itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Giới tính / Báo động bạo hành trẻ em

Báo động bạo hành trẻ em

Bạo hành có thể để lại những sang

chấn tâm lý cho trẻ. (Hình minh họa:

Corbis).

Liên tiếp các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em gần đây xuất hiện trên mặt báo khiến vấn đề trở nên nóng bỏng, gây bất bình dư luận. Một điều không thể phủ nhận là, những đứa trẻ bị bạo hành chịu ảnh hưởng rất lớn về tinh thần và thể chất.

Đau lòng những vụ bạo hành

Chưa ai quên được cái chết thương tâm của em bé 18 tháng tuổi (TPHCM) do bị bảo mẫu dán băng keo bịt miệng đến tắt thở, học trò lớp 3 tại Hà Nội bị cô giáo tát vì quên viết hoa đầu dòng hay học sinh mầm non bị cô giáo tát sưng mặt do không chịu ăn…

Gần đây nhất là vụ “mẹ mìn trông trẻ” bạo hành các cháu ở Biên Hòa, Đồng Nai khiến dư luận xôn xao, trào dâng niềm căm phẫn lớn.

Những hành vi phản giáo dục xuất hiện trong chính ngành giáo dục, những hành động bạo lực, ngược đãi trẻ em chưa có khả năng tự vệ xuất phát từ phía những người lớn, thậm chí ngay từ chính cha mẹ các em đang ngày càng khiến xã hội phải giật mình.

Hậu quả của bạo hành trẻ em không hề nhỏ: Có những em chịu thương tổn về thể chất, có em sang chấn tâm lý mạnh phải điều trị lâu dài, hay có trường hợp bị dồn đến mức hoảng, tự tử bằng thuốc trừ sâu…

Thực trạng thế nào?

Một nghiên cứu ở Việt Nam (Dự án đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em) cho thấy bạo lực trẻ em tồn tại ở những dạng hình thức khác nhau. Lạm dụng thân thể là hình thức phạt đánh bằng công cụ (roi, gậy…) khi trẻ mắc lỗi hoặc khi người trừng phạt muốn trẻ học tập tiến bộ hơn.

Về ngược đãi tâm lý trẻ em, phổ biến là hình thức lạm dụng ngôn từ. Ngược đãi, bạo hành về tinh thần hay thể xác đều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này của trẻ. Có những di chứng không bộc lộ ra ngay mà dần hình thành trong cách ứng xử sau này của trẻ.

Nhiều trường hợp trẻ em bị cha mẹ đánh đập do tuổi thơ chính cha mẹ các em cũng bị ngược đãi nên họ lại theo lối mòn ấy mà dạy con.

Theo một nghiên cứu của viện tâm lý học, các giáo viên sử dụng các hình thức trừng phạt bằng bạo lực, đe dọa bắt nguồn từ tập quán, truyền thống văn hóa thế hệ trước để lại.

Theo nếp nghĩ của người Việt Nam, người thầy rất có quyền uy, sức mạnh. Nhiều phụ huynh còn quan niệm rằng: “Phải đánh mới nên người”. Bởi thế có phụ huynh thậm chí ủng hộ cô giáo đánh đòn con mình như một biện pháp trừng phạt giúp trẻ biết lỗi và lần sau không mắc nữa.

Trong trường hợp này, chính những người lớn đã thiếu kiến thức về sự phát triển của trẻ. Họ không có khả năng phát hiện những nhu cầu và không biết về giới hạn của trẻ trong từng thời kỳ phát triển.

Một nguyên nhân khác là người thầy bị áp lực công việc, không thể kiềm chế khi học trò mắc sai phạm. Những tức giận, bực bội khi ấy thường đổ hết lên đầu trẻ.

Thạc sĩ Tâm lý học Lưu Lịch cho biết: “Vấn đề ở đây là Quyền trẻ em và quan niệm của người lớn về giáo dục trẻ bằng roi. Chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến trẻ. Ngoài ra, người lớn cũng thiếu phương pháp giáo dục, chưa tìm được phương pháp thay thế cách giáo dục bằng roi.

Bởi thế, định hướng nâng cao nhận thức về phương pháp giáo dục con cái, quyền trẻ em, giới hạn quyền người lớn, nâng cao kỹ năng giáo dục trẻ, cung cấp thêm kiến thức về các phương pháp giáo dục thay thế, đến nay, là điều quan trọng nên làm”.

Cha mẹ cần làm gì?

Cha mẹ là những người gần gũi với trẻ, tạo cho trẻ sự tin cậy và an toàn. Nhưng nhiều trẻ khi bị cô giáo đánh ở trường do quá lo sợ nên không dám nói ra. Trẻ về nhà thường có biểu hiện lo lắng, thu mình, thậm chí cáu gắt. Khi ấy cha mẹ cần bình tĩnh, không nên quá áp đặt hay hỏi nhiều khiến trẻ càng lo sợ.

Hãy trao đổi để trẻ tự nói ra những suy nghĩ trong đầu và tìm cách giúp đỡ trẻ.

Bảo vệ chăm sóc trẻ, đưa trẻ đi bệnh viện nếu có tổn thương về thể chất và thường xuyên theo dõi trẻ. Bảo vệ bằng pháp luật nếu cần thiết.

Khuyến khích, động viên, vỗ về trẻ, thể hiện lòng yêu thương đối với trẻ.

Gặp trực tiếp giáo viên và nhà trường đề nghị chuyển trẻ sang môi trường mới, giúp trẻ quên đi những hình ảnh bị bạo hành.

Dạy trẻ cách nhận biết đúng sai để trẻ có khả năng tự tin nhìn nhận vấn đề.

Trước bất cứ biểu hiện khác thường nào của trẻ về mặt tâm lý, cha mẹ cũng cần phải đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân và có cách can thiệp kịp thời.

Theo Dân Trí