itaexpress / Tin ITA / Việc làm ITA / Giới thiệu nghề / Làm cho doanh nghiệp Mỹ, sướng không?

Làm cho doanh nghiệp Mỹ, sướng không?

Với việc Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của WTO, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Đây là cơ hội vàng cho những ai muốn tìm kiến chỗ làm trong các doanh nghiệp Mỹ.

Chế độ lương bổng hấp dẫn, môi trường làm việc lý tưởng, nhiều cơ hội thăng tiến,vv... Tuy nhiên, trụ được trong các doanh nghiệp Mỹ lại không hề dễ dàng.

Vài trăm đô đến hàng ngàn đô và hơn thế...

Một trong những yếu tố hấp dẫn của các doanh nghiệp Mỹ đối với những người đang tìm kiếm việc làm là chế độ lương bổng. Nếu trong các doanh nghiệp Việt Nam (VN), mức lương khởi điểm cho một người mới tốt nghiệp là từ 1,5-2 triệu đồng/tháng thì với một doanh nghiệp Mỹ, con số này dao động trong khoảng 200-300 USD/tháng. Những người có chuyên môn tốt, với kinh nghiệm khoảng 7-8 năm, mức lương trên 1.000 USD/tháng là hoàn toàn có thể. Những vị trí cao cấp như Giám đốc bán hàng, Giám đốc khu vực thì mức lương có thể lên tới 10.000 USD/tháng.

Ngoài lương bổng, các công ty Mỹ cũng rất chú trọng đến các chế độ phúc lợi xã hội khác, thậm chí còn coi đây là một trong những biện pháp để giữ chân người tài. Q.T, nhân viên của công ty IBM VN cho biết, khi mới vào làm tại công ty, điều chị e ngại nhất là không biết chế độ thai sản sẽ được thực hiện như thế nào, bởi bạn bè, người thân vẫn cứ xì xào rằng người phương Tây làm sao thông cảm với "thiên chức" này của phụ nữ như người Á Đông. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác. Khi biết chị có thai mà sức khoẻ lại không được tốt, công ty đã cho phép chị nghỉ thêm 2 tháng ngoài các chế độ chung.
Một yếu tố hấp dẫn nữa là những cơ hội được tham gia các khoá đào tạo tại chính quốc. Nếu việc theo học tại Mỹ luôn là một khó khăn với nhiều người thì với một nhân viên trong doanh nghiệp hoặc tổ chức của Mỹ, chuyện mỗi năm sang Mỹ một lần, thậm chí vài lần là bình thường.
Lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, nhiều cơ hội trau dồi kiến thức... đương nhiên không dành cho ai chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng. Khó khăn lớn nhất khi làm trong một doanh nghiệp Mỹ là áp lực công việc. Mọi công việc khi được phân công luôn kèm theo hạn định thời gian, và không dễ dàng hoàn thành nếu bạn không thật sự nỗ lực.
Vì vậy, rất khó nhìn thấy cảnh uống trà hay "tám chuyện" trong những công ty Mỹ. Và nếu công việc chưa xong thì bạn hãy sẵn sàng cho việc chong đèn tại cơ quan đến tận 9-10 giờ tối. Áp lực về công việc cộng với quy trình nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ngặt nghèo buộc nhân viên trong các doanh nghiệp Mỹ phải biết cách tự lên kế hoạch cho mình và chủ động “tiêu hoá” hết nó. Mọi việc đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt về trình tự phê duyệt, kiểm tra, đánh giá.
Tự do và cái giá của tự do
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của các công ty Mỹ so với các doanh nghiệp nước ngoài khác là sự tự do. Sự tự do thể hiện trên nhiều khía cạnh từ thời gian làm việc, trang phục công sở hay những việc cá nhân. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy các nhân viên của Microsoft diện quần bò, áo phông đến công sở, hay 8 giờ sáng mà văn phòng của IBM vẫn vắng tanh. Sự tự do ở các công ty Mỹ đối lập hoàn toàn với tính kỷ luật thường thấy trong các công ty Nhật. Ví dụ, việc quay camera giám sát nhân viên là điều được chấp nhận ở các công ty Nhật thì ở các công ty Mỹ đó là điều tối kỵ.
Tuy nhiên, sự tự do đó chính là thử thách để mọi người thể hiện năng lực. Sẽ không có vấn đề nếu bạn bắt đầu công việc vào 9 giờ sáng và kết thúc vào lúc nào bạn muốn. Song, sẽ là vấn đề lớn nếu bạn không hoàn thành công việc đúng hạn.
Ở hầu hết các công ty Mỹ, bạn sẽ được thoải mái trình bày chính kiến của mình, thậm chí tranh luận với sếp - một điều không tưởng nếu làm trong một công ty Nhật. Mọi ý kiến cá nhân đều được hoan nghênh và đó là cách mà những người lãnh đạo khuyến khích nhân viên đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới. Tất nhiên, bạn sẽ không thể được đánh giá cao nếu trong môi trường tự do đó, bạn lại chưa một lần dám bày tỏ chính kiến, đề xuất một ý tưởng mới có lợi cho công ty hay bảo vệ thành công một dự án nào.
Anh L.T, người từ trước tới nay chỉ làm cho các công ty Mỹ, từ Intel, Microsoft đến HP cho biết, việc được tự do trình bày ý kiến là cơ hội rất tốt để thể hiện năng lực, tuy nhiên không phải ai cũng tận dụng được, đơn giản là không phải ai sinh ra cũng có khả năng diễn thuyết.
Thuyết trình là một kỹ năng quan trọng khi làm việc cho các công ty Mỹ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những sinh viên từng du học, nhất là du học tại Mỹ lại dễ được tuyển chọn vào các công ty Mỹ hơn là những sinh viên chỉ được đào tạo tại các trường trong nước. Bởi vì, khác với cách học thầy giảng - trò ghi khá phổ biến ở Việt Nam, du học sinh được đào tạo khá tốt về kỹ năng trình bày trước đám đông.
Như vậy không có nghĩa những người được đào tạo trong nước có ít cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp Mỹ. Điều quan trọng là ngoài kiến thức được học ở trường, bạn phải biết bổ sung kiến thức để có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc trong các doanh nghiệp Mỹ. Anh L.T chia sẻ kinh nghiệm, hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo quốc tế hoạt động tại VN - nơi cung cấp những khoá đào tạo về kỹ năng làm việc mà các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Mỹ thường yêu cầu khi tuyển dụng nhân viên. Ngoài ra còn có cách đơn giản hơn là tham gia vào các câu lạc bộ, các tổ chức tình nguyện trong nước hay quốc tế vì các đơn vị này thường có những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao một số kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm...

Nguồn VNN