itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Hoa sắt- tìm trong vốn cổ…

Hoa sắt- tìm trong vốn cổ…

Họa sỹ Trần Hậu Yên Thế.

Người Pháp gọi nó là “Lưới thép”, tôi nghĩ có thể thấy hoa văn trên sắt thép nên gọi là “hoa sắt” - vừa ngắn gọn, dễ hiểu lại đầy tính biểu cảm.

Tiến tới kỷ niệm ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, nhân dân Thủ đô anh hùng trong một nước Việt Nam mà ra ngõ cũng gặp anh hùng đều đang hướng mọi hoạt động đầy ý nghĩa vào ngày lễ hội lớn của dân tộc. Hòa mình vào không khí chung ấy nhưng không chút ồn ào, có một người vẫn trầm lặng với công việc của mình, rong ruổi khắp đường phố Hà Nội với chiếc máy ảnh cũ kỹ cùng cuốn sổ tay ghi chép chỉ để làm một việc: sưu tầm vốn cổ dân tộc - Hoa sắt. Anh chính là họa sỹ Trần Hậu Yên Thế - Giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu- Hà Nội). Hãy cùng lắng nghe những tâm sự của anh về loại hình nghệ thuật độc đáo này trong buổi trò chuyện với đại diện ItaExpress.

Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây

- Tại sao anh lại chọn Hoa sắt để nghiên cứu?

+ Ở trường tôi đang giảng dạy có một môn học mang tên “Nghiên cứu vốn cổ”. Theo tôi, muốn nghiên cứu một “vốn cổ” thì cần phải tìm được đúng nét đặc trưng tích hợp của Văn hóa Việt. Đó là lý do tại sao tôi chọn nghiên cứu Hoa sắt. Tuy nhiên, ngay tại trường, tôi cũng không được nhiều người ủng hộ vì theo họ, đó là công việc của bên Mỹ thuật Công nghiệp.

- Anh nghĩ ra tên gọi“Hoa sắt” hay đó là cụm từ dùng chung của những người nghiên cứu loại hình nghệ thuật này?

+ Bạn nghĩ sao? Người Pháp gọi nó là “Lưới thép”, tôi nghĩ có thể thấy hoa văn trên sắt thép nên gọi là “hoa sắt” - vừa ngắn gọn, dễ hiểu lại đầy tính biểu cảm.

- Anh đã gắn bó với công việc này được bao nhiêu năm?

+ Có lẽ vào khoảng những năm 90, tôi bắt đầu để ý đến hiện tượng này. Tôi lớn lên ở khu tập thể ở xa trung tâm thành phố. Ở đó không có hoa sắt, chỉ có song sắt thôi. Và tôi đã bị hút hồn vào một ô cửa sổ đẹp vào loại bậc nhất Đông Dương. Đó là hoa sắt ở ngôi nhà vị hiệu trưởng đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương - ngài Victor Tardieu.

Hơn mười năm nay, tôi đi khá nhiều nơi, kể cả nước ngoài. Tới đâu tôi cũng dòm dòm ngó ngó để tìm hiểu về loại hình văn hóa này. Sau mỗi chuyến đi, tôi lại nhận ra rằng, Hoa sắt ít nhiều phụ thuộc vào văn hóa từng vùng.

Hoa sắt ở cổng Nhà hát lớn- Hà Nội.

- Xin anh lý giải kỹ hơn điều đó…

+ Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây đã tạo nên nét đẹp ấy của Hoa sắt Hà Nội. Nhưng không phải sự giao thoa nào cũng đẹp. Trong hình học, chỉ khi hai đường tròn có cùng đường kính giao nhau thì mới có một hình giao thoa cân đối. Tôi nhận thấy văn hóa Việt Nam trong lần đối thoại đầu tiên với văn hóa phương Tây đã có một vị thế ngang hàng.

Mong giữ lại “của riêng còn một chút này”

- Theo anh, lịch sử Hoa sắt có từ bao giờ và nó được du nhập vào Việt Nam như thế nào?

