itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Ngày 29/10: Thỏa thuận đột biến, thị trường tăng điểm cuối tháng 10

Ngày 29/10: Thỏa thuận đột biến, thị trường tăng điểm cuối tháng 10

Phiên giao dịch cuối tháng 10, thị trường ghi nhận mức tăng đáng kể của hai sàn chứng khoán trong bối cảnh ảm đạm trong suốt thời gian qua. Cụ thể, VN-Index ghi nhận mức tăng 2.56 điểm (+0.57) lên 452.63 điểm. Giao dịch thỏa thuận đột biến tại HOSE với hơn 10.9 triệu đơn vị, nâng thanh khoản thị trường lên 33.4 triệu đơn vị.

Phiên tăng điểm này được cho là Thông tư 122 về siết hoạt động huy động và cho vay vàng của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành tác động tích cực tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Nhà đầu tư kỳ vọng sẽ rút được một lượng tiền lớn quay về với chứng khoán, giúp họ có niềm tin để mua cổ phiếu tại thời điểm này.

Theo một số chuyên gia chứng khoán, trong dài hạn thông tư này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, cũng như ảnh hưởng đến chủ trương hạ lãi suất.

Khối lượng giao dịch vẫn là nút thắt cho sự phục hồi mạnh của thị trường, nó cho thấy một bộ phận rất lớn nhà đầu tư vẫn còn lo sợ và thận trọng. Mặc dù thanh khoản của HOSE tăng mạnh so với phiên trước lên 33.4 triệu đơn vị, trị giá hơn 1,008 tỷ đồng, nhưng đóng góp đáng kể vào sự gia tăng này là giao dịch thỏa thuận đột biến trên 10.9 triệu đơn vị và 454.74 tỷ đồng, chiếm 32.63% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường, và 45.11% về giá trị.

Các mã được thỏa thuận nhiều nhất gồm VNM với hơn 1.11 triệu đơn vị, trị giá trên 97.35 tỷ đồng, HAG với gần 1.02 triệu và 80.66 tỷ đồng hay FPT với 39.24 tỷ đồng, STB 26.8 tỷ đồng… Tuy nhiên, quan sát giao dịch có thể đây là động thái chuyển danh mục từ Vietnam Dragon Fund sang Qũy tín thác Dragon Capital Vietnam Fund (DCVF) như đã thông báo cách đây vài ngày. Trong khi một vài giao dịch thỏa thuận khác có liên quan đến việc mua bán của các công ty chứng khoán với mức giá cao nhằm thu hút và cải thiện tâm lý nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài phiên này cũng có những động thái tích cực khi lượng mua vào của họ đạt hơn 4.2 triệu đơn vị, tập trung vào các mã như DPM, FPT, STB, VSH, BVH, REE, PVF… giúp các cổ phiếu náy tăng giá đáng kể, góp phần vào sự tăng điểm của thị trường.

Thống kê VN-Index trong cả 3 đợt khớp lệnh liên tục đều tăng trưởng, với mức tăng lần lượt là 0.43 điểm (+0.1%); 1.24 điểm (+0.28%) và 2.56% (0.57%) lên mức cao nhất của phiên là 452.63 điểm.

Nhìn chung, các giao dịch trong phiên lực bán ra không mạnh, nhưng nhà đầu tư luôn “canh” bán khi thị trường bật mạnh, khiến diễn biến của VN-Index liên tục giằng co trong khoảng 451 – 452.5 điểm. Mặc dù vậy, nhờ lực mua được duy trì ổn định giúp đã giúp thị trường ghi nhận mức tăng đáng khích lệ.

Cuối phiên, toàn sàn HOSE có 124 mã tăng giá, 81 mã giảm giá và 61 mã đứng giá. Trong số đó, chỉ có 4 mã tăng trần là LIX, VNG, NSCPIT; ở chiều hướng ngược lại có 8 mã giảm với giá sàn, dẫn đầu là các mã CLG, HQC, CCI, TLG, STG.

STB có khối lượng khớp lệnh tốt nhất phiên với gần 2.12 triệu đơn vị, trị giá hơn 33.63 tỷ đồng và và DPM hơn 1 triệu đơn vị, trị giá 34.76 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính cả giao dịch thỏa thuận thì STB, HAG, FPT, VNM, QCG, DPM là những mã có lượng giao dịch lớn nhất tại HOSE.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng khá 1.35 điểm (tương đương 1.21%) lên mức 112.86 điểm. Thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp chỉ đạt gần 17.5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch là 350.56 tỷ đồng. Sắc xanh lan rộng trên bảng điện tử với 134 mã tăng, 127 mã giảm và 58 mã đứng giá.

Viết Vinh/ VietStock