itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 3

Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 3

Cảnh chụp trên đường đi.

Không bàn tay nào đủ rộng để chia sẻ với hết những mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước Việt Nam nhưng có một điều chắc chắn đó là Quỹ ITA-s đang ngày một mở rộng hơn tới mọi vùng quê của đất nước với mong muốn được sẻ chia phần nào với những con người kém may mắn ấy.

Bỏ nhà, ở lều tranh

Trong lúc chờ xã xét thương binh để được hưởng trợ cấp, chú Nguyễn Văn Thành (ấp Tân Hòa, xã Long Tân) vẫn ngày ngày cùng vợ cuốc rẫy để kiếm những đồng tiền ít ỏi đảm bảo cuộc sống và lo cho cậu con trai đã ngoài 20 tuổi vẫn chưa có việc làm. Ngôi nhà mái bằng của cô con gái để lại đầy đủ tiện nghi nhưng cuộc sống của vợ chồng chú Thành lại gắn bó chủ yếu với cái lều tranh giữa đồng không mông quạnh. Cái lều mà nắng hay mưa cũng đều có thể “chui” được vào trong vui cùng chủ nhân.

Công việc thường ngày của vợ chồng chú Thành.

Bom đạn thời chiến tranh đã khiến chú Thành bị nặng tai nên khi nói chuyện với chú, dù tôi đã cố nói thật to nhưng vẫn cần người “phiên dịch”. Vết thương của bom đạn, nỗi vất vả cơm áo… hằn trên dáng vẻ của người lính đã xấp xỉ tuổi lục tuần khiến chú trông càng già hơn so với tuổi. Chú Thành dắt tôi ra rẫy, nằm cách đường chính gần 2km. Đi giữa hai bờ ruộng, lại bị ảnh hưởng của trận mưa trước đó khiến đất càng trơn trượt nhưng vì đã quá quen nên chú Thành vẫn đi băm băm. Lâu lâu ngoảnh lại, thấy tôi vẫn loay hoay ở tít phía xa, chú lại đứng chờ.

Cứ vài bước, tôi lại bị trượt chân hoặc bước hụt vì đất trơn và không bằng phẳng. Khi từ rẫy quay về, đôi dép vừa mua của tôi rách tả tơi, may vẫn còn chút quai hậu ôm cứng cổ chân để có thể bước tiếp, còn hai gấu quần thì đầy những bùn và gai cỏ.

Cái lều của vợ chồng chú Thành nằm chơ vơ giữa bốn bề mưa nắng. Tôi ngồi trong lều mà vẫn bị nắng xói vào người từng vệt, từng vệt qua vách nứa. Thấy tôi nghiêng người tránh nắng, vợ chú Thành cười nói: “Nắng còn đỡ đấy cô, khi trời mưa, dột khắp nhà, hai vợ chồng tôi cứ ngồi chụm lại thành một cục mà vẫn bị ướt”.

Vợ chồng chú Thành trong góc lều ngoài rẫy.

Chịu thương chịu khó, lam lũ vất vả cả ngày vậy mà đã bao nhiêu năm nay, vợ chồng cô chú vẫn chưa thực hiện được ước mơ có đủ tiền mua thêm vài ba con bò, dựng lại cái lều cho kín đáo và quan trọng nhất là có tiền cho cậu con trai đi học một cái nghề gì đó. Ước mơ của họ rất chính đáng, rất giản đơn nhưng để thực hiện được thì không phải chỉ ngày một, ngày hai. Vì thế mà họ tìm đến Quỹ ITA-s, mong đợi một sự sẻ chia từ những tấm lòng đầy trắc ẩn của các nhà từ thiện.

Những đứa trẻ kém may mắn

Nếu chỉ đi dạo trên mỗi con đường của xã Long Tân sẽ thấy không gian ở đây cũng thật bình yên, cái bình yên của làng quê Việt Nam nói chung. Vậy nhưng, ẩn sau vẻ bình yên ấy còn nhiều những phận người kém may mắn. Đến tìm hiểu hoàn cảnh của em Trần Văn Châu (26 tuổi, ngụ ấp Tân Hiệp), tôi được người trong xã dẫn đến vài nhà người dân khác có con em bị bệnh tâm thần bẩm sinh. Thế giới của các em, chắc chắn những người như tôi không thể hiểu hết được nhưng có một điều mà tôi và tất cả mọi người đều hiểu, đó là sự kém may mắn của các em. Các em cũng biết đón tiếp tôi bằng cách riêng của mình.

