itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Giá nông sản tăng cao và nỗi lo của nhà nông

Giá nông sản tăng cao và nỗi lo của nhà nông

Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu v.v… liên tục tăng khiến người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng này vui mừng.

Cung và cầu chênh lệch đẩy giá cao chót vót

Vào khoảng cuối tháng 2/2008, giá cà phê robusta xuất khẩu loại II dao động trong khoảng 1.870-1.940 USD/tấn, tăng trên 10% so với đầu năm 2008 và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường trong nước, giá cà phê cũng liên tục tăng, có khi đạt 42.000 đ/kg, xấp xỉ mức kỷ lục năm 1995.

Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá cà phê tăng cao là do nguồn cung trên thế giới giảm vì các nước trồng cà phê chính bị mất mùa, chỉ đạt khoảng 124 triệu bao, trong khi nhu cầu lên đến 125 triệu bao. Riêng tại Việt Nam sản lượng cà phê niên vụ 2007-2008 chỉ đạt 900.000 tấn, giảm hơn 100.000 tấn so với niên vụ trước đó.

Về mặt hàng hồ tiêu, giá xuất khẩu mặt hàng này đã lên đến 3.200 USD/tấn, tăng 200 USD so với cùng kỳ năm trước. Giá hồ tiêu trong nước đã lên đến 53.000 đồng/kg. Nước ta hiện tiếp tục giữ vị trí thứ nhất trong xuất khẩu tiêu trên thế giới. Tuy nhiên trong năm qua, do thời tiết xấu cộng thêm nhiều sâu bệnh nên sản lượng giảm khoảng 10%. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, cho rằng sẽ duy trì được mức giá cao cho đến 3 năm sau vì hồ tiêu VN chiếm đến 60% lượng cung toàn thị trường.

Còn theo Hiệp hội Điều VN, hiện nay đang vào mùa thu hoạch điều đầu vụ giá trên 16.000 đồng/kg điều thô. Giá điều nhân xuất khẩu hiện trên 2,5 USD/kg. Nguồn cung điều thô trong nước chỉ khoảng 350.000 tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất của các nhà máy lên đến 600.000 tấn, do đó các doanh nghiệp sản xuất phải nhập thêm khoảng 200.000 tấn mới đủ sản xuất.

Có nguyên nhân do nhiều nước đã chạy theo phát triển công nghiệp, dịch vụ, tốc độ đô thị hoá cao, lấn đất trồng lúa; nông dân bỏ ruộng đất sang làm công nghiệp, dịch vụ để có thu nhập cao hơn.

Cánh đồng ngô mùa sai trái

Giá nông sản tăng nhưng nông dân “méo mặt”!

Tin giá nông sản tăng cao, nông dân chưa kịp vui thì nỗi lo lại ập đến khi trong cơn bão giá của thị trường trong nước, hàng loạt chi phí đầu vào đều tăng giá. Xăng dầu cho tưới tiêu, phân bón, thức ăn chăn nuôi… đều “chạy” theo giá bán, lại thêm rủi ro từ dịch bệnh, sâu bệnh luôn rình rập. Thêm vào đó, hiện nay sự gắn kết giữa người nông dân với các doanh nghiệp vẫn rất lỏng lẻo và tình trạng tư thương ép giá nông dân vẫn còn phổ biến.

Theo nhận định, hiện giá cả mà người tiêu dùng phải trả so với giá nông dân bán cho thương lái chênh lệch khá xa, trên dưới 50%, có khi đến 70%. Đó là chưa nói đến phải qua nhiều tầng nấc trung gian trước khi đến tay doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi vậy thực chất với mặt bằng giá nông sản cao như hiện nay giá trị lợi nhuận của người nông dân nhận được vẫn không nhiều.

Tận dụng cơ hội như thế nào?

Giá nông sản tăng cao là một cơ hội tốt cho nền nông nghiệp Việt Nam với 70% dân số sống bằng nghề nông. Tuy nhiên phải đề cập đến một thực tế là các mặt hàng nông sản hiện nay chỉ xuất khẩu thô, chất lượng chưa cao nên chưa khai thác hết được giá trị. Bên cạnh đó là tình trạng gian lận thương mại vẫn diễn ra, xuất khẩu hàng kém phẩm chất đã ảnh hưởng đến uy tín của nhiều doanh nghiệp. Thêm nữa là vấn đề thương hiệu vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều mặt hàng nông sản của nước ta khi đến tay người tiêu dùng các nước đã phải mang mác… của một nước khác.

Theo nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, để phát triển bền vững các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực phải coi trọng việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Như với cây cà phê, giá tăng cao đã khiến nhiều nhà nông thu hái quả xanh, quả non làm giảm chất lượng xuất khẩu. Hiện tại đã có tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 trong phân loại cà phê xuất khẩu nhưng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp áp dụng. Hoặc như với cây điều cần có chiến lược hỗ trợ nông dân thay đổi giống, áp dụng các giống cao sản, cũng như tái đầu tư trồng mới nhằm gia tăng năng suất. Nhà nước nên tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông dân, nông dân và Nhà nước trong thu mua nông sản, đặc biệt tránh cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến giá cả và chất lượng sản phẩm.

Từ tình hình này, Việt Nam cũng cần rút ra bài học cho mình về hai mặt. Một mặt, cần tránh lấy đất lúa làm việc khác, bảo vệ diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng ngô, giảm diện tích trồng sắn để bảo đảm an ninh lương thực trong nước (vì mỗi năm vẫn tăng trên 1 triệu người) và tranh thủ thời cơ giá thế giới tăng cao.
Mặt khác, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong khuôn khổ 10% giá trị nông nghiệp theo phạm vi mà WTO cho phép để giảm chi phí đầu vào, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề, chế biến làm tăng giá trị nông sản...

Ngọc Bích (tổng hợp)