itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Trên Đường: Bản nhạc đa âm từ kiếp rong ruổi

Trên Đường: Bản nhạc đa âm từ kiếp rong ruổi

Xuyên suốt, Trên đường là bước phiêu lưu tựa như những điệu nhảy hồn nhiên, vui tươi của những gã cao bồi, dạo theo điệu nhạc jazz đặc trưng của vùng Rocky Moutain hòa lẫn với tiếng vó ngựa nhịp nhàng khoan thai rỉ rả.

Giới thiệu sách: TRÊN ĐƯỜNG
Tác giả: Jack Kerouac
Phát hành: Nhã Nam Books & NXB Văn hóa Sài Gòn

********

Khám phá hành trình rong ruổi vĩ đại của những gã trai trẻ vòng quanh nước Mỹ, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức và tận hưởng nhiều dư vị cảm xúc của sự trải nghiệm. Trên đường, cuốn tiểu thuyết kinh điển của nền văn học Mỹ thế kỷ hai mươi, đã thể hiện trọn vẹn khát vọng tự do, lối sống rộng mở trên những con đường bất tận.

Cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của hai nam nhân vật chính là Sal Paradise và Dean Moriaty dựa trên chuyến đi có thật của tác giả cùng với người bạn đường thân thiết Neal Cassady. Những cuộc phiêu lưu bất tận điển hình của hai nhân vật là chứng tích của một thời tuổi trẻ Mỹ cuối thập niên 40 đam mê khám phá, đam mê rong ruổi, đam mê trải nghiệm.

Chỉ cần bộ quần áo lem luốc, đôi giày rách nát, không một đồng xu dính túi và ngón cái ngoắt ra đường mỗi khi có xe đi qua, hành trình vượt ngàn dặm bắt đầu, từ New York đến Chicago, Denver, Los Angeles, Indianapolis…tới Texas; rồi từ Denver đi một lèo về San Francisco; vượt qua vùng lục địa Mỹ rộng lớn hùng vĩ với sa mạc nóng bỏng, thảo nguyên hoang dã hay sương mù tuyết trắng.

Qua mỗi nơi, những gã trai trẻ đều "cùng nhau lao ra phố phường, khám phá mọi thứ một cách hồ hởi như mới biết lần đầu, nhưng khi biết rõ thì trở nên buồn chán và thờ ơ hơn nhiều". Cũng chính vì điều đó mà chưa bao giờ họ dừng chân được lâu ở mọi chốn nẻo, dù cho nơi ấy có hấp dẫn đến đâu.

Qua mỗi nơi, những gã cao bồi vẫn có những cảm nhận chung về một New York ảm đạm và phồn hoa, Miền Đông với trầm mặc và thiêng liêng, còn Califonia thì như bộ quần áo mới giặt vô tư lự… Thế nhưng, với niềm ham muốn tột bật được trải nghiệm, được rong ruổi và đón nhận nhiều hương vị cuộc sống, họ luôn "Điên khùng để được cứu rỗi, chỉ muốn hưởng thụ tất cả trong một khoảng khắc duy nhất, những kẻ không bao giờ há miệng ngáp hay nói mấy thứ nhạt nhẽo, mà bùng cháy, bùng cháy, bùng cháy như những bông pháo vàng rực thần kỳ nở ra như những con nhện ngang qua các vì sao, và bông pháo ấy bạn thấy một đốm sáng xanh bừng lên rồi mọi người đều thốt lên "Ồ ồ ồ…” ngưỡng mộ".

Chuyến hành trình là một bản nhạc đa âm sắc, nhiều điệu nhạc, phản ánh sự phức tạp của cảm xúc, đôi khi gây nên sự hoang mang, tự vấn.

Xuyên suốt, Trên đường là bước phiêu lưu tựa như những điệu nhảy hồn nhiên, vui tươi của những gã cao bồi, dạo theo điệu nhạc jazz đặc trưng của vùng Rocky Moutain hòa lẫn với tiếng vó ngựa nhịp nhàng khoan thai rỉ rả. Hòa vào đó là tiếng cười rộn rã, niềm vui hân hoan khi được thưởng thức mọi thú vui thời đó: những chuyến phiêu lưu, phụ nữ, âm nhạc, rượu, cần sa…và vô tư "vừa tắm vừa hát vang".

