itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Những “đại gia” mía

Những “đại gia” mía

Anh Lê Hữu Mừng đang chăm sóc cho vườn mía sắp đến ngày thu hoạch

Với những kinh nghiệm có được, tại thôn Thọ Phú (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), đã xuất hiện những gương làm giàu từ cây mía và người dân nơi đây gọi với cái tên trìu mến : “đại gia” mía.

Trồng mía không phải là việc làm mới mẻ với người nông dân miền núi xứ Thanh, nhưng để làm giàu từ cây mía cũng không phải là dễ.
Gieo mầm ước mơ
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ông Lê Hữu Mừng cũng như nhiều gia đình khác trong thôn Thọ Phú luôn bị cái nghèo bám riết, ước mơ làm giàu luôn là niềm mong mỏi của người dân nơi đây. Vì vậy, khi mô hình trồng mía được triển khai về quê hương, ông cũng như nhiều bà con khác đã hăng hái tham gia. Tiếp chúng tôi, ông Lê Hữu Mừng tâm sự về chuyện làm giàu từ cây mía.
Lúc đầu gia đình ông chỉ trồng ngô, lúa, khoai sắn.
Năm 1985, theo chủ trương của địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mô hình phát triển kinh tế hàng hóa, ông đã dầu tư vốn để trồng mía nguyên liệu với diện tích trên 2 ha. Năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm trong việc canh tác và kỹ thuật gieo trồng nên năng suất và sản lượng cây mía còn kém. Bên cạnh đó, lúc đầu do thị trường gặp nhiều biến động, giá mía thu mua vào khá thấp nên đời sống của gia đình ông và người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Hàng trăm ha mía bị phá bỏ, người dân quay về trồng cây hoa màu như xưa.

Anh Lê Năng Hòa đang phun thuốc trừ rệp hại lá mía tại vườn gia đình

Ông Mừng kể: những năm đầu vì gia đình không nắm rõ được kỹ thuật nên cây mía không được phát triển. Nhiều vụ mía, khi thu hoạch xong cũng chỉ đủ trang trải tiền giống, tiền phân bón, tiền thuê nhân công… Sau những vụ mùa thất bát, tôi luôn trăn trở vì sao mía của người khác lại cho năng suất cao, làm giàu từ cây mía, còn mình lại không?”.
Từ đó, ông Mừng quyết tâm tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng mía cho năng suất cao. Các cuộc hội thảo giới thiệu giống mía mới cũng như các lớp tập huấn ông đều tham gia và áp dụng cho mía nhà mình. Sau mỗi lần như vậy, ông lại rút ra một kinh nghiệm, nhờ đó mía nhà ông dần được cải thiện, năng suất vụ sau luôn cao hơn vụ trước.
Những vụ tiếp theo, ông đến Công ty lấy giống, phân bón về trồng đúng quy trình khoa học kỹ thuật nên năm nào mía của gia đình cũng phát triển tốt và sản lượng tăng. Đồng thời, gia đình trồng thêm ngô, đỗ, lạc, sắn phục vụ chăm nuôi gia cầm.
Để ổn định đầu ra cho cây mía, ông Mừng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, và được công ty đầu tư vốn, cây giống và hỗ trợ kỹ thuật. Điều này càng làm cho ông an tâm đầu tư mở rộng diện tích mía.
Với hơn 4 ha mía, vụ 2010 - 2011, anh Mừng thu được trên 300 tấn mía cây. Với giá 1 triệu đồng/tấn , tổng thu nhập từ mía trừ mọi khoản chi phi của ông Mừng là vào khoản 200 triệu đồng. Nhờ thu nhập từ cây mía, ông đã mua sắm được nhiều thiết bị, máy móc hỗ trợ cho việc canh tác, trồng mía. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư vào xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở rộng các hình thức làm ăn khác và mang lại hiệu quả rất cao.
Nhờ sự táo bạo, năng động và sự nhiệt tình, ông Lê Hữu Mừng đã được bà con tin tưởng giao cho việc đứng ra làm Chủ nhiệm Hợp tác xã mía đường Như Áng, lo mọi cây giống, phân bón và đầu ra cho gần 100 ha mía với năng suất mỗi vụ đạt 6-7 ngàn tấn với giá mía hiện nay đạt được trên 6 tỉ đồng.
Không chỉ thành công với mô hình trồng mía, làm giàu cho gia đình mình, ông còn giúp đỡ nhiều gia đình khác trong thôn cùng thoát nghèo như gia đình anh Lê Văn Quân, Lê Văn Hải...Ông Mừng đã đầu tư không lấy lời và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động là người dân trong thôn với mức thu nhập từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, ông đang là thành viên của Hiệp hội mía đường Lam Sơn - Thanh Hóa. Với những thành tích, đóng góp cho sự phát triển cây mía ở địa phương, ông đã được Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn tặng danh hiệu “Cây mía vàng Lam Sơn” niên vụ 2004 -2005, được Bộ NN & PTNT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh phục vụ ngành công nghiệp mía đường giai đoạn 2001 – 2005.

