itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Chuyển đổi cây trồng ở Lộc Giang

Vài ý kiến về việc chuyển đổi cây trồng trên vùng Lộc Giang

Ảnh: Đinh Trần

LTS: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho phù hợp với tình hình mới là một trong những nhu cầu tất yếu của tình hình kinh tế hiện nay. Đối với bà con nông dân, việc nuôi con gì và trồng cây gì luôn là vấn đề trăn trở.

Thời gian qua, Itaexpress nhận được một số bài viết về vấn đề này của anh Đinh Văn Chăn (Đinh Trần), kỹ sư nông nghiệp dự án Ita Rice, Itexpress xin trích đăng như một sự trân trọng. Hy vọng những bài viết của kỹ sư Đinh Văn Chăn có thể hữu ích tới độc giả đang quan tâm về lĩnh vực nông nghiệp trong quá trình tham khảo.

Đặc điểm của xã Lộc Giang

Lộc Giang là vùng đất cực đông của huyện Đức Hoà, tiếp giáp với các xã An Ninh Tây, An Ninh Đông của Huyện Đức Hoà, một phần diện tích được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Đông và tiếp giáp với xã An Hoà của huyện Trảng Bàng – Tây Ninh. Là địa bàn cao nhất của tỉnh Long An (cao 8m so với mực nước biển), đặc điểm địa hình của 2/3 diện tích là đất gò cao và phần còn lại là triền và đất trũng.

Khí hậu chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa, mưa nhiều, với lượng mưa trung bình hàng năm là 1.805 mm, nhiệt độ trung bình là 27,70C. Nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu là sông Vàm Cỏ Đông và nhờ vào nguồn nước xả của hồ Dầu Tiếng và nguồn nước ngầm.

Nhìn chung, khí hậu có nhiều thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng như độ chiếu sáng, độ ẩm cao,… ít bị ảnh hưởng của thiên tai.

Đất gò cao chủ yếu là đất xám bạc màu, nhiều năm về trước bà con trồng đậu phộng là chính, những năm gần đây, do cây đậu phộng bị sâu bệnh tấn công mạnh, nhất là bệnh héo dây làm diện tích giảm đáng kể. Người dân chuyển sang trồng cây đay, sự thay đổi này tỏ ra hiệu quả vì cây đay ít bị sâu bệnh, năng suất cao. Thời gian đầu giá hạt đay rất cao, có thời gian lên đến gần 40.000đ/kg hạt, về sau giá thất thường vì chủ yếu hạt được cung cấp cho vùng Mộc Hóa, Thạnh Hóa làm giống. Gần đây nhất người dân trồng cây thuốc lá, cũng tương tự như cây đay, cây thuốc lá tỏ ra có lợi nhuận cao trong giai đoạn đầu vì tại địa phương đã có nhà máy sơ chế thuốc lá, tuy nhiên về sau cây trồng này đã ít hấp dẫn với người dân bởi nó cần nhiều công lao động, việc phân loại sản phẩm thuốc lá của nhân viên trạm thu mua lại làm cho người dân không đồng tình và cây thuốc lá mau làm kiệt đất. Còn những loại cây trồng khác như cây ăn trái và rau có diện tích ít và theo mùa và tỏ ra chưa thích hợp với vùng đất này vì nhiều nguyên nhân.

Một thực tế khác là nhiều lao động nông thôn ra đầu quân cho các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Trảng Bàng càng làm cho việc sản xuất nông nghiệp lại càng khó khăn hơn

Sự lựa chọn thích hợp

Trong hoàn cảnh đó, cây trầm hương (cây dó bầu) xuất hiện như là một sự lựa chọn thích hợp hơn cho nhiều người. Cây dó bầu còn gọi là cây trầm hương, cây tóc…là một loại cây rừng, có sức sinh trưởng mạnh, ít tốn công chăm sóc, một năm bón phân 1-2 lần, ít sâu bệnh…Cái được lớn nhất của cây dó bầu là giải quyết được tình trạng khan hiếm lao động nông thôn và có tiềm năng cho thu nhập cao. Theo tính toán của nhiều công ty thì lợi nhuận của 1 ha cây dó bầu (1000 cây) dao động từ 1-3 tỉ đồng và được gọi là cây siêu lợi nhuận.

Hiện nay trên thị trường cây giống có nhiều công ty cung cấp như: Công ty Phong Sang, Tinh Đất Việt, Miền Đông Xanh, Dó Bầu Hương... Qua tìm hiểu của tôi giá dao động từ 6.000đ/cây- 25.000đ/cây. Mỗi công ty có phương thức hợp tác riêng với nhà vườn, trong đó đáng lưu ý là phương thức hợp tác 5/5 của Công ty Dó Bầu Hương có cam kết giải quyết đầu ra cho cây dó bầu với công nghệ tạo trầm đã đăng ký độc quyền sáng chế.

Tuy nhiên bà con khi có ý định trồng cây dó bầu cần lưu ý đây là cây trồng mới và các nhà khoa học đang vào cuộc để phát triển công nghệ sản xuất trầm hương nhân tạo, hiện có một vài công trình khoa học về chiết xuất tinh dầu trầm, nổi bậc là công trình của viện Công nghệ hóa Học Tp.HCM, nhưng chưa đi vào sản xuất đại trà.

Đinh Trần