itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Chắp cánh những ước mơ

Chắp cánh những ước mơ

Vui mừng, hồi hộp và đôi chút lo âu… tất cả cùng hiện lên trên nét mặt của các thầy cô giáo, các em học sinh – sinh viên, các bậc phụ huynh về dự “Lễ biểu dương cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh xuất sắc”.

Lễ biểu dương do Tập đoàn Tân Tạo phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức tại Nhà hát lớn TP.HCM vào tối 2-3, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

Bên lề buổi Lễ, biên tập viên ItaExpress đã gặp gỡ, trò chuyện với vài người trong số họ. Dưới đây là một số thông tin biên tập viên thu thập được.

“Các em học sinh làm tôi đam mê với nghề hơn”

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, thầy Bùi Nguyên Luận tình nguyện về công tác tại Trường THCS Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trường vùng núi, mới thành lập được khoảng 10 năm, kế thừa cơ sở hạ tầng của Hạt kiểm lâm huyện. Cuộc sống của người dân lam lũ, gắn liền với cây chè, cà phê, vì thế, vào ngày mùa, học sinh thường bỏ, nghỉ học ở nhà để giúp cha mẹ thu hoạch chè, cà phê. Mặc dù nhà trường có chính sách cấp phát sách vở, đồ dùng học tập, miễn giảm học phí… nhưng nhiều học sinh vẫn bỏ học giữa chừng.

Thầy Bùi Nguyên Luận.

Khi xem đoạn phóng sự về thầy Luận được phát tại buổi Lễ, tôi mới biết, thầy Luận không chỉ là giáo viên dạy giỏi của trường nhiều năm liền mà thầy còn là người rất được đồng nghiệp và học sinh quý trọng. Thầy Luận thường đến tận nhà các em học sinh hay nghỉ hoặc bỏ học để động viên cha mẹ và bản thân các em trở lại với lớp học, thăm hỏi các em học sinh bị đau ốm... Thầy nói, chính các em học sinh đã tạo cho thầy niềm đam mê với công việc, với mảnh đất mà thầy đã lựa chọn.

Lần đầu tiên đến Sài Gòn

Bắt xe đi từ tỉnh Bình Thuận từ sáng sớm, quá trưa, cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, giáo viên Trường Tiểu học Phong Phú 2 (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận), mới có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên xa nhà, tuy có lo lắng về đứa con thơ hai tuổi phải gửi vợ chồng cậu em trai trông giúp nhưng cô vẫn thấy vui và hồi hộp. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên cô được đi TP.HCM, được lên sân khấu trong buổi truyền hình trực tiếp, được nhận sự tài trợ từ “Chương trình Hỗ trợ giáo viên nghèo vùng sâu, vùng xa” của Tập đoàn Tân Tạo.

Giáo viên, học sinh - sinh viên xuất sắc tại Lễ biểu dương.

Cô Trinh kể, chỗ cô đang sống là vùng núi nghèo. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, làm thuê làm mướn. Cô là giáo viên đã 6 năm nhưng vẫn chưa có nhà riêng, hiện đang ở nhờ nhà mẹ ruột. Chồng cô đi làm xa ở một vùng miền núi của tỉnh Ninh Thuận, vài tháng mới về nhà một lần. “Học sinh miền núi vất vả lắm, ngoài buổi đi học phải giúp cha mẹ đủ việc. Có em bỏ cả việc học để giúp cha mẹ, giáo viên phải đến tận nhà động viên các em đi học lại mà nhiều em còn không chịu quay lại lớp học”, cô Trinh kể.

Một mình chăm sóc người mẹ già và một đứa con thơ, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé ấy vẫn đảm bảo tốt việc dạy của mình ở trường, liên tiếp đạt giáo viên dạy giỏi trong ba năm.

Ước mơ từ cha mẹ

Nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của người cha, Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học An ninh Nhân dân trông khá rắn rỏi, tự tin trong bộ đồng phục của trường. Là con thứ 2 trong gia đình có bốn chị em gái, Hiền rất tự hào khi kể về họ, những người thân yêu của mình. Mặc dù cha mẹ Hiền làm nghề nông nhưng vẫn cố gắng nuôi các con ăn học và cả bốn chị em Hiền đều học khá giỏi. Ngành mà Hiền đang theo học là ước mơ của người cha từ ngày ông còn trẻ, muốn trở thành một chiến sĩ công an. Mặc dù thực hiện ước mơ của cha nhưng càng học, Hiền càng cảm thấy yêu ngành mình đang theo. Mỗi lần đọc báo hay nghe thầy cô kể về những tấm gương dũng cảm của các chiến sĩ công an, Hiền rất cảm phục và lại ước muốn sau này mình được như họ, được cống hiến sức mình cho đất nước.

