itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / "Tôi không ngại khi bị nói là viết văn sến"

"Tôi không ngại khi bị nói là viết văn sến"

Dương Bình Nguyên

Đến với những trang viết của Dương Bình Nguyên, người đọc sẽ bắt gặp những cuộc đời nhẹ nhàng mà day dứt, với những con người có tâm hồn lãng mạn nhưng cũng đầy gai góc.

Với tập truyện ngắn Giày Đỏ, Dương Bình Nguyên cơ hồ mở cho chúng ta cánh cửa soi vào tâm hồn anh. Ở đó, người con trai đã bước chân qua vùng hoa cải vàng rực rỡ, người con trai đang viết nỗi buồn về cuộc sống đô thị ấy chẳng phải đang kể lại nỗi lòng vô định bâng khuâng của chính mỗi con người chúng ta hay sao?

Tôi đã rất hân hạnh được gặp gỡ và nói chuyện với nhà văn trẻ Dương Bình Nguyên vào một buổi chiều tháng tám, khi tập truyện ngắn Giày Đỏ của anh vừa được giới thiệu tới bạn đọc.

Thế Anh: Giày đỏ, tên cuốn sách ấy khiến cho người ta dễ hình dung đến truyện cổ tích Đôi giày đỏ của Andecxen. Khi đặt tên cho tập truyện ngắn này, anh có bao giờ nghĩ rằng những câu chuyện của mình chính là những câu chuyện cổ tích hiện đại? Cổ tích dành cho người lớn?

Không. Tôi chỉ nghĩ rằng, đó là cái tên phù hợp với những gì tôi viết. Nếu viết được cổ tích cho người lớn thì tôi làm ngay. Nhưng điều đó thật không dễ dàng. Ngày càng ít người tin vào những chuyện thần tiên. Và người ta càng không dễ tin khi điều tốt đẹp đến một cách bất ngờ. Thực ra tôi thích viết về những điều đó, tôi muốn viết về những điều ở trong tận cùng mỗi con người, đó là sự hướng thiện. Và tôi muốn viết về những điều tôi mơ ước. Như vậy có gọi là cổ tích cho người lớn được không?

Thế Anh: Bìa sách của anh được coi là có thiết kế rất ấn tượng nhưng mang tính câu khách, thương mại hơn là văn chương? Phải chăng đây là chủ ý của anh cùng ê kíp thiết kế?

Không. Tôi không cho rằng, đó là câu khách và thương mại. Anh hỏi như vậy là chưa hiểu được tâm huyết của những người thiết kế bìa. Họ làm bìa sách này độc lập với công ty Bách Việt và họ không có bất cứ mối liên hệ nào với Bách Việt (công ty xuất bản sách Giày đỏ). Nói một cách thành thật, họ làm bìa sách này vì yêu mến những tác phẩm của tôi. Bản thân tôi thấy bìa sách có concept rõ ràng và rất nhiều người khen nó đẹp, hiện đại và ấn tượng. Nếu coi bìa sách văn chương là phải trừu tượng và không được dùng những tấm hình thời trang thì “Giày đỏ” không được… xếp hạng rồi. Tôi nghĩ bìa sách văn học bây giờ đã khác xa ngày trước, nó đang tiến tới sự bình đẳng trên kệ sách. Không ai cấm một cuốn sách văn học thì không được làm bìa đẹp và lộng lẫy cả. Tôi muốn nói rằng, cái bìa đẹp có thể làm cuốn sách nổi bật. Nhưng bạn đọc sẽ nhớ nhiều tới những tác phẩm bên trong cái bìa ấy, nếu nó hay và ấn tượng.

Thế Anh: Anh được coi là nhà văn viết về tuổi trẻ, viết về giới trẻ. Nhưng hầu hết các câu chuyện của anh đều có diễn biến mơ hồ và tâm lý nhân vật phức tạp. Anh có thấy rằng mình đang lạc điệu với giới trẻ ngày nay sống dứt khoát và quyết đoán?

Tôi thì lại không nghĩ rằng người trẻ hôm nay quyết đoán đâu. Họ đang thực dụng hơn. Nhưng họ đang rất bế tắc. Vì bế tắc nên không dễ dàng để nói họ quyết đoán. Tôi muốn diễn tả sự bơ vơ trong tâm lý của nhiều người trẻ tuổi. Thực sự họ đang tìm kiếm, nhưng họ tìm kiếm gì, thì đôi khi không rõ rệt được. Diễn biến tâm lý nhân vật phức tạp bởi vì tôi quan niệm không có ai đơn giản và cũng chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời.

Thế Anh: Đã có người so sánh Dương Bình Nguyên với Trang Hạ. Từ đâu có sự so sánh này? Anh nghĩ sao về văn học mạng?

Tôi chưa nghe so sánh này, nhưng tôi thấy cũng thú vị lắm. Ngày tôi học cấp ba, tôi thích văn Trang Hạ lắm. Đến giờ thì tôi quý mến Trang Hạ theo một chiều hướng khác, nghĩa là sống lâu hiểu nhau hơn và hiểu vì sao người ấy lại viết ra những câu chữ ấy. Nhưng đúng là chưa nghe thấy ai so sánh tôi với Trang Hạ. Đơn giản là chúng tôi viết về những đề tài không giống nhau và cách nhìn cuộc sống cũng khác nhau.

