itaexpress / Tin ITA / Việc làm ITA / Giới thiệu nghề / Nghiên cứu thị trường: Việc làm bán thời gian hay nghề?

Nghiên cứu thị trường: Việc làm bán thời gian hay nghề?

Nhiều sinh viên đã lựa chọn làm việc cho Cty nghiên cứu thị trường (NCTT) do thời gian làm việc linh hoạt, môi trường năng động, có thể học hỏi được rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm.

Nhưng một thực tế là phần lớn các nhân viên nghiên cứu thị trường này đã không lựa chọn làm việc tại các Cty NCTT sau khi tốt nghiệp.

Đa số Interviewer (phỏng vấn viên - PVV) làm việc tại các Cty NCTT theo chế độ cộng tác viên. Công việc tuy không khó, nhưng cũng đòi hỏi những tố chất và kỹ năng cần thiết. Mức độ ràng buộc không cao, thêm vào đó là những rào cản như: phải đi nhiều, khó khăn tiếp cận đối tượng phỏng vấn, áp lực công việc cao khi các dự án dồn dập, làm muộn đến 9, 10 giờ tối..., khiến nhiều PVV nản, bỏ nghề.
Tốt nghiệp là... nghỉ việc
Vừa nhận bằng TNĐH, Trần Bích Ngọc quyết định rời bỏ công việc làm PVV. Bản CV đẹp với 3 năm kinh nghiệm làm việc bán thời gian cho một Cty NCTT, với khá nhiều kỹ năng tích lũy được và sự tự tin trong giao tiếp, giúp Ngọc dễ dàng "kiếm" được công việc làm trợ lý giám đốc tại một công ty của Đài Loan với mức lương khởi điểm 300 USD.
Ngọc tâm sự: Công việc năng động của một PVV khá thích hợp với sinh viên. PVV thường xuyên phải tiếp cận với nhiều đối tượng, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng không phải công việc lúc nào cũng thuận lợi. Ngọc còn nhớ khá rõ kỷ niệm ngày đi làm đầu tiên, bị một bà nội trợ vừa đuổi như "đuổi tà", vừa mắng như tát nước vào mặt, khi tưởng nhầm cô với tiếp thị bán hàng rởm. Phải tiếp cận với những khách hàng khó tính, thái độ lạnh nhạt, thậm chí không thèm nói một lời đã đóng rầm cửa là chuyện thường ngày.
"Nhưng khi đã tốt nghiệp thì khác, không thể suốt ngày đi ngoài đường, làm việc đến 9, 10 giờ tối mới về nhà. Nghỉ làm PVV bởi đã đến lúc cần có công việc ổn định, có tương lai hơn", Ngọc nói.
Còn Nguyễn Thị Lương, TNĐH Thương mại khoa kế toán, đã từng làm PVV bán thời gian tại Cty NCTT Axis Việt Nam bộc bạch: "Đã có kinh nghiệm, nếu tiếp tục làm việc, tôi sẽ được đề bạt vào vị trí cao hơn. Nhưng tôi đã quyết định nghỉ để tìm công việc đúng chuyên ngành của mình".
Hiện nay, đội ngũ PVV và kiểm soát chất lượng (Quality Control - QC) chiếm từ 70% đến 80% nhân sự trong các Cty NCTT, đa phần trong số đó là sinh viên. Với sự năng động, nhạy bén, khả năng thích ứng công việc nhanh, sinh viên thường được các Cty NCTT ưu tiên lựa chọn. Nhưng thực tế, không phải ai cũng học chuyên ngành marketing. Số sinh viên học các ngành xã hội, thậm chí có người học chuyên ngành kỹ thuật... không ít. Bởi vậy, phần lớn sẽ có quyết định như Lương - không gắn bó với công việc NCTT sau khi tốt nghiệp.
"Đến" và "đi"
Hiện nay, thu nhập của nhân viên NCTT chỉ ở mức trung bình. Mức thu nhập của vị trí Trưởng nhóm (Group Leader) và QC chỉ ở mức trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Lương của các vị trí Giám sát (Supervisor) cũng chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu. Điều đó dễ dẫn tới tình trạng "chảy máu lao động".
"Do tính chất công việc, những người đã từng làm việc tại các Cty NCTT trưởng thành rất nhanh, nếu không thực sự say mê với công việc này, họ sẽ không khó khăn khi tìm kiếm việc làm khác với mức thu nhập tốt hơn", ông Phan Đức Định - Senior Operations Executive (Điều hành cấp cao) của AC Nielsen VN giải thích.
Mặt khác, việc tự đào thải PVV tại các Cty NCTT diễn ra khá thường xuyên. Việc một số PVV thiếu trung thực, gian lận trong công việc, như: sót câu hỏi trong quá trình phỏng vấn, khai thác không đầy đủ thông tin theo yêu cầu của dự án ... không phải là hiếm. "Nếu PVV tự nghỉ việc hoặc bị loại bỏ đúng lúc có dự án sẽ có ảnh hưởng không nhỏ, nhất là đối với dự án chỉ diễn ra trong vòng một vài tuần" ông Định cho biết thêm: "Ổn định nhân sự luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với người làm quản lý".
Vì vậy, các đợt tuyển dụng và đào tạo kỹ năng cho các PVV mới diễn ra liên tục. Thông thường, các ứng viên phải trải qua vòng phỏng vấn chỉ số IQ, EQ, khả năng giao tiếp, mức độ trung thực... Các Cty NCTT cũng không bỏ qua những ứng viên chỉ tốt nghiệp PTTH.
Những người thông minh, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, có năng khiếu giao tiếp, hiểu biết xã hội, cộng thêm sự chú tâm trong công việc, chịu khó học hỏi, sẽ hoà nhập rất nhanh với công việc. Công việc đòi hỏi sự cọ xát cao với môi trường bên ngoài tạo nên không ít thay đổi cho những PVV; cơ hội thăng tiến lên vị trí cao với thu nhập ổn định sẽ luôn rộng mở với những người có động lực đúng đắn về công việc này.

Nhật Thăng (LĐO)