itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / “Bông hồng năng suất”

“Bông hồng năng suất”

“Bông hồng năng suất” Phan Thị Huyền của Công ty may Sài Gòn 3 (Tổng công ty Dệt may Gia Định) - Ảnh: Q.L.

14 năm giữa đất Sài Gòn, Phan Thị Huyền “chung thủy” với vai trò công nhân may để hôm nay luôn nằm trong tốp dẫn đầu “bông hồng năng suất” toàn công ty. Đến gặp Huyền, cô vẫn đều đặn tay máy, thỉnh thoảng lại ngước lên trò chuyện với khách. Giữa tiếng rè rè của cả trăm chiếc máy may công nghiệp là câu chuyện về cuộc đời và ước mơ giản dị của Huyền.

Phụ cha mẹ nuôi em

15 tuổi, Huyền bỡ ngỡ đặt chân đến Sài Gòn, mang theo mơ ước kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi bốn đứa em. “Thật sự lúc đó nhà khó khăn quá nên mình quyết định thi tốt nghiệp cấp II xong là nghỉ, xin học nghề may hai tháng ở quê để chuẩn bị cho ngày vào Sài Gòn. Cũng may nhờ cô bạn cùng quê có cha đang làm thuê trong Sài Gòn đi chung, cha mẹ mới tạm yên tâm gật đầu” - Huyền nhớ lại.

Rời Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) vào Sài Gòn, với nghề may mới chỉ biết vỏn vẹn trong hai tháng, phải vất vả lắm Huyền mới tìm được một chân trong xưởng may tư nhân. Đâu cũng phải chuyển tới lui năm, sáu chỗ làm, có khi do xưởng đóng cửa, có khi do tìm được nơi khác với đồng lương khá hơn, cuối cùng Huyền mới đầu quân về Công ty may Sài Gòn 3 từ năm 2007 đến nay.

Hồi mới vào Công ty may Sài Gòn 3, nhìn lên bảng thông tin thấy công ty vinh danh mấy anh chị làm được mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, Huyền ao ước một ngày cũng được như thế. Bắt đầu với công đoạn đơn giản trong chuyền may công nghiệp ngày ấy với Huyền cũng gian nan lắm. Cứ làm rồi học thêm, cái gì chưa rõ thì tìm mấy anh chị đi trước nhờ chỉ lại. “Không khí làm việc ở đây rất thân thiện, không phải tranh giành công việc với ai, người nào chưa biết thì những người đã biết luôn sẵn sàng chỉ lại, chẳng có gì là bí quyết riêng hay giấu nghề gì hết” - Huyền cho biết.

Những đồng lương vất vả kiếm được, cô dè sẻn chi tiêu, gửi về phụ cho mấy đứa em đi học. Cô em gái thứ ba thấy chị hai vất vả cũng xin cha mẹ cho theo chị vào Sài Gòn cùng làm sau khi hết lớp 9. Vậy mà lần lượt từ cậu em kế Huyền, đến cô em kế út và rồi cậu em út vào cao đẳng bằng khoản tiền chắt chiu từ ruộng đồng của cha mẹ và lao khó của hai người chị công nhân may.

Gửi mơ ước vào con

Nhiều năm liền cô công nhân Phan Thị Huyền luôn nằm trong số những “bông hồng năng suất” toàn công ty về năng suất, chất lượng sản phẩm cao. Lương của Huyền trung bình mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, có thời điểm trên 10 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - giám đốc xí nghiệp Thịnh Phước (Công ty may Sài Gòn 3), nơi Huyền làm việc - nhận xét: “Huyền không chỉ đạt năng suất cao mà mỗi sản phẩm dưới đôi tay của bạn ấy luôn đảm bảo chất lượng, đẹp. Vì đã làm qua nhiều công đoạn nên Huyền nắm tốt và hướng dẫn lại cho những bạn mới vào làm rất tốt. Có khi bộ phận kỹ thuật hướng dẫn các bạn mới chưa nắm rõ chứ Huyền chỉ một vài lần là các bạn hiểu ngay”.

Những tháng ngày xuôi ngược giữa Sài Gòn, Huyền và một chàng trai Vĩnh Long cũng là công nhân may đã tìm thấy nhau rồi nên duyên vợ chồng. Hai cuộc đời cùng cảnh xa quê ấy nương tựa vào nhau, xây dựng hạnh phúc trong xóm trọ công nhân cùng nụ cười của cậu nhóc nay đã 8 tuổi, đang học lớp 3. “Ngày xưa mình học hết lớp 9, chồng mình cũng chỉ học xong cấp III nên bây giờ quyết tâm phải lo cho con học tới nơi tới chốn” - Huyền bộc bạch.

Huyền làm tổ 4, còn chồng làm tổ trưởng một tổ khác cùng xí nghiệp. Hai vợ chồng cùng làm, cố gắng tiết kiệm tiền nhà thuê, ăn uống, học hành của con, chi tiêu hằng ngày trong số tiền lương của một người, phần người kia tích lũy dành khi có việc. Cô khoe hai vợ chồng có đi xem miếng đất nhỏ ở Bình Dương, cách chỗ làm chừng 20km, đang dành dụm thêm để mua rồi để dành tiếp cất ngôi nhà nho nhỏ, có chỗ đi về yên tâm gắn bó với công việc.

Sáng tranh thủ đưa con đến trường rồi vào làm, chiều Huyền được công ty cho chạy về đón con, gửi qua nhà một bà giáo về hưu cho con học thêm rồi tranh thủ trở lại công ty làm đến hết giờ. Thoáng chút ưu tư, Huyền tự nhận nhiều lúc thấy có lỗi vì chưa dành được cho cậu con trai nhiều thời gian hơn. Bù lại, ngày nghỉ cuối tuần hai vợ chồng dẫn con đi sở thú, khu vui chơi để con tiếp xúc với bên ngoài vì “khó khăn quá thì vợ chồng mình chắt chiu, tiết kiệm chứ con thì phải đầy đủ” - Huyền chia sẻ.

Vinh dự cuộc đời

Là gương mặt nữ duy nhất, lại là công nhân trực tiếp sản xuất trong số 12 người vừa được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi 2013, Huyền bảo đó là “vinh dự cuộc đời” mà chưa một lần nghĩ đến. Huyền tự nhận có chút tự ti vì lên nhận giải thưởng với toàn người có trình độ đại học, cao đẳng trong khi mình chỉ mới học hết lớp 9.

Từ kinh nghiệm của mình, Huyền tự bỏ bớt các thao tác thừa nên rút ngắn thời gian may mà vẫn đảm bảo sản phẩm đúng kỹ thuật, đường may đẹp rồi hướng dẫn cho các đồng nghiệp làm như mình. “Luyện tập để có thao tác gọn gàng, sử dụng chỉ may tiết kiệm, rời khỏi chỗ ngồi đưa tay tắt công tắc điện đã trở thành thói quen, những điều nhỏ ấy mình tự rút ra sau khi nghe những câu chuyện về thói quen tiết kiệm của Bác trên loa công ty mỗi ngày” - Huyền chia sẻ.

QUỐC LINH/ TUỔI TRẺ