Nguyễn Thị Thu Hiền (áo xanh) trước giờ Lễ.

Không chút ngập ngừng khi nghe hỏi về ước mơ của mình, em Nguyễn Minh Vũ, học sinh lớp 12 Trường THPT Tân Thạnh (Long An) nói ngay: “Em ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ vì mẹ em bị bệnh tiểu đường”. Là con út trong gia đình có 9 anh chị em, cha mẹ tuy đã cao tuổi nhưng vẫn làm ruộng, vất vả với miếng cơm, manh áo, Vũ ý thức rất sâu sắc về sự hy sinh của cha mẹ, các anh chị trong việc cố gắng nuôi em ăn học tới đại học. Em là niềm hy vọng của cả gia đình. Các anh chị của em lớn lên trong vất vả, cuộc sống riêng cũng khó khăn nên chẳng ai giúp được cha mẹ và em nhiều, mà chỉ có thể động viên em chăm chỉ học hành để thoát khỏi cái nghèo.

Tin ở sự lựa chọn của con

Mặc dù rất vui vì con trai được khen thưởng, được vinh danh trong đêm Lễ nhưng bác Huỳnh Thị Cầm, mẹ của em Nguyễn Minh Vũ, không khỏi sốt ruột khi không được ngồi cạnh con trai. Có lẽ như bao bà mẹ khác, trong suy nghĩ của bác, Vũ vẫn chưa đủ khôn lớn, trưởng thành. Bác sợ con trai chạy ra ngoài trễ giờ, làm lỡ chương trình của các cô chú bên Tập đoàn Tân Tạo, bác sợ con ngồi buồn giữa các bạn cùng trang lứa nhưng chưa quen biết nhau… Khi nghe hỏi bác mong Vũ sẽ theo học ngành gì, bác Cầm nói ngay: “Tùy cháu nó thôi chứ chúng tôi cả đời nghèo khổ, có biết gì đâu mà dạy con ngoài việc dạy chúng nó sống sao cho thiên hạ khỏi chê cười. Nhà tôi toàn người ít học, tám anh chị của nó có ai được học cao như nó đâu. Tất cả chỉ mong nó chuyên tâm học để thoát khỏi cái nghèo thôi. Làm gì cũng được, miễn là nó trưởng thành, biết phân biệt phải trái, đúng sai”.

Cũng như bác Cầm, cô Phạm Thị Hồng Trung, mẹ của em Huỳnh Vỹ Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) chỉ biết tạo điều kiện cho con có thời gian học nhiều hơn chứ không hề can thiệp đến ngành học của con sau này. Cô muốn con gái tự nhận biết và phát huy khả năng của mình. Bản thân cô nhận hàng may ở nhà, chồng thất nghiệp, thu nhập gia đình không ổn định, nhưng mọi việc trong nhà, cô đều thu sếp chu đáo để con gái có thời gian học tập tốt hơn.

Bác Huỳnh Thị Cầm (bên trái) và cô Phạm Thị Hồng Trung trước giờ Lễ.

Đi cùng con gái đến dự đêm Lễ này, cô rất vui và cảm động. Cô cảm thấy sự khen thưởng của Tập đoàn dành cho các em học sinh – sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, trong đó có con gái cô, là một sự động viên, khích lệ to lớn đối với chính các em và gia đình.

Có lẽ, tất cả những người đến dự Lễ biểu dương cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh xuất sắc đều có chung một tâm trạng vui mừng vì thành quả, sự nỗ lực của họ trong học tập, trong lao động đã được ghi nhận và vinh danh. Sự khen thưởng, quan tâm của Tập đoàn Tân Tạo như một bước đệm giúp họ có thêm niềm tin, thêm nhiệt tình để tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp, vững bước trên con đường mình đã lựa chọn.

ItaExpress