itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 21 của Ataturk?

Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 21 của Ataturk?

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đang có cơ hội đưa đất nước mình vào một thời kỳ dung hòa tôn giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang chứng minh được rằng Hồi giáo và dân chủ có thể cùng tồn tại.

Vào ngày 22/7, cuộc bầu cử quốc hội đột xuất dưới sức ép của quân đội nước này tưởng chừng như đưa đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Recep Tayyip Erdogan vào tình huống xấu nhưng hóa ra lại là cơ hội để AKP biết rằng họ được sự hậu thuẫn rất lớn từ dân chúng. Và như thế đảng Hồi giáo trung dung này đã quay trở lại chiếc ghế cầm quyền với tư thế mạnh hơn.

Tuy nhiên, vấn đề giữa tôn giáo và quyền lực nhà nước vẫn là một vấn đề nổi cộm tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ mới mùa xuân vừa qua, vấn đề này cũng đã đe dọa chia năm xẻ bảy Thổ Nhĩ Kỳ. Đảng cầm quyền AKP khi đó đã đề cử ông Bộ trưởng Ngoại giao, một người Hồi giáo mộ đạo, vào vị trí tổng thống nhưng ngay sau đó đã có những cuộc biểu tình nổ ra vì vợ của ông này đeo khăn choàng đầu - điều này theo hiến pháp vốn bị cấm tại những khu vực công cộng. Lực lượng quân đội đã có ý chuẩn bị cho một cuộc lật đổ.

Phải nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ coi mình như người bảo vệ cuối cùng các nguyên tắc của truyền thống thế tục được hình thành kể từ năm 1923, khi nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại được thành lập bởi Mustafa Kemal Ataturk. Quân đội thường được coi là thể chế đáng tin cậy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ và đã từng lật đổ 4 chính phủ kể từ năm 1960 nên là một thế lực hoàn toàn có thể áp đặt mọi luật chơi chính trị ở nước này .

Trước diễn biến này, Thủ tướng Erdogan đã khôn khéo tránh khỏi sự sụp đổ của chính phủ có thể xảy ra bằng cách kêu gọi bầu cử quốc hội sớm. Nay ông đã trở lại cầm quyền với một đảng AKP mạnh hơn bao giờ với gần 47% dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, tăng mạnh từ con số 34% vào đợt bầu cử vào năm 2002.

Bỏ qua yếu tố tôn giáo, không có gì khó khăn để thấy rằng AKP đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Dưới thời của AKP, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng bình quần 7% mỗi năm, tình trạng lạm phát kinh niên đã được kiểm soát và đầu tư nước ngoài hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên kể từ những năm 1950, người dân Thổ Nhĩ Kỳ không phải bỏ nước mà đi tìm việc ở các nước châu Âu khác.

Về chính sách đối với khu vực, AKP đã bền bỉ theo đuổi cho vị trí thành viên chính thức của EU, đã đưa vào thực hiện nhiều cải cách về pháp luật và quân đội. AKP cũng đã đàm phán với những người Kurd thiểu số và ông Erdogan có vẻ đang tìm ra một giải pháp ngoại giao đối với vấn đề khủng bố của người Kurd tại Iraq.

Nhưng tất nhiên là không thể nào bỏ qua yếu tố tôn giáo. Hơn một nửa dân số Thổ Nhĩ Kỳ đã không bỏ phiếu cho AKP. Nhiều người lo ngại rằng đảng này có kế hoạch bí mật dần dần Hồi giáo hóa một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Erdogan đã cố gắng trấn an những mối lo này bằng cách nhấn mạnh tính ôn hòa của đảng AKP. Lời phát biểu của ông nhân dịp đảng AKP tái đắc cử rất tinh tế và đáng tin tưởng: "Niềm vui của chúng tôi không thể và không nên là nỗi buồn đối với những người không suy nghĩ như chúng tôi". Ông cũng đã nhấn mạnh "những giá trị chuẩn mực" gắn kết người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong một "đất nước pháp quyền, dân chủ và thế tục."

Nhưng chỉ nói là không đủ! Phải cần có những hành động mới có thể thuyết phục được những người còn hoài nghi. Cơ hội đầu tiên của Erdogan là công việc đề cử ứng cử viên cho vị trí tổng thống thay thế Tổng thống thế tục Ahmet Necdet Sezer. Ông đã tỏ ý thỏa hiệp và sẽ sáng suốt lựa chọn một nhân vật mà những thế tục có thể chấp nhận được.

Mặc dù vừa trải qua một cuộc bầu cử xuất phát từ sự tranh cãi về Hồi giáo, nhưng những người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại không nghe thấy cuộc thảo luận nghiêm trọng nào về vấn đề tôn giáo và nhà nước. Đảng đối lập thì lùi bước trước những người theo trào lưu chính thống và Erdogan thì tránh hoặc phủ nhận chủ đề này. Tuy nhiên, sự tranh cãi của người dân là điều không tránh khỏi. Ngày càng nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đi theo Hồi giáo (gần 50% dân số). Nhiều người muốn các quyền được mở rộng hơn, không chỉ về vấn đề khăn choàng đầu tại những nơi công cộng mà còn cả sự đối xử công bằng đối với những người theo học tại những trường học tôn giáo.

Thủ tướng Erdogan phát biểu: "Ưu tiên cơ bản của chúng tôi là đạt được và vượt qua mức độ hiện đại của nền văn minh được vị anh hùng Ataturk nhắm tới." Đó là thử thách của Erdogan để chứng kiến một Thổ Nhĩ Kỳ mới, một đất nước tôn trọng bình đẳng quyền lợi của những người thế tục và Hồi giáo.

Thanh Huyền