Văn học mạng là một phần của đời sống văn học, đặc biệt là với những người trẻ. Nhưng với những gì như đang có, thì Việt Nam chưa thể gọi là văn học mạng được. Chỉ có vài người đang viết văn trên mạng mà thôi.

Thế Anh: Các nhà văn hiện nay thường đặt cho tác phẩm của mình những cái tên mạnh mẽ và ấn tượng như: “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”, “Hễ sướng thì hét lên”, “Bóng đè” … Tại sao Dương Bình Nguyên vẫn còn trung thành với những cái tên truyện nhẹ nhàng như “Sapa tuyết trắng xóa”, “Phố trắng mưa ban sáng”, “Cải lạc loài”, “Hãy để em bay trên dòng sông”…?

Mỗi người có một cách viết. Tên truyện cũng vậy. Mỗi khi tôi đặt tên truyện, tôi nghĩ đến sự gợi cảm của những con chữ. Tôi thích nó phải đẹp và người ta sẽ nhớ đến cái tên truyện đó ngay. Và cái tên truyện nó cũng phải phù hợp với nội dung nữa. Truyện của tôi không có “đĩ”, không có “sướng” và không có ai bị “đè” thì làm sao mà đặt những cái tên “mạnh mẽ và ấn tượng” như bạn nói được.

Thế Anh: Nhân vật của anh thường không vừa lòng với cuộc sống và không hạnh phúc. Phải chăng do họ tham lam quá? Hay do họ yếu đuối, không đủ mạnh mẽ để có thể bảo vệ và giữ lấy những gì thuộc về mình?

Không. Họ không tham lam đâu. Và họ đâu có yếu đuối? Họ sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ để đi tìm kiếm hạnh phúc đấy chứ? Tôi chỉ thấy rằng, hạnh phúc là điều khó nói và nó rất mong manh. Chẳng ai dám mạnh miệng nói về hạnh phúc của mình cả. Và phàm đã là con người, ai cũng có những phút hạnh phúc và khổ đau. Về bản chất, tôi cho rằng, người ta khổ nhiều hơn hạnh phúc. Thế nên tôi viết về những điều đó. Thế thôi.

Thế Anh: Cái nhìn của các nhân vật trong truyện đó có phải là cái nhìn của anh về cuộc sống, về những người xung quanh và về bản thân anh?

Một phần và có rất nhiều chi tiết tôi lấy từ đời sống thật. Tuy vậy, nhân vật của tôi có đời sống riêng nên họ gieo từng tính cách và sẽ nhận một số phận theo cái cách mà anh ta gieo. Chứ hoàn toàn tôi không áp đặt được những gì tôi có vào trong cách hành xử của nhân vật của mình.

Thế Anh: Anh thường viết về tình yêu với những cảm xúc khá phức tạp và là những chuyện tình buồn. Vậy theo bản thân anh, thế nào là tình yêu?

Tình yêu là cái gì đó, mơ hồ nhưng quyến rũ, giản dị nhưng không giản đơn.

Thế Anh: Với bút danh Dương Bình Nguyên, anh đã nổi tiếng từ hồi còn viết cho lứa tuổi học trò. Có người nói Dương Bình Nguyên hồi đó với Dương Bình Nguyên bây giờ đã khác nhau rất nhiều. Một bên là Dương Bình Nguyên “sến” nhưng trong sáng, một bên là Dương Bình Nguyên sâu sắc nhưng u uất bế tắc. Anh thích Dương Bình Nguyên nào hơn?

Tôi cảm giác mọi người đang lạm dụng từ “sến”. Tôi không ngại khi bị nói là viết văn sến, nhưng tôi chỉ thấy tội cho những bạn đọc từ ngày ấy yêu quý văn chương của tôi, lẽ nào họ bị một thứ rất “sến” như thế cuốn hút? Họ được tiếng là thông minh và tỉnh táo mà. Nếu có hai giai đoạn như vậy thực trong văn chương của tôi, thì tôi yêu quý cả hai. Vì tất cả đều là tôi viết ra. Tất cả đều là những gì thuộc về tôi.

Thế Anh: Ngoại văn đang ngày càng lấn át văn học Việt Nam trên thị trường sách. Là một nhà văn trẻ của Việt Nam anh nghĩ sao về hiện tượng này?

Tôi thì không nghĩ có sự lấn át, mà nói đúng hơn là sự bùng nổ của công nghệ PR sách văn học nước ngoài. Các công ty đang chạy đua mua bản quyền những cuốn sách nước ngoài. Và họ phải mất công tìm kiếm bản quyền, nghĩa là họ đặt ra một chiến lược kinh doanh với cuốn sách ấy, nên họ phải làm PR rất rầm rộ, nên đôi khi bạn đọc lầm tưởng văn học Việt Nam đang đến ngày lụi tàn. Tôi chỉ nghĩ rằng, văn học Việt Nam vẫn có chỗ đứng trên thị trường sách. Nhưng nó chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn về mọi mặt. Cần hiểu rằng, có rất nhiều bạn đọc khác nhau của văn chương. Có những người đọc để nghiên cứu, có những người tìm kiếm tri thức và có rất nhiều bạn đọc Việt đọc văn Việt để tìm kiếm cái hồn cốt, cái tình người Việt trong đó…

Thế Anh: Vâng, xin cảm ơn anh. Chúc những sáng tác sắp tới của anh ngày càng được bạn đọc đốn nhận nồng nhiệt hơn.

Bài, ảnh: Thế Anh