Pakistan: Chính phủ mới đứng giữa ngã ba đường
Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) - đảng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Pakistan hôm 18/2 đang có những cuộc tiếp xúc với các đảng khác để thành lập một chính phủ mới.
Có một câu hỏi thu hút sự chú ý của nhiều người là: chính phủ mới của Pakistan do PPP dẫn đầu sẽ quyết định thế nào với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng?
Hôm thứ Hai (25/2), một vụ đánh bom tự sát đã giết chết bác sĩ phẫu thuật hàng đầu của quân đội Pakistan, cùng với 7 người khác tại thành phố quân sự Rawalpindi. Đây là vụ đánh bom đầu tiên bên ngoài vùng Tây Bắc bất ổn kể từ cuộc tổng tuyển cử 18/2. Trung tướng Mushtaq Ahmed Baig, trưởng quân đoàn quân y của Pakistan, là sĩ quan quân đội cấp cao nhất bị các chiến binh sát hại cho tới nay. Ông thiệt mạng cùng với hai nhân viên khác và 5 người đi đường.
Vụ đánh bom tự sát lại một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi về cuộc chiến chống khủng bố tại Pakistan - nơi ngày càng có nhiều vụ tấn công liều chết xảy ra trong những tháng gần đây.
Kể từ sau sự kiện 11/9, Pakistan trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ trong ’’cuộc chiến chống khủng bố’’. Mỹ hy vọng chính phủ mới của Pakistan sẽ tiếp tục chính sách chống khủng bố của Tổng thống Pervez Musharraf.
Sau thắng lợi của PPP trong cuộc tổng tuyển cử, Washington đã cử các chuyên gia lobby tới Pakistan, với nỗ lực thuyết phục chính phủ mới tiếp tục hợp tác với Mỹ trong cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố.
Đồng Chủ tịch PPP, ông Asif Ali Zardari tuyên bố rằng, chính phủ mới sẽ hợp tác hơn nữa với Mỹ trong cuộc chiến này nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh, Pakistan sẽ tự mình thực hiện nỗ lực chống khủng bố chứ không phải dựa vào Mỹ. "Chúng tôi đang tự mình chiến đấu chống khủng bố’’, ông Zardari nói.
PPP cũng kêu gọi chính phủ Pakistan ngừng hành động quân sự tại tỉnh Balochistan.
Nhân viên an ninh Pakistan xem xét hiện trường một vụ đánh bom tự sát tại Rawalpindi (Ảnh AFP/Tân Hoa xã) |
Mỹ cho rằng, phía bắc Balochistan là nơi ẩn náu của al Qaida và lực lượng Taliban. Chính phủ Pakistan đã thực hiện hành động quân sự quy mô lớn chống lại các chiến binh nổi dậy trong khu vực.
Người dân thì ngày càng thể hiện sự bất mãn với việc hợp tác giữa Pakistan và Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Một cuộc thăm dò dư luận do Học viện Cộng hòa Quốc tế tiến hành hồi tháng 1 cho thấy, mặc dù có tới 73% người dân Pakistan được hỏi đồng ý rằng, các phần tử cực đoan là vấn đề nghiêm trọng với Pakistan, nhưng có tới 89% người được hỏi khẳng định họ phản đối việc Pakistan hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Con số này vào tháng 9/2006 mới chỉ là 43%.
Với rất nhiều người Pakistan, cuộc đối đầu với các phần tử Hồi giáo cực đoan là ’’cuộc chiến của Mỹ’’.
Theo nhiều nhà phân tích, vai trò của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu là nhân tố đáng kể khiến nhiều người Pakistan bỏ phiếu chống lại ông Musharraf.
Cũng có người nói rằng, một chiến lược thành công chống lại các phần tử nổi dậy phải bao gồm nhiều cách thức hơn là hành động quân sự, như chi dùng nhiều hơn cho giáo dục, đào tạo việc làm và an sinh xã hội.
Quan điểm mới của người dân sẽ là nhân tố ảnh hưởng tới chính sách chống khủng bố của chính phủ mới tại Pakistan do PPP dẫn đầu. PPP khẳng định, chính phủ mới sẽ ’’với tới’’ người dân ở các khu vực bộ lạc Tây Bắc nhưng bác bỏ việc đối thoại với các phần tử cực đoan.
"Tehrik-e-Taliban’’, một tổ chức cực đoan ở Pakistan, với lãnh đạo là Baitullah Mehsud - người mà các quan chức Pakistan cũng như Mỹ cho là đứng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, đã công khai tuyên bố sẵn sàng đối thoại với chính phủ mới nhằm thảo luận về các biện pháp đem lại hòa bình cho khu vực Tây Bắc.
Hơn 80.000 lính Pakistan đang tham gia cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khu vực này.
"Tehrik-e-Taliban’’ cũng thúc giục chính phủ mới từ bỏ chính sách chống khủng bố của Tổng thống Musharraf, và đe dọa sẽ thực hiện nhiều vụ tấn công hơn nếu chính phủ mới tiếp tục theo đuổi chính sách này.
Đáp trả lại, lãnh đạo PPP, ông Zardari khẳng định, chính phủ mới sẽ ’’với tới’’ người dân sống ở các bộ lạc Tây Bắc và đem lại ’’dân chủ, cải cách’’ cho khu vực, nhưng bác bỏ bất kể cuộc đối thoại nào giữa chính phủ của ông và lực lượng vũ trang có al-Qaida hỗ trợ.
Các nhà phân tích cho rằng, sự ủng hộ của Mỹ là rất cần thiết với PPP ở tư cách là đảng nắm vai trò chủ yếu trong lãnh đạo đất nước, điều đó có nghĩa là chính phủ mới sẽ tiếp tục hợp tác với Washington ở cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, cũng theo giới phân tích, chính phủ mới ở Pakistan sẽ không đi quá xa khả năng hợp tác cùng Mỹ và giữ khoảng cách với chính sách chống khủng bố của ông Musharraf.
Theo Kỳ Thư / VietNamNet
Tin đã đăng
- Công lý sẽ chiến thắng
- Phía sau câu chuyện Kosovo độc lập
- NATO sẽ tấn công hạt nhân để ngăn chặn hạt nhân?
- Năm 2007, năm đột phá của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
- Serbia trước cuộc bầu cử quan trọng và nhạy cảm
- Châu Âu nín thở trước bầu cử Mỹ
- Người giàu xuống đường
- Trung Quốc + Ấn Độ = đối tác chiến lược
- Bắt đầu chọn ứng viên tổng thống Mỹ
- Bầu cử Mỹ: có Trời mới biết