Với Sal Paradise, Dean Moriaty hay Old Bull Lee, Remi Boncoeur, ta thấy có một chút gì đó của ngài The Good, một chút của ngài The Ugly và đôi khi là The Nothing. Và "Đó là sự hoang dã mà Ben Franklin đã phải chống chọi khi còn là nhân viên bưu điện từ thời còn xe bò kéo, là sự hoang dã khi Geoge Wasshington còn là một chiến binh hăng hái trong cuộc chiến tranh với người da đỏ, khi Daniel Boone kể chuyện dưới những ngọn đền ở Pensylvania và hứa hẹn sẽ tìm ra đèo Cumberland, khi Bradford làm đường và người ta nườm nượp đi qua trên những cỗ xe chở củi."

Thế nhưng lồng ghép vào tâm trạng vui tươi, thì những gã cao bồi đôi lúc cũng phải trải nghiệm sự khốn khó, và phải luôn luôn truy nguyên ý nghĩa của cuộc đời. Đó là lớp thanh niên luôn muốn tìm hiểu mọi diện mạo của cuộc sống, thế rồi "chẳng biết mình thực sự muốn gì và cứ mải mê đuổi theo hết ngôi sao băng này đến ngôi sao băng khác cho đến khi kiệt sức".

Rồi Cái Chết thoáng hiện ra: "Đó là cái gì đó, ai đó, một linh hồn nào đó cứ đuổi theo ta trên sa mạc cuộc đời và nhất định sẽ tóm được ta trước khi ta kịp bước vào thiên đường. Tất nhiên, giờ đây khi trở lại điều bí ẩn này thì đơn giản đó chỉ là cái chết. Nhưng nào ai ước mình được chết? Nhận ra nỗi mong mỏi giản đơn là được chết; nhưng vì lẽ không ai trong chúng ta có thể sống lại sau cái chết…

Bước qua ranh giới của thời gian vật chất sang vùng bóng tối phi thời gian, kinh ngạc trước sự lạnh lẽo của cõi hữu hạn, cảm giác như cái chết đang đuổi theo sát gót buộc mình tiến về phía trước, theo sát nó lại lại một bóng ma khác, và chính tôi đang vội vàng chạy về nơi các thiên thần vỗ cánh bay vào khoảng không thiêng liêng vô cùng vô tận, nơi ánh sáng giác ngộ phi thường không sao lý giải nổi trong Bản thể Nhận thức chói lòa, biết bao cõi bình an mở ra trong ánh sáng diệu kỳ từ thiên đường rọi xuống.

Tôi có thể nghe thấy tiếng gầm gào náo động không sao miêu tả nổi không những trong tai tôi mà còn ở khắp nơi và cứ mặc kệ những âm thanh đó. Tôi nhận ra mình đã chết đi và sống lại đến ngàn lần nhưng không sao nhớ nổi chính xác bởi lẽ bước nối tiếp từ sự sống sang cái chết thật quá dễ dàng, chỉ là môt phép thần của hư vô, chỉ thiếp đi rồi lại đứng dậy đi lại hàng triệu lần, hoàn toàn bình thường và chẳng ai hay biết".

Thế nhưng: "Điều duy nhất ta hướng đến suốt cuộc đời mình, khiến ta phải thở dài, thở than và đau khổ một cách thuần khiết nhất, là kỷ niệm về một niềm hạnh phúc đã mất đi mà ta từng cảm nhận từ trong bụng mẹ và chỉ có thể được tái sinh trong cái chết, dù ta chẳng muốn thể hiện điều này".

Và chính thế, họ luôn "Mang theo một nỗi buồn không tự biết mà chúng tôi chẳng thể làm cho nguôi ngoai bởi nó bắt nguồn từ rất xa trong thời gian, từ vô số điều bí ẩn.”

Đó là sự đau đớn của những con người không tìm ra mục đích, ý nghĩa của cuộc đời, và chỉ biết rong ruổi trên những con đường tìm niềm vui. Những thế hệ bỏ đi và tìm về quá vãng, lạc lõng với thế giới này…

Phan Nguyễn Nguyên Ngọc