itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Dọc đường Tây Bắc

Dọc đường Tây Bắc

Người và hàng xếp chồng lên nhau, xe thì cứ ôm ra mép vực lại lượn vào. Tôi chỉ còn cách phó mặc cho số phận. 12g trưa đến thị trấn Phong Thổ, xuống xe, thở phào nhẹ nhõm: vẫn sống!

1. Khởi hành

9g55’ đêm Chủ nhật 18/11, chuyến tàu SP đưa hai anh em chúng tôi bắt đầu chuyến viễn du Tây Bắc chuyển bánh. Một đêm gà gật trên tàu, 5g30 sáng 19/11, tàu đến ga Lào Cai. Chúng tôi đang định tìm một quán ăn lót dạ buổi sáng rồi đi, thì vừa lúc, một chiếc xe ca 50 chỗ cà khổ, đề chữ Tam Đường trờ tới. Xách vội balô, máy ảnh, tài liệu, lao lên xe, chỉ còn 2 chỗ cuối cùng phía đáy xe. Đi tuốt, giờ này không phải là lúc kén chọn, ở cái xứ rừng này, chọn xe chỉ có nước mà ngủ lại đến hôm sau. Gần 30km tới Sa Pa mù sương, mà đúng là mù sương thật, Sa Pa huyền ảo chìm trong sương. Rẽ lối đi Ô Quy Hồ, đường bắt đầu ghập ghềnh. 18km đường đang sửa dần cho hành khách đến nhừ tử.

Trên chuyến xe đi Phong Thổ

Hai anh em ngồi cuối mấy lần xóc đụng đầu tưởng “vỡ cả nóc xe”. 20km qua đèo Ô Quy Hồ, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu. Những lần trước qua đây, tôi chỉ nghe tim mình đập, lần này, mây mù đặc quánh, cả đường lẫn vực sâu, cảm giác sợ cũng vơi đi.

2. Tây Bắc trong muôn vàn gian khó

11g trưa, chuyến xe bão táp thả hai anh em xuống Tam Đường, thị trấn đầu tiên của Lai Châu mà chúng tôi sẽ làm việc. Hiu hắt, buồn tẻ, đó là cái cảm giác đầu tiên mà tôi cảm nhận được ở lần đặt chân đầu tiên này. Một nhúm chợ lèo tèo, lác đác vài người dân tộc. Vội vã tìm ngay một cái nhà trọ ngay gần chợ cho chắc ăn. Quẳng đồ đạc trong phòng, chẳng kịp tắm giặc gì, hai anh em gọi ngay xe ôm lên Phòng giáo dục, cách đấy gần 2km. Trú ngụ tạm bợ trong một dãy nhà tập thể của tất cả các phòng ban trong huyện. Một điều khá bất ngờ là trưởng phòng Giáo dục của huyện vùng cao này lại là một cô giáo người Thái: Lương Thị Tuyến, còn rất trẻ và khá xinh. Làm xong phần thủ tục, được sự giúp đỡ nhiệt tình của phòng, chúng tôi xuống xã ngay. Hai thầy giáo, hai xe máy chở chúng tôi đi 15km vùng núi thì tới bản Bo. Tiếp chúng tôi là cô hiệu trưởng mầm non bản Bo: Hoàng Thị Bích Hồng. Sau phần giới thiệu chủ khách, tôi đề nghị được gặp cô giáo Nguyễn Thị Ngọ, người có thành tích và hoàn cảnh lại cực kỳ khó khăn mà trường đang đề nghị tập đoàn Tân Tạo hỗ trợ. Xuống thăm gian nhà cô đang thuê của công ty cầu đường, chỉ có 12m2 giá 300.000đ/ tháng cho 4 người ở. Đồ đạc chẳng có thứ gì đáng giá, trong khi đó cô lên đây đã gần 20 năm. Không nhà, không đất, đồng lương của cô nuôi 4 miệng ăn. Bữa cơm muộn trưa hôm đó ở bản Bo, các cô giáo tiếp chúng tôi dù chỉ đơn sơ bằng những gì các cô trồng được ở ngay sau vườn nhưng thật trân trọng và quí mến. Hôm đó, chiều 19/11, đã cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam, trong phòng không có một lọ hoa nào cả. Tôi hỏi cô Hồng hiệu trưởng: sắp 20/11 mà không có hoa gì hả em? Tôi nhớ mãi câu trả lời của cô: “Nhiều năm rồi bọn em chẳng có hoa gì đâu, hôm nay thế, ngày mai cũng vậy thôi anh ạ... Chỉ mong các em học sinh đến lớp đông đủ”.

