itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Khách du lịch tham quan chùa Trấn Quốc.

Ảnh: Thảo Nguyên.

Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tổng cục Du lịch vừa tổ chức lễ đón vị khách du lịch quốc tế thứ 4 triệu đến Việt Nam trong năm 2007. Sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành Du lịch trong quá trình hội nhập...

Như vậy, sau vị khách quốc tế thứ 1 triệu mang quốc tịch Pháp (1994), vị khách quốc tế thứ 2 triệu mang quốc tịch Italia (2000), vị khách quốc tế thứ 3 triệu mang quốc tịch Nhật Bản (2005), thì mới đây ngành Du lịch Việt Nam đã đón vị khách quốc tế thứ 4 triệu - ông Maicơn Đavít Magitsơn đến từ Mỹ - một trong những thị trường nhiều tiềm năng. Sự kiện này đã thể hiện những nỗ lực vươn lên của ngành Du lịch thời gian qua và ngành Du lịch đã hoàn thành kế hoạch đề ra trước 1 tháng. Dự kiến hết năm 2007, Việt Nam đón khoảng 4,4 triệu lượt khách quốc tế; 19-20 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt khoảng 56.000 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, điểm đáng chú ý là du lịch Việt Nam gần như không có mùa thấp điểm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2007 tương đối ổn định, đạt trung bình 350.000 lượt/tháng, tăng bình quân 17% so với năm 2006. Ngoài thị trường được coi là truyền thống có lượng khách lớn trong nhiều năm qua, như Trung Quốc (515.000 lượt), Hàn Quốc (430.000 lượt), Mỹ (374.000 lượt)... lần đầu tiên lượng khách đến từ Nhật Bản đã vượt qua mốc 400.000 lượt người/năm. Còn khách đến từ thị trường Ôxtrâylia đã đạt hơn 200.000 lượt, Pháp: 180.000 lượt, Anh hơn 100.000 lượt. Đặc biệt, trong số 15 thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam, có đến 9 thị trường có tốc độ tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó có Nga và Malaixia đạt mức tăng trưởng cao nhất, xấp xỉ 50%. Đây là các thị trường khách hàng có mức chi tiêu cao, đem lại doanh thu xã hội lớn, một trong những mục tiêu mà ngành Du lịch đang cố gắng thu hút. Tất cả con số trên có thể coi là những dấu hiệu tích cực, đánh dấu sự phát triển mạnh của ngành Du lịch trong năm 2007 và cũng là tín hiệu tốt cho những năm tiếp theo.

Trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bằng chứng là tháng 9-2007, Việt Nam lọt vào danh sách 20 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm theo khảo sát của Tạp chí du lịch Conde Nast Traveller, một trong hai tạp chí du lịch uy tín của Mỹ. Không chỉ có vậy, hãng nghiên cứu RNCOS cũng dự báo Việt Nam sẽ lọt vào danh sách 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới vào năm 2016. Tuy nhiên, để đón nhận những danh hiệu đó Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức, trong đó có cả những thách thức từ nội tại. Đó là tình trạng thiếu nghiêm trọng cơ sở lưu trú cao cấp, thiếu sản phẩm hấp dẫn giữ chân du khách, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, thiếu quy hoạch đầu tư phát triển hiệu quả... để du lịch Việt Nam đủ sức cạnh tranh không chỉ trên thị trường quốc tế, mà ngay cả thị trường trong nước.

Gia Khánh / Hanoimoi