+ Theo các phát hiện khảo cổ, từ 10.000 năm trước người Ai Cập đã biết dùng rìu sắt và thuổng để xây dựng hầm mộ và cung điện. Ở Châu Âu, từ thế kỷ 17, các nghệ sĩ và thợ rèn đã đưa Hoa sắt trang trí theo phong cách Barốc phát triển tới đỉnh cao huy hoàng nhất. Tới trào lưu Tân nghệ thuật (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20), sắt thép hoá thân thành hoa lá tạo nên vẻ diễm lệ, đài các cho các cánh cổng, hàng rào, lan can, ban công, cầu thang...

Còn ở xứ ta cho đến thời cận đại, sắt thép chỉ được dùng trong chế tác binh khí và công cụ sản xuất nhưng hiếm thấy trang trí nội ngoại thất của các gia đình. Những làng chuyên rèn sắt ở miền Bắc đều tôn thờ thánh sư Khổng Minh Không (thời Vua Lý Thần Tông 1128 - 1138), tương truyền cũng là vị sư tổ nghề đúc đồng. Nhưng nghề rèn vốn bị khinh rẻ là nghề hạ đẳng, chỉ biết làm cày, bừa, dao, kéo, rìu, búa... Có lẽ vì thế mà sử sách cũng ít ghi danh các nghệ nhân nghề này!

Sắt thép vốn không có trong kiến trúc người Việt đã mấy nghìn năm. Qua các bức ảnh tư liệu chụp từ những năm đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội, những khu phố ta như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Điếu... chủ yếu là vật liệu tre, gỗ. Không biết mất bao lâu, trong cuộc đối thoại Đông - Tây, hai bên đã "phát hiện ra nhau" và rồi, những người thợ sắt tài hoa đã nhanh chóng làm quen với kỹ thuật và cảm thức phương Tây, tạo nên vô số cửa đi, cửa sổ, lan can, ô thoáng, cổng sắt. Biến thể của các chữ Vạn, Thọ, Phúc trên các hoa văn cổng sắt, cửa sổ, cửa đi nói lên những ước vọng gì đây? Ngắm nhìn những song Hoa sắt, ta thấy được cả số phận và phẩm giá của Hà Nội. Những ngôi nhà tây đầu tiên ở Hà Nội hao hao kiến trúc nhà ở Paris (hay một vùng nào trên đất Pháp). Hoa văn trên cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) do kiến trúc sư Pháp G.Eiffel thiết kế rất mới lạ với dân bản xứ. Nếu các hoa văn theo thẩm mỹ Châu Âu truyền thống nặng tính kể tả, chú trọng cái hữu hình, thì các hoa văn của phương Đông lại giàu giá trị tượng trưng, chú trọng vào cái vô hình thể, sự trống rỗng.

Hoa sắt ở số nhà 70- phố Bà Triệu- Hà Nội.

- Anh có thể nói rõ hơn về cách làm hoa sắt của người xưa?

+ Cách làm hoa sắt thuở chưa có máy hàn được các người thợ kỹ lưỡng ghép sắt như ghép mộng gỗ rồi chốt lại bằng đinh rivê, sắt đa phần uốn nóng, sau cùng được mài giũa cẩn thận. Ông cha để lại cho chúng ta những kiệt tác như cổng Nhà khách Chính phủ, Phủ Chủ tịch, Ngân hàng Trung ương, cánh cửa 48 Tăng Bạt Hổ, 91 Đinh Tiên Hoàng, 50 Phù Đổng Thiên Vương, 70 Bà Triệu (căn nhà biệt thự này mới bị phá năm 2006). Và đặc biệt là cổng Đông Dương Học Xá ở 19 Lê Thánh Tông (xây từ 1923 đến 1925, nay là Đại học Quốc gia). Theo Giáo sư - Hoạ sỹ Nguyễn Trọng Cát, có thể chữ I và U lồng vào nhau là Institute Universitaire (Đại học Tổng hợp) hoặc Université de Lindochine (Đại học Đông Dương).