Phòng ở và học bài của các em trường Sa Lông

Sáng sớm hôm sau, 20/11, Tam Đường còn đang chìm trong sương, chúng tôi đã dậy đi Phong Thổ. Chặng đường 135km đường đèo dộc quanh co, xe từ thị trấn Than Uyên xuống đã chật cứng hàng hoá, chẳng còn chỗ cho cái sự gọi là đàng hoàng nữa. Cứ một đoạn lại bắt thêm khách. Đi ngắn, đi dài, lên tất. Người và hàng xếp chồng lên nhau, xe thì cứ ôm ra mép vực lại lượn vào. Tôi chỉ còn cách phó mặc cho số phận. 12g trưa đến thịt trấn Phong Thổ, xuống xe, thở phào nhẹ nhõm: vẫn sống! Vừa đói, vừa mệt, hai anh em tìm ngay một nhà nghỉ “hạng sang” bằng gỗ duy nhất ở đây. Chợp mặt một lúc, dậy đã gần 3g chiều, vội vã sang phòng Giáo dục, chẳng thấy phòng Giáo dục đâu cả, hoá ra phòng Giáo dục nằm nhờ trong một trường mầm non. Hỏi cô văn thư mới biết, không có lãnh đạo nào ở nhà cả. Tất cả đều đã xuống các điểm trường, động viên các thầy cô nhân ngày 20/11 từ sáng. Còn mỗi anh Sáu, phó phòng đang ốm ở nhà. Gặp bằng được anh phó phòng, tranh thủ bàn bạc, trao đổi một số công việc và triển khai quỹ ITA xong đã gần hết giờ chiều.

Sớm hôm sau, chẳng kịp ăn uống gì, lại đón xe đi Lai Châu. Đến thị xã Lai Châu mới 9g30 sáng. Làm việc với Sở giáo dục xong, không kịp nghỉ, lại ra ngay đường đón chuyến xe 11g trưa đi Mường Chà (Điện Biên), sang tỉnh thứ hai trong hành trình Tây Bắc.

1g chiều hôm đó, đến Mường Chà, so với Tam Đường của Lai Châu thì Mường Chà còn nghèo hơn nhiều. Hạ tầng cơ sở chưa có gì, tất cả mới chỉ bắt đầu xây dựng, thuê tạm một nhà trọ “ có một không hai” của huyện mà sau này chúng tôi gọi đùa là khách sạn ngàn sao. Chỉ có 3 cái giường cá nhân, chăn màn thì bụi mù, không quạt, không bàn ghế, không nhà vệ sinh, không phòng tắm, có nghĩa là không gì cả, ngoài chỗ ngủ. Giá thì rẻ giật mình, 50.000đ/ phòng 3 giường/ ngày, đêm. May mà có cái chăn ấm kéo lại, nếu không hai anh em tôi đã chết rét ở Mường Chà.

Phóng viên ItaExpress ở "khách sạn ngàn sao"

Lên làm việc với phòng Giáo dục, gặp anh Long trưởng phòng, cũng người dưới xuôi lên, phòng Giáo dục cử ngay 2 cô đưa chúng tôi xuống điểm trường xã SaLông và PuKa bằng xe máy. Xuống đến trường tiểu học, trung học phố thông SaLông, gặp các em học sinh nhỏ tuổi, có em chỉ 8-9 tuổi tự xách nước từ suối về, tự giặt giũ, nấu cơm, tự lo cho cuộc sống của mình để học hành. Chúng tôi thực sự xúc động. Nhìn các em ăn bữa cơm chiều hôm đó, bữa cơm chỉ có một món duy nhật là rau cải nấu với nước và muối, tôi càng hiểu thêm về cái khó, cái khổ của con người và học sinh nơi đây. Tối hôm đó, bữa cơm đầu tiên trong chuyến đi với phòng Giáo dục Mường Chà, miệng tôi như đắng lại. Tôi không thể ăn được khi nghĩ đến các em. Và cũng không chỉ có các em, trên đường về huyện, ghé thăm phân trường mầm non Puka, đến phòng ở của cô hiệu trưởng, tôi hơi sững lại khi thấy phòng ở của cô chỉ là một cái giường con và một cái bàn gỗ được quây xung quanh bằng bạt thành nhà, rộng chừng 3m2. 25 tuổi, quê Thái Bình, lên đây đã 6 năm, chưa có gia đình, lại sống ở một xã có 100% là người Mông. Chia tay, cô còn nói với tôi: “Nhưng em vẫn còn sướng hơn bao nhiêu thầy cô khác là vẫn còn được trông thấy người Kinh...”.

Nhà ở của một nhóm học sinh

Rời Điện Biên, tạm biệt Tây Bắc, tôi vẫn còn nhìn lại và thầm hứa rằng, tôi sẽ còn quay trở lại với ngành giáo dục nơi đây và sẽ làm những gì mình có thể vì các em học sinh, thầy, cô giáo bám trụ vùng cao này.

Phùng Anh Tuấn