itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Thị trường chứng khoán Hà Nội không ổn định

Thị trường chứng khoán Hà Nội không ổn định

Tuần qua, sàn Hà Nội có diễn biến khá kịch tính. Sau hai phiên giao dịch đầu tuần, tăng gần 17 điểm, đạt 379,16 điểm, đến ngày 17-10, HASTC-Index đảo chiều giảm mạnh. Ngày 19-10, HASTC-Index lại hồi phục mạnh khi tăng 11,98 điểm, dừng ở mức 376,86 điểm. Hy vọng của nhiều nhà đầu tư về việc HASTC-Index đạt mốc 400 điểm đã không xảy ra.

Kịch tính

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 15-10, HASTC-Index đã có mức tăng mạnh (8,58 điểm), khối lượng giao dịch (KLGD) tăng 30,21% so với phiên cuối tuần trước, đạt 6,119 triệu cổ phiếu (CP), tương ứng giá trị 592,27 tỷ đồng. Trong phiên, mức cầu của thị trường rất cao, vượt xa mức cung thể hiện ở việc có gần 12 triệu CP đặt mua trong khi chỉ có hơn bảy triệu CP đặt bán. Thị trường có 82/89 mã CP tăng giá với nhiều mã cómức tăng lớn.

Sự kỳ vọng và tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư (NÐT) tiếp tục thể hiện trong phiên giao dịch ngày 16-10. Thị trường xác lập kỷ lục mới về KLGD với 7,978 triệu CP và giá trị giao dịch (GTGD) với 775,19 tỷ đồng. Có 87/89 mã CP tăng giá. Từ đầu tới cuối phiên, các CP đồng loạt tăng giá, có 57 mã tăng hơn 9% và hai phần ba trong số này giao dịch giá trần trong suốt phiên. Trong cả hai phiên này, sức mua của NÐT rất lớn. Về cuối phiên, rất nhiều mã có dư bán bằng 0.

Thị trường tăng trưởng mạnh trong hai phiên đầu tuần cũng nhờ một số thông tin hỗ trợ như Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở giao dịch chứng khoán New York, Malaysia và việc Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội thẳng thắn thừa nhận, nhanh chóng khắc phục các sự cố kỹ thuật trong tuần trước khiến niềm tin của NÐT tăng lên.

Bên cạnh đó, do thị trường đã tích lũy từ tuần trước khi các phiên chỉ đạt mức tăng nhẹ. Cuối cùng, phải kể tới nguyên nhân chính là tâm lý "đám đông" của NÐT khi đồng loạt mua vào nhiều mã CP mà chưa có những thông tin tốt đáng kể nào.

Vậy nên, thị trường nhanh chóng có sự điều chỉnh từ phiên giao dịch ngày 17-10 là điều được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. HASTC- Index xuống nhanh hơn trong phiên giao dịch ngày 18- 10. NÐT ào ạt bán ra mặc dù không có thông tin bất lợi nào tới thị trường. Ðiều này tạo ra hiệu ứng domino khi hầu hết CP đều giảm giá, bảng điện tử liên tục mầu đỏ.

Trong hai phiên giao dịch ngày 17 và 18-10, HASTC-Index đã giảm gần 15 điểm. Nhiều mã CP cũng mất hơn 50.000 đồng/CP. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính cách đầu tư kiểu "lướt sóng" của số đông NÐT đã khiến thị trường đảo chiều. Tuy nhiên, ở một góc độ nhìn nhận khác, việc nhiều CP có mức tăng rất cao trong nhiều phiên liên tiếp đã đến "ngưỡng" và tự điều chỉnh cũng là xu thế tất yếu của thị trường.

Với diễn biến này, nhiều dự đoán phiên giao dịch cuối tuần thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại khi HASTC-Index tăng mạnh (11,98 điểm). Trong phiên, hàng loạt CP đã tăng giá trở lại, trong đó có nhiều blue-chip.

Thị trường sẽ tăng trở lại?

Tuần qua, sàn Hà Nội trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo NÐT cũng như các chuyên gia. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là tại sao trong một thời gian ngắn, quy mô của sàn Hà Nội đã tăng gấp sáu lần và HASTC-Index liên tục tăng vững chắc? Phần lớn ý kiến đều chung nhận định rằng giá của các CP trên sàn Hà Nội vẫn ở mức thấp so với thời kỳ đỉnh cao hồi tháng 4-2007.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp niêm yết trên sàn khá tốt và thông tin minh bạch, ít bị "làm giá" so với sàn thành phố Hồ Chí Minh. Quy mô của nhiều doanh nghiệp niêm yết nhỏ nên việc tăng vốn trong tương lai là tất yếu. Cùng với xu thế đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm, HASTC-Index hoàn toàn có thể đạt mốc 400 điểm trong tương lai gần.

Cơ sở để tin tưởng vào điều này là mặc dù HASTC-Index giảm mạnh trong hai phiên liên tiếp nhưng KLGD và GTGD của thị trường vẫn ở mức cao. Có thể khẳng định, sự suy giảm của thị trường trong hai ngày 17 và 18-10 là do sự điều chỉnh của thị trường khi có sự chênh lệch đột xuất về cung - cầu, không phải do các yếu tố bất lợi từ hoạt động của doanh nghiệp niêm yết cũng như sự bất ổn của thị trường.

Tuần qua, ngoài những CP nhỏ tăng giá mạnh trong hai phiên đầu tuần, các CP lớn cũng gây ấn tượng mạnh cả về biên độ tăng - giảm giá cũng như tính thanh khoản cao khi nhiều mã blue-chip luôn có KLGD cao. Ấn tượng nhất phải kể tới SD7, đạt mức giá hơn 400.000 đồng/CP, vượt qua S99 thành CP trong nhóm Sông Ðà có thị giá lớn nhất.

Tính trung bình trong cả tuần, những CP "sáng giá" như PAN, EBS, PVS, HPC, MPC, NTP, BVS, SDA, VC2, SNG, S99, VSP, TLT, SD3, S64, TMX, SCJ... vẫn đem lại lợi nhuận cho không ít NÐT. Tuần tới, có thể những mã blue-chip sẽ tăng trở lại, giúp thị trường đi lên.

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường đang rất khó xác định nên NÐT cần tỉnh táo, đừng để cuốn theo tâm lý "đám đông" vì sẽ rất dễ bị thiệt hại khi thị trường nhanh chóng điều chỉnh như tuần qua, đặc biệt cần cân nhắc khi đặt mua giá trần những CP nhỏ.

ND