itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Tỉ giá “hại” nông sản

Tỉ giá “hại” nông sản

Số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 158,6 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 77,7 tỉ USD, tăng 9,3%. Tuy nhiên, các mặt hàng nông thủy sản chủ lực như gạo, cà phê, tôm, cá... lại giảm mạnh cả về giá trị lẫn sản lượng.

Giảm ở hầu hết các thị trường

Chỉ riêng mặt hàng cà phê giảm đến 36% về lượng và 35,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt hơn 684.000 tấn, trị giá 1,4 tỉ USD. Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh, đặc biệt thị trường châu Âu (EU) vốn chiếm trên 50% tổng lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam nhưng 6 tháng đầu năm giảm đến 23,24% so với cùng kỳ.

Dù lượng gạo xuất khẩu trong tháng 6 tăng 4,5% so với tháng trước nhưng kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm chỉ hơn 3 triệu tấn, giảm 7,8% so với cùng kỳ. Đơn giá xuất khẩu mặt hàng này cũng giảm 4,6% nên kim ngạch chỉ đạt 1,29 tỉ USD. Các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng gạo đều giảm mạnh, trong đó thị trường Trung Quốc giảm 9,1% và Philippines giảm tới 39,5%.

Với mặt hàng thủy sản, các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Nhật Bản đều giảm mạnh kéo kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm chỉ còn hơn 3 tỉ USD, giảm 15,2% (tương ứng 537 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong các mặt hàng thủy hải sản, tôm giảm mạnh nhất do mất giá 30% từ đầu năm đến nay. Ngoài yếu tố giá tôm Việt Nam năm ngoái lên cao, nay quay đầu điều chỉnh giảm, còn do sức mua ở các thị trường trọng điểm suy yếu. Trong khi đó, tôm của các nước như Ấn Độ, Indonesia... đang vào thu hoạch rộ, được mùa, bán giá rẻ càng khiến thị trường dò đáy. Thêm nữa, đồng euro mất giá mạnh so với USD trong khi đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tính bằng đồng USD. Kết quả, thủy hải sản Việt Nam đến tay người tiêu dùng ở châu Âu giá cao hơn nhiều, không cạnh tranh nổi với hàng các nước. “Chất lượng thủy sản của Việt Nam không có vấn đề, chủ yếu do tỉ giá và sức mua từ thị trường mà cả 2 yếu tố này doanh nghiệp (DN) đều không kiểm soát được” - ông Hòe bộc bạch.

Cân nhắc lại chính sách tỉ giá

Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản chủ lực giảm mạnh là điều bất thường và đáng lo ngại. Nhiều năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ở lĩnh vực này chủ yếu nhờ gia tăng sản lượng nhưng nay đã đến ngưỡng.

TS Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng đối với các mặt hàng cà phê, hồ tiêu, cao su cần xây dựng hướng đến ngành xuất khẩu tập trung quy mô lớn, hiện đại và có tính cạnh tranh quốc tế cao. Muốn vậy, phải phát triển ngành hàng theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại. Nên xây dựng thương hiệu quốc gia cho cà phê, hồ tiêu và đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất chất lượng theo VietGAP, GlobalGAP... “Việc sử dụng thương hiệu quốc gia sẽ tăng giá trị sản phẩm và là công cụ để quản lý chuỗi liên kết trong ngành hàng” - ông Quang lý giải.

Một yếu tố góp phần làm giảm giá và lượng xuất khẩu các mặt hàng này được đề cập nhiều là tỉ giá. Nửa đầu năm, đồng USD tăng giá mạnh đã tác động đến nhu cầu ở những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích nông dân và DN đang chịu tác động kép không chỉ vì giá xuất khẩu giảm mà còn do đồng USD tăng giá. “Chẳng hạn trước đây, mặt hàng gạo có giá 100 USD/tấn, nay nhu cầu thị trường giảm khiến giá chỉ còn 90 USD/tấn. Do VNĐ bị định giá cao hơn giá trị thực nên khi quy đổi ra tiền đồng nông dân chẳng còn bao nhiêu” - ông Hiển nhận định.

Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng nhiều lần khuyến cáo việc VNĐ tăng giá âm thầm làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Ảnh hưởng tăng giá thực của VNĐ lên hàng xuất khẩu đang thúc giục sự cân nhắc lại chính sách tỉ giá. Bởi điều chỉnh với biên độ hẹp như vừa qua là quá thận trọng, làm suy yếu DN trong nước.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam:

Nên bán cái người ta cần

Từ đầu năm đến nay, các thị trường xuất khẩu cà phê cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Brazil đều phá giá mạnh đồng nội tệ của nước họ lên tới 30% nhằm hỗ trợ xuất khẩu, do đồng USD mạnh lên. Ngược lại, chúng ta duy trì chính sách ổn định và chỉ điều chỉnh tỉ giá tăng 2% thì không thể cạnh tranh nổi.

Những ngành hàng xuất khẩu nào sản xuất trong nước đều “chịu trận vì tỉ giá” bởi riêng yếu tố này, hàng Việt Nam giá bán phải cao hơn hàng hóa các nước cùng xuất khẩu thì không thể nói đến yếu tố cạnh tranh. Riêng mặt hàng hồ tiêu, nhờ Việt Nam chi phối được thị trường nên không bị tác động. Chúng ta bán cái người ta cần sẽ chủ động hơn về giá và thị trường. Với mặt hàng cà phê, loại cà phê thế giới tiêu dùng nhiều nhất là Arabica nhưng Việt Nam chỉ chiếm thị phần xuất khẩu khoảng 18% nên phải phụ thuộc các thị trường nhập khẩu, giá cả bấp bênh.

V.Phong

“Điểm sáng” vẫn cần hỗ trợ

Trong nhóm hàng nông nghiệp xuất khẩu, điểm sáng đến thời điểm này có lẽ là mặt hàng trái cây. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu 2, đơn vị phụ trách mở cửa thị trường khó tính gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 2.588 tấn trái cây các loại gồm thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải... với mức tăng hơn 42% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thanh long được xuất nhiều nhất với hơn 2.131 tấn. Riêng quả vải cập nhật đến giữa tháng 7 cũng xuất được 23 lô, khối lượng hơn 35 tấn dù là năm đầu tiên được Úc, Mỹ mở cửa thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Việt Nam đã đàm phán và tiếp tục mở cửa đưa trái cây đến các thị trường khó tính. Sau vải thiều, tháng 9 tới sẽ mở cửa cho quả xoài vào Úc. Đài Loan cũng mở cửa lại cho trái thanh long Việt Nam hay New Zealand sắp nhập chôm chôm, vú sữa... Riêng thị trường EU, cả 28 nước thành viên đều sẵn sàng cho phép nông sản Việt Nam nhập vào với điều kiện doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm, không có chất độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng...

Dù vậy các DN vẫn không ít “tâm tư” khi gặp quá nhiều khó khăn trên hành trình đưa trái cây Việt xuất ngoại. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết ngoài trái thanh long, tình hình xuất khẩu trái cây từ đầu năm đến nay khá khó khăn, ít đơn hàng vì phải né mùa chính vụ của các nước như Mexico, Thái Lan, Indonesia... So với các nước, giá trái cây của Việt Nam khá rẻ nhưng loại đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu lại rất ít và giá thành cao do chi phí nguyên liệu, vận chuyển, chiếu xạ rất lớn.

Việt Nam chưa có những vùng chuyên canh trái cây lớn nên việc kiểm soát nguồn nguyên liệu của DN gặp nhiều khó khăn. Không ít lần có đơn hàng nhưng DN không tìm được nguyên liệu theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ở các thị trường khó tính, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã rất cao nhưng Việt Nam chưa có quy trình, công nghệ chuẩn để bảo quản trái cây tươi thời gian dài, vận chuyển xa mà không phải dùng thuốc bảo quản. “Phần lớn DN xuất khẩu phải tự mày mò, tìm hiểu và làm theo kinh nghiệm nên tỉ lệ rủi ro cao, có những lô hàng đến nơi không thể bán được vì xuống màu, DN coi như mất trắng. Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu các công nghệ bảo quản thay vì để cho DN tự bơi như hiện nay” - bà Thu đề nghị.

Ngọc Ánh