hiệu thời trang nội địa

Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vinatex, một sản phẩm thời trang cấp thấp có giá bán lẻ 60.000 đồng, giá bán buôn 50.000 đồng thì so với giá thành khoảng 45.000 đồng (bao gồm sản xuất, phân phối), lợi nhuận đạt được chỉ 5.000 đồng/sản phẩm. Trong khi tỉ lệ này ở sản phẩm thời trang trung bình là 150.000 đồng – 115.000 đồng – 85.000 đồng (bao gồm thiết kế, nguyên phụ liệu, sản xuất, phân phối), lợi nhuận là 30.000 đồng/sản phẩm (gấp 6 lần so với sản phẩm cấp thấp). Tỉ lệ ở sản phẩm thời trang cao cấp là 1.000.000 đồng – 800.000 đồng – 550.000 đồng (bao gồm thương hiệu, thiết kế, nguyên phụ liệu, sản xuất, phân phối), lợi nhuận là 250.000 đồng/sản phẩm (gấp 50 lần so với sản phẩm cấp thấp). Số liệu trên chứng minh thương hiệu luôn tạo giá trị gia tăng của sản phẩm và nhiệm vụ sống còn hiện nay của các DN là cần xây dựng thương hiệu cho thị trường nội địa. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP May Việt Tiến Phan Văn Kiệt nhận xét: Từ trước đến nay, thời trang VN chỉ có vài thương hiệu cho thị trường nội địa. Nếu không đẩy mạnh khâu này, đầu năm 2009 khi mở cửa thị trường bán lẻ, thời trang trong nước sẽ rất khó khăn khi phải đối mặt cuộc đổ bộ của các thương hiệu thời trang quốc tế.

Nắm bắt được xu thế trên, hàng loạt DN đã chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Không chỉ được NTD trong nước biết đến, các thương hiệu Nino Maxx (Thời trang Việt) vừa có mặt tại Mỹ, thương hiệu F-House (May Phương Đông) vừa mở cửa hàng tại Campuchia... Cũng theo bà Ngô Thị Báu, Foci vừa định vị lại sản phẩm chuyên về thời trang công sở dành cho đối tượng khởi nghiệp. Và thời trang ngày nay không dừng lại ở khái niệm “ăn ngon, mặc đẹp” mà đã tiến thêm một bước là thời trang phải “sành điệu” thể hiện cá tính của người mặc.

Mai Vân (Báo Người lao động)