itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Trong Hội đồng Bảo an LHQ: Việt Nam có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Trong Hội đồng Bảo an LHQ: Việt Nam có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Các đại biểu chúc mừng Việt Nam được bầu

làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo

an Liên Hiệp Quốc.

Theo phân công chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Về Sierra Leone, Phó Chủ tịch Ủy ban Về Liban, CHDC Congo và Ủy ban Chống khủng bố.

Cần thuyết phục các nước xác định thế nào là tổ chức khủng bố

Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Châu (nguyên đại sứ trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ) giải thích:

. Việt Nam được phân công vai trò trong Ủy ban Chống khủng bố của HĐBA LHQ. Theo ông, đâu là cơ sở để Việt Nam được tín nhiệm trong vấn đề này?

+ Tham gia vào ủy ban này sẽ không phải là nhiệm vụ nặng nề vì Việt Nam có nguyên tắc, quan điểm rõ ràng về chống khủng bố. Đó là ủng hộ chống khủng bố dưới mọi hình thức. Kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, LHQ đã ra nghị quyết về chống khủng bố và thành lập Ủy ban Chống khủng bố, yêu cầu các quốc gia thành viên phải báo cáo hàng năm về tất cả các vấn đề, từ vũ khí đến kiểm soát rửa tiền, ngăn chặn chuyển tiền của các tổ chức khủng bố...

Từ năm 2001, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, báo cáo hàng năm theo yêu cầu nghị quyết của LHQ. Việc bày tỏ quan điểm trong vấn đề này hoàn toàn dễ dàng vì quan điểm chống khủng bố dưới mọi hình thức của Việt Nam đồng thuận với lợi ích chống khủng bố toàn cầu của cộng đồng quốc tế.

. Như vậy trọng lượng tiếng nói của Việt Nam sẽ thế nào trong vấn đề chống khủng bố?

+ Khi chưa ngồi ở ghế ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, anh thực hiện nghĩa vụ với tư cách một nước thành viên theo nghị quyết của LHQ trong vấn đề liên quan. Nhưng khi có mặt ở Ủy ban Chống khủng bố thì đó là trách nhiệm của một thành viên đứng ra thực hiện nghị quyết của LHQ, vậy nên tiếng nói cũng như trách nhiệm của thành viên đó chắc chắn sẽ phải cao hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng đối với Việt Nam, trách nhiệm của một thành viên LHQ và của Ủy ban Chống khủng bố ngang nhau vì vấn đề chống khủng bố thuộc về nguyên tắc và nguyên tắc trong vấn đề này của Việt Nam rất nhất quán với thế giới.

. Tiếng nói của Việt Nam sẽ gia tăng trọng lượng, vậy sẽ giúp giải quyết những vụ như vụ Việt Tân như thế nào?

+ Các nước trên thế giới đều đồng lòng quan điểm chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Nhưng vấn đề khái niệm khủng bố vẫn chưa được xác định chặt chẽ. Có nơi quan niệm hẹp, có nơi quan niệm rộng nên có những độ vênh trong nhận thức, trong quy định tội trạng khủng bố giữa các nước. Có thể nhiều nước chưa quy thành tội hình sự hành vi tuyên truyền chống đối chế độ.

Theo tôi, việc cần làm ngay là Việt Nam thuyết phục các nước xác định tổ chức nào là tổ chức khủng bố. Cho đến lúc này, Việt Nam xác định được Việt Tân là một tổ chức khủng bố và có quá trình chống phá Việt Nam lâu dài. Việc thu thập đầy đủ bằng chứng, làm rõ hành vi từ tuyên truyền lật đổ chế độ đến hành động thực tế ra sao, ví như âm mưu đánh bom ở Bangkok (Thái Lan), mang bom về Việt Nam thế nào, rồi nguồn tài chính ra sao, ai tài trợ... Tất cả phải được xác lập rõ ràng, chặt chẽ để tính thuyết phục cao.

. Các vấn đề của Sierra Leone, Liban, CHDC Congo đều là những vấn đề nóng bỏng của thế giới. Vậy Việt Nam sẽ tham gia xử lý những vấn đề này tại HĐBA LHQ như thế nào?

+ Đây là những vấn đề có trong chương trình nghị sự của HĐBA LHQ từ lâu nên quan điểm tương đối rõ, vậy thì chỉ còn cách thể hiện của Việt Nam thế nào. Theo tôi, Việt Nam có thuận lợi trong tham gia xử lý các vấn đề của các nước châu Phi.

Đối với châu Phi, Việt Nam vẫn là hình ảnh của ngọn cờ giải phóng dân tộc, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tiếng nói của Việt Nam ở phong trào Không liên kết, Nhóm 77 rất uy tín. Mô hình hợp tác ba bên giữa Việt Nam, một nước châu Phi với một nước tư bản thứ ba rất thành công, được ghi vào tài liệu của LHQ và phong trào Không liên kết. Bên cạnh đó, đường lối của Đảng, nhà nước xác định thúc đẩy phát triển quan hệ toàn diện chứ không chỉ về chính trị với các nước châu Phi. Việt Nam sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng câu chữ lên án hay ủng hộ trong trường hợp phải cân nhắc bỏ phiếu một nghị quyết trừng phạt để giải quyết vấn đề.

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

. Tại sao Việt Nam vẫn chưa tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ? Với vai trò mới ở HĐBA LHQ, việc tham gia sẽ đem lại lợi ích như thế nào?

+ Trong thời gian dài trước đây, Việt Nam coi đây là vấn đề tế nhị. Tôi cho rằng sự tế nhị này hợp lý vì Việt Nam là nạn nhân của một trong những cuộc chiến tranh lớn và đẫm máu nhất trong lịch sử cận đại.

Sau chiến tranh, Việt Nam đã gia nhập ASEAN và có tùy viên quân sự ở hầu hết các nước này. Việt Nam cũng đã có tùy viên quân sự ở Úc, New Zealand, Mỹ. Bây giờ các học viện quân sự của Mỹ, Úc, New Zealand cũng có các học viên Việt Nam mặc áo lính Việt Nam theo học ở đó. Chủ trương khép lại quá khứ, hội nhập với thế giới khiến Việt Nam phải có nhãn quan khác. Đóng góp nhân lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ sẽ làm sáng thêm hình ảnh Việt Nam với tư cách là thành viên trách nhiệm của LHQ.

Thực ra trước đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam từng cử một người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Kosovo nhưng theo ngạch dân sự, làm truyền thông, báo chí. Hiện đang có những chuẩn bị cho việc tham gia chính thức.

. Theo ông, Việt Nam có thể tham gia như thế nào?

+ Theo tôi, Việt Nam có thể đóng góp ở mức tượng trưng như cử lực lượng y tế hay các lực lượng dân sự khác như nhân viên văn phòng, không nhất thiết phải đưa quân đội đi. Việt Nam từng cử chuyên gia y tế đến các nước châu Phi như Angeria, Angola và làm việc rất uy tín. Nhật đóng góp nhân lực làm hậu cần. Úc cử người làm truyền thông chứ không phải lính chiến. Việt Nam có thể tham gia một bộ phận nào đó và vấn đề quan trọng là phải đào tạo người cho tốt.

Theo Pháp Luật