itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Sài Gòn có một rặng thông

Sài Gòn có một rặng thông

Rặng thông xanh mướt, hiền hòa trong Công viên Gia Định trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều bạn trẻ. Ảnh: MH

Cây thông sẽ xuất hiện nhiều hơn ở TP.HCM trong thời gian tới.

Nhắc đến cây thông, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến loại cây thân thẳng, lá kim chỉ mọc ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Ít ai ngờ rằng giữa một đô thị nắng nóng quanh năm như TP.HCM cũng có một rặng thông.

Bất ngờ với thông xanh

“Bỡ ngỡ, bất ngờ” là cảm giác chung của nhiều người khi lần đầu nhìn thấy rặng thông xanh rì, hiền hòa trong Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận). Bạn Nguyễn Thị Minh Tuyến, sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Em quê ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng nên chẳng xa lạ gì với cây thông. Hai năm trước, khi vô công viên ôn thi, em bất ngờ lại được nhìn thấy loại cây thân thương. Từ đó đến nay, mỗi khi rảnh rỗi em và bạn bè đồng hương lại đến ngồi dưới rặng thông, nghe tiếng thông xào xạc để bớt cảm giác nhớ nhà”.

Trong khi đó, tâm lý nghi ngờ là nguyên nhân kéo bà Hồ Tuyết Trinh lại gần với rặng thông. Bà Trinh cho biết có lần vô tình thấy công nhân đang trồng một loại cây giống như thông ở trong công viên. E ngại về khả năng tồn tại của loại cây ôn đới này, ngày nào tập thể dục xong bà cũng ra khu vực trồng thông để quan sát.

“Tôi rất vui khi thấy chúng lớn dần mỗi ngày, bất chấp thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Khi cơn bão trái mùa đầu tháng 5 quật ngã một số cây thông, tôi rất đau lòng cứ như mất mát một cái gì đó thân thương” - bà Trinh tâm sự.

Nhân rộng mô hình trồng thông

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Giám đốc Công viên Gia Định, ở một TP nhiệt đới nhiều khói bụi như TP.HCM, cây thông phải được chăm sóc rất kỹ thì mới phát triển được. “Những loại cây cảnh thông thường chỉ cần bón phân lót một lần trước khi trồng nhưng cây thông phải bón dặm vài tháng/lần cho đến khi chúng được hai năm tuổi. Cũng không thể tưới nước nhiều, để nước đọng… Chăm sóc kỹ như vậy nhưng thông vẫn rất chậm lớn, đã gần bảy năm mà thân cây mới chỉ bằng bắp chân người” - bà Thùy nói.

Bà Thùy nói thêm, từ khi có rặng thông, công viên thu hút đông du khách hơn trước kia. Vào dịp cuối tuần, rất nhiều bạn trẻ tụ tập về đây để vui chơi dưới bóng thông. Không ít đôi uyên ương cũng tới đây để chụp ảnh cưới.

Ông Lê Minh Trung, Phó phòng Kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh, thông tin: Những chủng loại thông khác nhau chỉ sống và phát triển được ở những độ cao nhất định. Thông hai lá sống ở độ cao trên 800 m so với mực nước biển như vùng Di Linh (Lâm Đồng), thông ba lá chỉ sống được ở độ cao trên 1.200 m. Riêng ở TP.HCM, loại thông khả dĩ nhất có thể sống được là thông Caribaea (Pinus Caribaea) thuộc họ thông Pinaceae xuất xứ từ khu vực Trung Mỹ. Ở nước ta loại này trước nay sống được ở vùng La Ngà, Đồng Nai.

“Trước khi quyết định đưa loại thông này về trồng thí điểm ở Công viên Gia Định, công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm rất kỹ. Đến nay thông Caribaea đã phát triển ổn định và chúng tôi vừa tiếp tục trồng một số thông ở khu chợ Nga (Russian Market) trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1. Sắp tới, công ty sẽ trồng thêm cây thông ở một số nơi khác để tạo sự đa dạng về cây cảnh” - ông Trung nói.

MINH HIẾU