itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Những mái ấm cho công nhân xa quê

Những mái ấm cho công nhân xa quê

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy

TPHCM Nguyễn Văn Đua đang thăm hỏi

công nhân ở trọ tối 16-11. Ảnh: H. Đào

Từ đầu hẻm 487, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7- TPHCM), hỏi nhà ông Tám Lâm, một người dân chỉ chúng tôi vào tận nhà và không quên nói theo: “Bác Tám nổi tiếng khó tính nên ở xóm trọ này ai cũng biết”.

“Bác Tám” chính là ông Dương Văn Lâm, một trong hai chủ nhân của hai khu nhà trọ văn hóa. Từ nhiều năm nay, ông và một cán bộ hưu trí khác là ông Đặng Văn Hương (thường gọi là Mười Hương) đã chăm chút xây nên hai khu nhà trọ khang trang, ấm áp cho hơn 300 công nhân (CN).

Xem CN như con cháu

Bác Tám Lâm năm nay đã 74 tuổi. Nhà bác có 42 phòng trọ với hơn 200 CN. Từ đầu cổng vào đến tận trong nhà là các ghế đá, cây kiểng xanh ngắt. Tại “nhà trọ bác Tám”, CN ở 2 tầng lầu bên trên, bên dưới là nhà xe miễn phí. Bác Tám biết rõ từng CN, nhớ biển số xe từng người.

CN Võ Kim Tha (Công ty FAPV), trọ nhà bác Tám hơn 2 năm, cho biết: “Từ lúc vào KCX Tân Thuận làm việc đến nay, chúng tôi vẫn ở nhà bác Tám và không muốn chuyển đi nơi nào khác vì nơi đây an ninh, giá cả lại rẻ hơn so với nhiều nơi khác”.

Tuy tuổi đã cao nhưng hằng ngày bác Tám vẫn đi khắp các hành lang, các phòng, xem xét nhắc nhở từ chuyện dọn dẹp vệ sinh nhà cửa đến chuyện cẩn thận điện đóm... Đặc biệt, giá nhà trọ của bác Tám ổn định 600.000 đồng/phòng 5 người từ hai năm nay. Bác tâm sự: “Tôi từng là một thợ xây dựng, hiểu được nỗi khổ, sự vất vả của CN nên không nỡ nào làm cho tụi nhỏ khó khăn thêm”.

Từ con hẻm nhà bác Tám Lâm đi sâu vào trong khoảng hơn 1 km, chúng tôi đến nhà bác Mười Hương (cựu nhân viên Ban Quản lý dự án huyện Nhà Bè). Năm 2003, khi vừa nghỉ hưu, bác đã vay ngân hàng và người quen hơn 400 triệu đồng để xây dựng khu nhà trọ trên phần đất của gia đình. Khu nhà trọ của bác hiện có 39 phòng.

Tiếp xúc với nhiều CN đang ở trọ nhà bác, họ nói nhiều lần đã được bác cho khất nợ tiền nhà khi công ty chậm trả lương hoặc CN cần tiền để sắm chiếc xe, mua chiếc máy vi tính về học thêm. Không những vậy, bác còn cho CN vay tiền sắm sửa đồ đạc trong nhà.

Mỗi ngày, cứ tầm 4 giờ 30 phút, vợ chồng bác đã thức dậy, lui cui quét dọn khoảng sân, hành lang của cả khu nhà trọ. Theo nội quy, đúng 23 giờ là đóng cửa nhưng nhiều đêm bác vẫn thức chờ cửa cho một số CN phải tăng ca và hai CN làm việc trên tàu du lịch về khuya. Theo lời “bật mí” của bác Mười, có đến 5-6 đám hỏi của CN đã được tổ chức ngay tại những căn phòng trọ này. “Con cái lấy vợ lấy chồng ra riêng hết. Cũng may, vợ chồng bác còn tụi nhỏ CN ra vô, trò chuyện sớm tối. Tưởng về hưu chỉ còn hai vợ chồng già lủi thủi sớm tối; nào ngờ, bây giờ có thêm cả con lẫn cháu”- bác Mười cười hồn hậu.

Ấm áp tình người

Ở nhà trọ của bác Mười, CN chỉ phải trả 500.000 đồng cho một phòng trọ 5 người. Phòng ốc khang trang, có chỗ để nấu nướng, có cả gác lửng nhưng giá cả lại phù hợp với CN là điều không phải nhà trọ nào cũng có được.

Nhờ tấm lòng đối với CN ngoại tỉnh, hai bác đã được lãnh đạo TP tuyên dương trong việc xây dựng môi trường sống an ninh, lành mạnh cho CN. Mới đây, CĐ các KCX-KCN TP, Báo Người Lao Động và Công ty Fahasa đã trao tặng hai tủ sách để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho CN.

Chiều 16-11, khi chúng tôi đến thăm, gia đình CN Mỹ Thuận (Công ty Fujimatsu)- Quốc Cường (Công ty Đông Á) cùng cậu con trai hơn 1 tuổi đang quây quần xem tivi. Nhà anh chị còn có chỗ để kê tủ lạnh và một chiếc võng. Mỹ Thuận cho biết, anh chị đã ở đây rất lâu, trước khi cháu bé ra đời vì “an ninh tốt, phòng ốc khang trang, bác Mười rất tốt bụng”.

Nhìn hai nữ CN Phương Lan (Công ty MTEX), Hồng Oanh (Công ty ACT) đang mang bầu thong dong đi dạo quanh khoảng sân rồi ghé vào ngồi xem tivi, trò chuyện với bạn bè... tại khu vực sinh hoạt tập thể, chúng tôi không khỏi xúc động về tình người. Điều đó tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho những CN xa xứ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua: Mong có nhiều điển hình như thế  

Việc làm của hai cán bộ hưu trí Dương Văn Lâm và Đặng Văn Hương thật đáng biểu dương. Tuổi cao nhưng hai ông vẫn đóng góp công sức cho xã hội bằng chính công việc kinh doanh của mình. Hai ông đã tạo được một môi trường sống văn minh cho CN ngoại tỉnh, mang đến cho họ một chỗ trọ khang trang, sạch đẹp, lành mạnh; giúp CN ổn định về chỗ ở, yên tâm làm việc. Mong sao những gương điển hình như thế sẽ ngày càng nhân rộng.

P.Trang - H.Đào (Theo NLĐ)