itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Hành trình nhà mồ Tây Nguyên

Hành trình nhà mồ Tây Nguyên

Nguồn: Nhandan.com.vn

Nhà mồ là cách ứng xử của cộng đồng người sống Tây Nguyên đối với người chết bao gồm nghi lễ ma chay. Họ tin rằng linh hồn người chết không thể từ thế giới bên kia trở về thế giới bên này để họp mặt cùng con cháu đang sống, cùng con cháu chia sẻ bữa cơm gia đình dưới một mái nhà.

Hay nói cách khác họ không có hình thức thờ phụng tổ tiên như người Kinh. Mà họ chỉ “quan hệ” với người đã khuất trong thời gian nhất định, từ khi người ấy trút hơi thở cuối cùng cho đến lúc đi hẳn khỏi trần gian.

Làng ma

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên phân chia khu vực cư trú của mình thành 2 phần: Làng chính cống, tức khu vực của người sống còn làng phụ là khu vực cư trú của người chết. Khu vực cư trú của người chết bao giờ cũng áp sát khu vực của người sống về phía Tây. Trục Đông Tây là con đường nối liền người sống với thế giới của thần linh, là mặt phẳng của trần gian, là ranh giới giữa cái sống – chết, ánh sáng và bóng tối.

Mấy chục năm trở lại đây nhà mồ và tượng mồ Tây Nguyên chỉ còn tập trung chủ yếu ở ba tộc: Bana, Êđê, Gia rai, Mnông và Xơ đăng. Họ đều là những cư dân nông nghiệp canh tác lúa rẫy mỗi năm chỉ thu hoạch một mùa vào tháng 11 và 12 sau đó là thời gian nghỉ ngơi. Trước khi bước sang chu kỳ trồng trọt mới bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4. Trong thời gian nông nhàn người ta tổ chức ăn tết theo từng làng với nhiều lễ tục như cầu an, cúng lúa mới, đặc biệt là lễ bỏ mả thường rộ vào tháng 2, 3. Người ta gọi đây là mùa bỏ mà.

Hiện vật trong nhà mồ của người Cơtu. Ảnh: nhandan.com.vn

Giai đoạn chưa bỏ mả, có thể là một năm hoặc nhiều hơn thế, tuỳ tập quán của từng tộc người. Trong giai đoạn chưa bỏ mả người sống phải thường xuyên chăm sóc người mới khuất, cung cấp thức ăn hàng ngày cho người chết ngay ở mả và cộng cảm với người chết qua cúng bái. Quan trọng nhất là phải dựng một ngôi nhà che nấm mồ với những biểu hiện ngoại hình gắn với quan niệm về thế giới của tộc người, trong đó chứa đựng con đường dẫn linh hồn người chết qua thế giới bên kia.

Trong áo quan được mái nhà mồ che chở, người chết nằm dài trên trục Đông Tây, đầu về phía mặt trời mọc, chân về phía mặt trời lặn, nghĩa là mặt hướng về phía tây, phía âm u. Không gian linh thiêng quanh nhà mồ được một hàng rào tượng gỗ bao quanh, đây là hạn định khu vực linh thiêng cho từng ngôi mộ được bố trí thành một hình chữ nhật theo hướng Đông Tây và lối ra vào bao giờ cũng ở mặt Đông của hình chữ nhật.

Tại lối ra vào mặt Đông của từng nhà mả có hai pho tượng hoàn toàn khác nhau, một nam và một nữ đứng cạnh hai bên lối đi, ngó mặt vào nhau ở một tư thế sinh động nhất. Vào lúc bình minh trong những ngôi nhà mồ, mặt trời mọc lên, các tia sáng ban mai đầu tiên dọi vào không gian linh thiêng, soi sáng cả đôi nam nữ. Có lẽ phải sống những giây phút tương tự như thế người ta mới nhận ra được, mới cảm được cái linh của những nghi lễ ma chay ngay giữa nhà mồ. Những con người chưa kịp thoát khỏi thân cây, khỏi lòng thiên nhiên vốn chứa sự sống bỗng đọng lại khi gặp trời đất, ánh sáng, trong những tư thế chưa kịp nói lên một hành động rõ nghĩa nào, những đường viền đơn sơ, những khối mộc mạc, tuy có lúc thô ráp nhưng tổng hoà lại thành một bố cục khá độc đáo. Sự sống và cái chết mặc dù đối lập nhau nhưng không phản bác nhau, trái lại bổ sung cho nhau, nối tiếp nhau, cái này sinh thành cái kia.

Trong nghĩa địa của làng, mỗi người chết thường được chôn một mộ riêng, ít trường hợp chôn 2 đến 3 người nhưng tộc Gia rai lại có tục chôn kế tiếp từ 3 đến 4 người trong một quan tài, nhiều quan tài chôn vào một mộ bởi vậy có những mộ 30- 40 người. Theo quan niệm của họ, kể từ khi tử thi được chôn cất, ma trú ngụ ngay tại nhà mồ trong nghĩa địa. Về sau nó sẽ hành trình tới sống với tổ tiên ở thế giới ma - thế giới của người chết ở một nơi xa xôi, mơ hồ. Người ta tin rằng ma sẽ không ở mãi thế giới đó, về sau nó sẽ trở lại làm người bằng cách nhập vào một đứa trẻ mới sinh thuộc dòng họ người quá cố.

