itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Trước thềm Concours mùa thu 2007: Thiếu vắng những nhóm nhạc "có máu mặt"

Trước thềm Concours mùa thu 2007: Thiếu vắng những nhóm nhạc "có máu mặt"

Diễn ra từ 4 đến 14-11 tại Nhạc viện Hà Nội, cuộc thi Tài năng âm nhạc trẻ mang tên Concours mùa thu 2007 được đánh giá là "cuộc thi của đẳng cấp". Điều đáng nói, trong số 8 nhóm nhạc dự thi ở bộ môn hòa tấu thính phòng thì có tới 7 nhóm là "quân" của Nhạc viện Hà Nội, hoàn toàn vắng bóng những nhóm nhạc có "máu mặt".

Bận hay là... không quan tâm?

Đặt câu hỏi này, chính nhạc sĩ Vũ Duy Cương, thành viên BTC và BGK cuộc thi cũng tỏ ý băn khoăn: "Mặc dù là cuộc thi tài năng âm nhạc trẻ, giới hạn độ tuổi dưới 24 nhưng chúng tôi đã mở rộng độ tuổi của thí sinh dự thi ở nội dung hòa nhạc thính phòng giao hưởng đến ngưỡng dưới 40.

Điều này thể hiện sự quan tâm của cơ quan quản lý nghệ thuật đối với các diễn viên, nhạc công hoạt động trong biên chế các dàn nhạc giao hưởng.

Trên thực tế có không ít các nhóm tam tấu, tứ tấu hoạt động khá tích cực trên các sân khấu và tụ điểm biểu diễn âm nhạc. Nhiều nhạc công, diễn viên trưởng thành từ dàn nhạc của các đơn vị đào tạo và nghệ thuật biểu diễn được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT; nhiều người đoạt giải thưởng cao trong các concours âm nhạc quốc gia, khu vực và quốc tế.

Gọi là có "máu mặt" thì phải kể đến các nhóm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam... Tiếc là họ lại không có mặt trong cuộc thi này. Lý do là "bận diễn". Nhưng thử hỏi loại hình nghệ thuật này hiếm khi biểu diễn vùng sâu, vùng xa, nếu bận diễn cũng chỉ ở Hà Nội hoặc các thành phố lớn, vậy thì tại sao lại bỏ lỡ cơ hội để khẳng định mình không phải là "áo gấm đi đêm"? Chỉ có thể giải thích, lãnh đạo các đơn vị này chưa thực sự quan tâm đến nghệ sĩ của họ để tạo điều kiện cho nghệ sĩ thi thố, giành giải thưởng chuẩn bị cho những cuộc vinh danh sau này. Hoặc, các nghệ sĩ đã bằng lòng, thỏa mãn....

Gút lại danh sách với 107 thí sinh, trong đó có 23 thí sinh thi violin, 52 thí sinh thi piano và 8 nhóm nhạc.

Vì có tới 7/8 nhóm nhạc mang "phiên hiệu" Nhạc viện Hà Nội; nên mọi người cho rằng cuộc thi ở nội dung này là cuộc đua "nội bộ" của Nhạc viện Hà Nội.

Thi tác phẩm Việt Nam - cảnh báo một thực trạng

Đề bài bắt buộc đối với các thí sinh dự thi ở cả ba nội dung (độc tấu piano, violin, hòa tấu nhạc thính phòng giao hưởng) là phải chơi một tác phẩm Việt Nam theo danh sách chọn sẵn của BTC. Cái lý của việc "bắt buộc" này là để tạo bản sắc Việt Nam cho cuộc thi và khuyến khích các nhạc sĩ đầu tư nhiều hơn cho âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam.

Nhưng trên thực tế, sự "bắt buộc" này còn xuất phát từ một thực trạng mang tính cảnh báo khác mà những người trong BTC biết nhưng không muốn nói ra. Đó là chất lượng các tác phẩm của Việt Nam chưa cao, chưa hay. Vì chưa hay nên việc phổ biến để có thể cạnh tranh tạo một thương hiệu, dù nhỏ bên cạnh các tác phẩm nổi tiếng của thế giới là một việc khó khăn. Do ít phổ biến, nên đôi khi trở thành "lạ tai" và "khó thẩm định" đối với BGK - cũng có thể đây chỉ là suy nghĩ của riêng các sinh viên trường nhạc.

Thế nên, không chỉ các sinh viên, mà ngay cả những người đã có danh cũng ngại chơi các tác phẩm Việt Nam. Trong khi đó "ngăn kéo", "hộc tủ" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì có cả trăm bản nhạc chưa có người đụng đến. Năm nào cũng có đầu tư cho việc sáng tác loại nhạc này, có trại sáng tác, có diễn báo cáo, trao giải, nhưng theo ông Cương thì trong số 30 - 40 tác phẩm được sáng tác hằng năm thì chỉ có khoảng 1/10 bản được diễn báo cáo. Mà mới chỉ là báo cáo trong giới làm nghề chứ chưa có yếu tố "công chúng" ở đây.

Mặt khác, cũng có thể vì chưa hay (có thể thôi), nên các trường đào tạo âm nhạc cũng không quan tâm đầu tư tìm kiếm những tác phẩm mới, đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác, nên cả chục năm sau, tìm lại giáo trình của các trường thì vẫn chỉ có ngần ấy tác phẩm Việt Nam, trong khi nếu chịu tìm kiếm, đặt hàng sáng tác thì đã có thể có nhiều tác phẩm mới chất lượng. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến nhạc giao hưởng thính phòng không có bước tiến mới và chỗ đứng mới trong sự phát triển chung của nghệ thuật nước nhà, khi mà đầu ra luôn "bế tắc"?

Mặc dù vậy, đây vẫn là cuộc thi mà giới chuyên nghiệp chờ đợi và kỳ vọng bởi nó được tổ chức sau 10 năm "im hơi lặng tiếng" và những tài năng đăng quang từ cuộc thi lần trước như Bùi Công Duy đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam.

 

Trong lúc piano có tới 52 thí sinh đăng ký thì việc tìm kiếm đủ số người thi ở hai bảng nội dung độc tấu violin khá chật vật: Bảng A: 14 thí sinh, Bảng B: 9. Chẳng có gì bất ngờ, bởi thực tế đào tạo ở các trường cũng đang phải đối mặt với bài toán không dễ giải. Đó là các môn học thanh nhạc, sáng tác, piano "đầu vào" khá rầm rộ; còn violin, kèn... thì đỏ mắt trông thí sinh thi vào. Đơn giản chỉ vì piano là một trong số ít nhạc cụ có thể đàn thay thế một dàn nhạc; còn sáng tác, thanh nhạc là "nghề" đang hót theo độ nóng của thị trường âm nhạc. "Đầu ra" khả quan nên "đầu vào" xôm tụ là điều dễ hiểu. Sự mất cân đối trong đào tạo đã tạo ra sự mất cân đối về thí sinh ở các cuộc thi mà cụ thể là Cuộc thi Tài năng âm nhạc Concours mùa thu 2007.