Cây mía đã làm thay đổi vùng quê nghèo này

Bên cạnh đó, năm 2010, ông Lê Hữu Mừng còn được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen với thành tích xuất sắc trong sản xuất và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa ...
Trong tương lai, diện tích cây mía sẽ được mở rộng và thâm canh trên vùng đất Thọ Phú nói riêng và các địa phương trong huyện Ngọc Lặc nói chung . Sau gần 30 năm lận đận cùng cây mía, hiện nay gia đình ông Mừng và nhiều người dân khác của vùng quê này đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mong rằng nhờ cây mía sẽ có thêm nhiều thôn Thọ Phú nữa sẽ thoát nghèo thành công.
Vượt khó đi lên, làm giàu
Nói đến nghề trồng mía ở Thọ Phú, ai cũng biết đến đôi vợ chồng trẻ, anh Hà Ngọc Sơn và chị Lê Thị Dung. Cũng như bao người khác, sau khi lập gia đình, anh chị được bố mẹ cho một diện tích đất nhỏ ra ở riêng, làm hoa màu. Trải qua hàng chục năm vật lộn với khó khăn, hiện nay gia đình anh đã trở thành triệu phú trồng mía nơi đây. Với 6 ha đất canh tác, mỗi năm gia đình anh trồng được gần 400 tấn mía cây để nhập nguyên liệu cho nhà máy và thu về hơn 300 triệu đồng.
Nhờ thu nhập cao từ cây mía, gia đình anh Sơn cũng đã xây mới được ngôi nhà khang trang, mua sắm được phương tiện đi lại và mở được cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng để phục vụ cho nhu cầu của người dân trong thôn và các vùng khác. Vụ mía 2011- 2012, gia đình anh còn mở rộng thêm diện tích mía thâm canh, nhằm tăng năng suất và mang lại thu nhập cao.

Nhờ thu nhập từ mía mà gia đình anh Hà Ngọc Sơn xây dựng được ngôi nhà mới khang trang

Hay gia đình anh Lê Năng Hòa và chị Lê Thị Nghệ đã có trên 20 năm gắn bó với cây mía. Ban đầu do giá mía thấp và trồng mía không có hiệu quả, gia đình anh chỉ trồng gần 1 ha. Vài năm trở lại đây, khi mà cây mía đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực, gia đình anh đã mở rộng diện tích trồng lên 2,5 ha. Mỗi năm trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình anh thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. Nhờ thu nhập từ cây mía mà gia đình anh Hòa đã nuôi được ba đứa con học đại học.
Anh Hòa tâm sự: là vùng đất đồi, nhiều sỏi đá, muốn trồng được mía không phải là chuyện đơn giản. Nhưng nhờ tích cực trong việc cải tạo và chăm sóc tốt mà nhiều năm liền mía đã cho năng suất cao. Theo anh Hòa, nhờ trồng nhiều giống mía mới nên năng suất, chất lượng tốt, dù giá mía có hạ thì gia đình cũng không phải lỗ vốn. Theo kinh nghiệm của anh Hòa, nếu giá mía năm nay hạ thì năm sau nhất định sẽ tăng vì sẽ có nhiều người bỏ mía để chuyển sang các cây trồng khác...
Hiện nay, tại vùng quê này còn có rất nhiều hộ gia đình được người dân đặt cho cái tên là “đại gia” trồng mía. Điển hình như hộ gia đình anh Lê Văn Nam với diện tích trồng hơn 5ha, thu nhập hằng năm của anh từ cây mía từ 200 - 300 triệu đồng. Ngoài ra, hiện tại ở thôn Thọ Phú cũng có nhiều hộ gia đình cũng có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng từ cây mía như hộ anh Bùi Văn Quyết, Bùi Văn Hắc, Lê Văn Hiệp, Trần Văn Thiện.. .
Có thể thấy rằng , cho đến nay, Thọ Phú với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã làm cho địa bàn ngày càng xuất hiện những triệu phú trồng mía. Họ đã nắm bắt được thời cuộc và vươn lên bằng chính sức lao động và đôi tay của mình.
Việc đồng loạt đưa cây mía vào canh tác đã tạo ra nguồn nguyên liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Và cũng chính từ đó, cây mía đã trở thành cây chủ lực, giúp vùng quê này thoát nghèo một cách nhanh chóng, dần góp phần vào sự phát triển chung của quê hương.

Theo Thanh Ngọc
Tầm nhìn