itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / “Sợ nghề nông nên phải học giỏi”

“Sợ nghề nông nên phải học giỏi”

Kỳ thi đại học năm 2007, Nguyễn Đăng Hoàn đỗ liền hai trường với số điểm ít người đạt được. Đó là Đại học bách khoa với số điểm là 28, Đại học y Hà Nội 30 điểm.

Anh Nguyễn Đăng Định, bố của Nguyễn Đăng Hoàn, thủ khoa Trường Đại học y Hà Nội cho biết, Xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Tây) quê tôi có hai nghề chính là làm ruộng và đẽo tượng gỗ. Vợ chồng chúng tôi đều là nông dân thuần túy. Hoàn cảnh khó khăn vì thu nhập chính chỉ trông chờ vào cây lúa. Chúng tôi sinh được ba con nhưng cả ba đều “sợ” nghề nông. Nhất là cháu út Hoàn, rất sợ phải cắt lúa, gánh lúa. Vì đọan đường từ ruộng đến nhà phải xa hàng cây số. Những lúc như vậy, vợ chồng chúng tôi thường bảo các cháu, nếu không muốn phải làm nghề vất vả như bố mẹ thì phải cố mà học để thoát ly. Cũng may là cả ba cháu đều ngoan. Hai cháu đầu đã học xong đại học. Anh cả của Hoàn hiện nay đang công tác tại Viện Nghiên cứu cơ khí (Hà Nội). Chị thứ hai hiện là giáo viên cấp III của một trường trong huyện Hoài Đức. Đến lượt Hoàn, cháu đỗ vào cả hai trường đại học. Đó là Đại học bách khoa với số điểm là 28, Đại học y Hà Nội 30 điểm. Nhưng theo cháu nói, do anh trai đã học Đại học bách khoa rồi nên cháu chọn nghề y. Có được kết quả này là do đức tính hiếu học của cháu. Hoàn thường ngồi vào bàn học từ 19h cho đến tận 1-2h sáng. Vì lo cho sức khỏe của con, có những lúc bố phải quát lên cháu mới chịu đi ngủ.

Trong 3 anh chị em thì cậu út Hoàn học giỏi hơn cả. Suốt từ năm lớp 1 đến lớp 12 em đều là học sinh giỏi. Đặc biệt, những năm cuối cấp em lại càng học chăm hơn. Khi đang học lớp 10 của Trường THPT Hoài Đức A, Hoàn đã đoạt giải nhì môn Vật Lý của tỉnh Hà Tây. Đến năm lớp 12 em tiếp tục đoạt giải ba về môn này. Hoàn cho biết, tất cả những thành tích mà em đạt được đều do em tự nỗ lực phấn đấu. Mẹ em chỉ học hết cấp II còn bố học hết cấp III, không biết gì để dạy. Anh chị em học khá nhưng đều đi học xa, vì vậy cũng không giúp được gì cho em.

Dù sợ nghề nông vì quá vất vả mà thu nhập lại thấp nhưng em vẫn giúp bố mẹ em những công việc này. Phải đến gần kỳ thi đại học em mới tạm nghỉ để tập trung cho việc ôn thi. Phương pháp của em là học theo nhóm. Nhóm chúng em tự tìm sách học, tự giao đề cho nhau về nhà làm, rồi tự tổ chức chấm. Khi nào không hiểu thì mới hỏi thầy cô.

Hoàn và các bạn cùng phòng trong khu ký túc xá của Đại học y Hà Nội.

Không chỉ học giỏi, Hoàn còn có năng lực làm lãnh đạo. Suốt ba năm làm lớp trưởng ở cấp III, em luôn lãnh đạo phong trào của lớp sôi nổi từ học tập cho đến các hoạt động khác. Vì có phong trào học tập tốt mà lớp Hoàn có 58 bạn thì 40 thi đỗ vào đại học, còn lại là cao đẳng, chỉ có hai bạn là không đi đâu. Đối với một trường học ở nông thôn, thành tích này thật đáng nể. Trong đó, hẳn có một phần công sức của lớp trưởng Nguyễn Đăng Hoàn.

Nói về những dự định trong tương lai, Hoàn cho biết, trước mắt em sẽ phấn đấu để sau 6 năm học đại học,em có thể lọt vào chương trình đào tạo “Bác sĩ sau nội trú”, là chương trình đào tạo sau đại học, kéo dài 3 năm. Sau này, em mong ước được về công tác ở những bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai. Vì ở đây có các phương tiện cứu chữa bệnh hiện đại và rất uy tín với bệnh nhân. Ở môi trường này, em sẽ có điều kiện trau dồi kỹ năng của mình và sự thành công sẽ cao hơn.

Khi lựa chọn ngành y, em suy nghĩ rất đơn giản. Lý do thứ nhất, mẹ em bị viêm xoang không chữa được. Em học để chữa cho mẹ và những người bị bệnh như mẹ. Lý do thứ hai là vì gia đình chưa có ai làm nghề y, em phải trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Em luôn xác định cho mình, khi hành nghề, mục tiêu cứu chữa người bệnh là cao nhất, kiếm tiền là thứ yếu. Ở trường em có một tấm gương sáng về y đức của người làm nghề y mà em rất ngưỡng mộ. Đó là thầy hiệu trưởng, bác sĩ Nguyễn Lâm Việt. Em sẽ noi gương thầy. Sau này khi ra công tác, em mãi mãi kiên định lập trường của mình: Mục tiêu cứu người là quan trọng nhất.

Tạm biệt cậu thủ khoa trường y với những ước mơ, hoài bão trong sáng, thánh thiện ra về, tôi hy vọng em sẽ thực hiện được điều mong ước của mình. Xã hội ta sẽ có thêm một thầy thuốc vừa giỏi nghề vừa luôn nêu cao đạo đức nghề y.

Bài và ảnh: Kim Thanh