itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Ươm chồi non cho núi rừng Tây Nguyên

Ươm chồi non cho núi rừng Tây Nguyên

Huyện Kông Chro nằm về phía Đông của tỉnh Gia Lai, tiếp giáp với hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, sông suối đã chia cắt các xã Đăk Sông, Đăk Plin trở thành những “ốc đảo”.

Khó khăn không chỉ đến với những giáo viên ngày đêm bám bản để “trồng”cho bằng được cái chữ ở vùng đất này, mà hành trình tìm “cái chữ” của hàng trăm học sinh người Bahnar ở đây cũng lắm gian truân, vất vả…

Lội suối, băng rừng tìm chữ

Sáng thứ hai hàng tuần, sau hai ngày nghỉ, các em học sinh người Bahnar ở các làng bản xung quanh hai xã Đăk Sông, Đăk Plin của huyện Kông Chro lại về Trường Tiểu học Cao Bá Quát. Thấy các em rất vui, chúng tôi hỏi mới biết nguyên nhân là vì… tuần này trời không mưa, cả khi đi, về qua đoạn đường rừng hơn chục km các em đều gặp “thuận lợi” và 100% các em đã có mặt chào cờ đầu tuần. Hành trang các em mang theo cùng sách vở là những chiếc gùi, những bao tải trĩu nặng gạo, mắm cùng các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt.

Đây là những học sinh tham gia các lớp “ghép” tại trường. Cũng vì yêu quý “cái chữ”, muốn lớn lên học được cách trồng lúa nước, trồng nấm, trồng hồ tiêu, cà phê nhiều trái, nuôi bò lai mau lớn, đẻ nhiều con… nơiø vùng đất nơi xa xôi nhất của huyện Kông Chro, hàng trăm học sinh dân tộc Bahnar đã không quản ngại đường sá cách trở, vượt qua bao tập tục để đến trường từ năm học 2003 đến nay…

Cô giáo Mai Tuyết dạy chữ cho học sinh ở làng H’ôn.

Cõng chiếc cặp trĩu nặng trên vai, sau khi dọ dẫm từng bước chân qua nhánh sông Đăk Phoêh, em Đinh Thang – học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Cao Bá Quát - hồ hởi khoe: “Ô! Thầy không biết đâu. Ở đây đi học như thế này là chuyện bình thường, bọn em quen mà! Hôm thứ sáu vừa qua, em được điểm 8 khi đọc thuộc được bài trên lớp đấy!”. Một cách tự nhiên, em Đinh Thang gọi chúng tôi bằng “thầy” và bày tỏ tình cảm hết sức thân thuộc, đồng thời xem việc vượt sông của mình cùng các bạn như chuyện thường tình, giống như việc đi bắt con cá dưới suối, hái mấy cái măng rừng…

Chợ “di động” về vùng cao

Cũng như học sinh, các giáo viên dạy học ở Đăk Sông, Đăk Plin… đều quá quen thuộc với cảnh vượt rừng, lội suối, thậm chí chấp nhận ăn uống kham khổ để bám đất, bám làng dạy chữ cho các em. Cô giáo Lê Thị Tuyết cho biết: “Những hôm trời mưa, đường sá lầy bùn đất, đá nhấp nhô, trơn trượt, đi bộ ra được bên ngoài cũng mất cả ngày đường, còn xe máy thì thua hoàn toàn”.

Đã thành lệ, cứ mỗi cơn mưa đổ xuống Đăk Sông, Đăk Plin, các thầy cô giáo lại thấp thỏm mong mỏi những chiếc xe máy chở thức ăn về tận làng để bán. Họ gọi những chiếc xe này là “chợ di động”! Nhờ những “chợ di động” này, đời sống của các giáo viên bám bản, bám làng đã có phần cải thiện được bữa ăn hàng ngày.

Sau hơn hai giờ vượt qua những con đường lầy lội, chúng tôi đến được làng K’Te. Gặp chúng tôi, thầy Bừng, Thư, Tịch - 3 thầy giáo đang bám trụ dạy chữ tại làng - mừng vui như người thân lâu ngày gặp lại. Các thầy kể rằng gần một tuần nay trời mưa, đường sá đi lại khó khăn, cả 3 anh em cùng ở nhà phải dùng các món ăn đặc trưng của địa phương như măng rừng, dế kho mặn…

Vượt nhánh sông Đăk Phoêh – chuyện thường ngày của học sinh tiểu học xã Đăk Sông.

Thầy Văn Thư tâm sự: “Chúng tôi đã đợi và nhớ những người bán hàng rong như nhớ… người yêu vậy! Anh không biết đâu, chúng tôi cứ ăn măng, lá giang, ăn dế mãi cũng chán đến phát ngấy rồi! May mà có các anh đem ít bột ngọt và cá khô vào. Thế là hôm nay chúng ta đã có bữa ăn ngon ra trò!”.

Thời tiết ở đây nắng mưa thất thường, chỉ sau một cơn mưa nhỏ chưa đầy 30 phút, con đường đất, đá lởm chởm dài gần 40km từ thị trấn Kông Chro đến Đăk Sông bỗng trở nên xa vời vợi, bị ngăn cách bởi những ghềnh đá lởm chởm, ngập chìm trong nước chảy xiết. Hành trình “gieo chữ” ở vùng sâu, vùng xa huyện Kông Chro cũng vì mưa nên “ngập” trong vất vả, nhiều giáo viên dần quên tuổi thanh xuân nơi vùng đất khắc nghiệt này... Dầu vậy, họ vẫn lạc quan trước những khó khăn, vất vả.

Thầy Trần Xuân Quang – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát – nói vui: “Chúng tôi hay đùa rằng mỗi lúc trời mưa, xe máy chở một người không nổi, chỉ có thể chở được ba người! Vì sao anh biết không? Địa hình khó khăn như thế này, phải có 3 người để… khuân xe đi ấy mà!”.

… Và các học sinh người Bahnar đã như những mầm non - từ sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” của các thầy cô giáo trên đỉnh núi Kông Chro - vươn lên thành những chồi xanh của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Ái Hàn / SGGP