- Hiện số người nghiên cứu hoa sắt ở nước ta có nhiều không, thưa anh?

+ Không ít sách nghiên cứu nhưng phần lớn họ lấy tư liệu từ nước ngoài. Rất ít người chịu tìm tòi nghiên cứu ngay tại đất nước mình, tại nơi mình sinh sống. Điều đó khiến tôi hơi buồn nhưng biết làm thế nào được! Không được hỗ trợ nên tôi chỉ nghiên cứu một cách nhỏ lẻ vậy thôi. Nếu được chuyển thành một dự án lớn, có kinh phí đầu tư thì tôi sẽ làm một cách quy mô hơn và sớm công bố công trình của mình với mong muốn góp chút sức lực vào việc kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi đã từng tìm đến đội phá dỡ đồ cũ ở nghĩa trang Văn Điển (đường 70) để chụp ảnh những cánh cửa được họ dỡ và đưa về đây. Chụp ảnh rồi nghiên cứu nó. Ngoài ra tôi còn tìm đến những nhà chơi cửa cổ với mong muốn cùng họ giữ lại “của riêng còn một chút này”.

Sẽ ra mắt cuốn nghiên cứu “Đồ án hoa văn đền Vua Đinh - Lê”

- Anh có dự định sẽ công bố công trình nghiên cứu Hoa sắt của mình không?

+ Tôi sẽ cho công bố trong thời gian sớm nhất. Sắp tới đây tôi và họa sỹ Nguyễn Đức Hòa sẽ cho công bố cuốn nghiên cứu Đồ án hoa văn đền Vua Đinh- Lê”. Cuốn sách này do Công ty Enter Việt Nam tài trợ. Tôi cũng xin bật mí là cuốn Hoa sắt Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX cũng đã chạm ngõ Enter Việt Nam rồi.

Hoa sắt ở trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam- 42 Yết Kiêu- Hà Nội

- Sinh viên của anh có biết thầy đang nghiên cứu Hoa sắt không? Họ đón nhận công việc này như thế nào? Và theo anh, giới trẻ đón nhận những di sản văn hóa dân tộc ra sao?

+ Tôi có thiết kế mẫu áo phông in hình hoa sắt 42 Yết Kiêu. Sinh viên ai cũng thích nhưng không biết hoa văn ấy từ đâu ra, mặc dù nó ở ngay trong sân trường mình. Tôi nghĩ cách đặt vấn đề về di sản Mỹ thuật ở trường chưa được ổn lắm. Câu hỏi “di sản có ích lợi gì cho công việc hiện nay?” không quan trọng bằng “công việc của mình hiện nay có ích lợi gì cho di sản dân tộc?”. So với thời Mỹ thuật Đông Dương, khung chương trình và phương pháp giảng dạy hiện nay “Tây học” hơn 80 năm trước rất nhiều.

Cần có quyết tâm và hành động cụ thể

- Theo anh, cần làm gì để gìn giữ nét văn hóa truyền thống này?

+ Nghề sắt mỹ thuật đất Hà Thành là một di sản văn hoá cần được tôn vinh. Chúng ta cần có quyết tâm và hành động cụ thể để khôi phục diện mạo phố phường Hà Nội với hệ thống Hoa sắt cực kỳ phong phú, cũng như nghề sắt mỹ thuật đã bị mai một. Công việc này bắt đầu từ việc chụp ảnh, làm các bản dập, tiếp đến là công tác hệ thống, xác định thời gian, phân loại đối chiếu với các hệ thống Hoa sắt ở Pháp và Trung Hoa cùng thời gian đó, tiến hành khảo sát các phường thợ, các làng nghề rèn ở Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng ta nên chú trọng đầu tư cho những nghệ nhân làm hoa sắt để họ giữ lại vốn cổ này. Ngoài ra cần có sự kết hợp của nhiều người, nhiều ngành… mới hy vọng giữ lại được vốn cổ của ông cha.

- Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!

Giáng Tiên

(thực hiện)