Trần Văn Châu

Em Châu đang đi làm trên rẫy, bị gọi về, em vừa bước vào nhà vừa hỏi: “Có việc gì mà gọi về thế? Còn đang làm mà”. Tôi đùa: “Gọi về chụp ảnh kỷ niệm, có thích không?”. Thấy tôi giơ máy ảnh lên, Châu tỏ vẻ thích thú và khăng khăng chỉ chụp một mình, không chịu chụp chung cùng mẹ, cũng không chịu mặc thêm chiếc quần dài mà nhất định mặc chiếc quần sọoc đi làm rẫy để chụp hình. Tôi hỏi, có thích tiền không thì tôi cho? Em cười lắc đầu: “Không lấy đâu, có hai thửa đất rồi”. Hai thửa đất là phần của mẹ chia cho Châu, các anh chị của Châu đều đã có gia đình và ra ở riêng. Ngày ngày, Châu vẫn tự đi làm những công việc đồng áng để giúp mẹ.

Sang ngó theo khi tôi về.

Em Nguyễn Văn Sang thì khác, dù đã 18 tuổi nhưng em chẳng biết gì ngoài việc chạy nhảy và nằm lăn trên chiếc võng trong căn phòng riêng chừng 6m2. Theo chuẩn đoán của bác sĩ, em Sang bị bệnh bại não. Căn phòng do Hội bảo trợ tàn tật trẻ em tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho tiền xây hồi năm 2003, được rào chắn hết các cửa ra vào. Khi tôi vào, em mừng quýnh lên, chạy lăng xăng tìm cách “vượt rào” và cứ ngó theo tôi mỗi khi tôi thay đổi vị trí. Mẹ em Sang cho biết, sinh hoạt hàng ngày của em phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Em chỉ có thể biểu lộ hai trạng thái: đó là vui mừng khi thấy người và thích thú khi được uống sữa. Vì thế, trước khi đi, tôi đã tặng em những hộp sữa và những chiếc bánh cuối cùng tôi mang theo.

Trinh với chiếc giường bốn bề là gió.

Mặc dù đã 10 giờ sáng nhưng khi tôi đến thì em Nguyễn Thị Tú Trinh đang ngủ. Chú Nguyễn Văn Tài, bố em Trinh, cho biết em chỉ vừa chợp mắt và căn nhà mới được yên tĩnh thế. 19 tuổi, hoàn toàn vô thức về cuộc sống xung quanh, em Trinh chỉ biết ăn và đập phá. Ngày ngủ, đêm thức đi loanh quanh và la hét vang xóm. Biết hoàn cảnh gia đình và bệnh tật của em nên hàng xóm cũng thông cảm. Thế giới riêng của em Trinh là một chiếc giường nằm chơ vơ ở giữa hiên sau nhà. Gia đình đã làm đơn xin tiền trợ cấp bên xã để xây cho em một gian phòng nhỏ nhưng chưa có hồi âm. Lúc mới sinh, em Trinh bị bệnh vảy cá ở mắt. Khi em lên 5 tuổi, bác sĩ quyết định mổ cho em nhưng mổ được một bên thì phải dừng do sức khỏe của em yếu quá, không đảm bảo cho ca mổ. Giống như em Sang, sinh hoạt của em Trinh hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ, phụ thuộc từ việc ăn, uống hàng ngày đến việc vệ sinh cá nhân. Cũng như cha mẹ của em Sang, cha mẹ và anh trai của Trinh đều làm nông, làm thuê mướn nên cuộc sống khá đạm bạc. Vì thế, khi nghe tôi nói liên hệ với UBND xã để làm hồ sơ gửi về Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật xin trợ cấp, họ ngỡ ngàng hơn là vui mừng. Ngỡ ngàng vì chưa bao giờ thấy người của quỹ từ thiện nào tìm đến tận nhà mà giúp họ như thế.

Lời kết

Họ ngỡ ngàng còn tôi thì cảm thấy vui vui mặc dù cơn dông lại kéo ngang đầu. Ba ngày quần thảo ở huyện Đất Đỏ là ba ngày dãi dầm nắng sáng, mưa chiều, cát bụi cũng đã hít đủ, đã tới với những người cần sự giúp đỡ của Quỹ ITA-s nhưng tôi có cảm giác mảnh đất này vẫn còn rất nhiều người bất hạnh đang không biết phải tìm sự chia sẻ ở đâu. “Có bàn tay nào đủ rộng để chia sẻ với hết những mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước Việt Nam không?” là câu hỏi cứ ám ảnh tôi trong suốt chặng đường về. Chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi ấy nhưng có một điều chắc chắn đó là Quỹ ITA-s đang ngày một mở rộng hơn tới mọi vùng quê của đất nước với mong muốn được sẻ chia phần nào với những mảnh đời bất hạnh.

Bùi Nhung

Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 1

Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 2