Lễ bỏ mả chính là để tiễn biệt ma sang thế giới bên kia- thế giới của ma. Sau khi làm lễ bỏ mả, người vợ hoặc người chồng goá sẽ hết giai đoạn tang chế đồng thời cũng chấm dứt quan hệ vợ chồng với người đã chết. Thời gian này thường sau mai táng 3 năm hoặc lâu hơn. Ỏ các làng Gia Rai nhiều trường hợp kéo dài tới 10 năm.

Tang gia tổ chức việc bỏ mả một cách chu đáo, trọng thể theo phong tục cổ truyền. Lễ bỏ mả diễn ra sôi động ngay trong nghĩa địa, đây thực sự là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người dân trong làng. Trước kia, mỗi cuộc bỏ mả thường kéo dài 5- 7 ngày đêm, ngày nay khoảng 3 ngày đêm. Để tổ chức bỏ mả, tang gia phải ủ sẵn nhiều rượu cần, trâu bò lợn gạo đồng thời có sự tham gia giúp đỡ như một tập tục của toàn thể dân làng và bà con gần xa. Tuỳ theo mỗi gia đình, lễ bỏ mả thường đông tới mấy trăm người, giết thịt hàng chục con trâu con bò, rượu cần hàng trăm ché. Nếu người chết thuộc dạng khá giả có vị thế trong làng, thì lễ bỏ mả còn lớn và linh đình hơn.

Hiện vật trong nhà mồ của người Cơtu. Ảnh: nhandan.com.vn

Trung tâm của lễ bỏ mả là ngôi nhà mồ mới bao quanh và trùm lên mộ. Nó được nghệ nhân trong làng làm và trang trí công phu, giành nhiều thời gian công sức và tài nghệ để tạo dựng ngôi nhà mới thật đẹp cho người chết. Nhà mồ với những tượng mồ được dựng lên ngay trước lễ bỏ mả và chỉ để phục vụ mấy ngày lễ bỏ mả còn sau đó người ta bỏ cho mưa nắng dãi dầu và nó sẽ bị huỷ hoại dần theo năm tháng, ngay cả ngôi mộ cũng không được thăm nom như trước kia.

Kiến trúc của người chết

Kiến trúc của nhà mồ không hoàn toàn giống nhau có loại đơn giản có loại cầu kỳ với nhiều hoa văn. Nó nổi bật từ xa, trên nóc phô ra nhiều hoa văn vẽ hoặc đan. Các mép mái thường có thanh gỗ ốp, chúng tạo thành từng đôi, bắt chéo nhau tại nóc. Theo truyền thống Tây Nguyên, người ta thường dùng ba màu trang trí nhà mồ là đen, đỏ và trắng. Mỗi nhà mồ kiểu cổ truyền là một công trình nghệ thuật đích thực tuy mộc mạc thô sơ nhưng hài hoà và đặc sắc.

Tượng mồ là một trong những tác phẩm điêu khắc độc đáo và phong phú: có tượng người cả nam cả nữ ở những tư thế và tình huống khác nhau, có tượng con vật, tượng đồ vật trong đó những tượng liên quan đến chủ đề sinh thành chiếm số lượng đáng kể.

Mái nhà của nhà mồ có cơ cấu phát triển theo chiều cao, trong đa số các trường hợp làm bằng tre đan. Tuỳ theo mỗi dân tộc trang trí theo hình thù riêng. Mái nhà của người Ba Na mang hoa văn hình học với hai mặt phẳng chính còn của người Gia Rai mang hoa văn hiện thực với các loại cây, động vật. Mỗi một loại hoa văn với cách sắp xếp khác nhau là một gợi ý về vũ trụ luận. Có thể đó là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và các thiên thể. Người Ba Na gọi cột là Klao mà họ quan niệm là đường dẫn linh hồn người chết lên trời, họ còn gọi các vật trang trí bên ngoài là mặt Nar (mặt trời), mặt Khei (mặt trăng).

Cùng với những chuyển biến trong cuộc sống của các dân tộc, nhà mồ và tượng mồ có khá nhiều thay đổi. Ở nhiều nơi đã thấy phổ biến những nhà mồ làm theo hướng đơn giản, ít trang trí hơn và sử dụng những vật liệu mới như lợp bằng tôn, ngói hoặc phủ vải trắng thay vì mái cỏ tranh hay ván với phên nan tre, xây tường gạch và quét vôi ve thay vì dựng vách nhà và hàng rào bằng gỗ tròn đồng thời người ta cũng thêm vào những màu mới dùng sơn công nghiệp để tô vẽ, còn tượng thì ít dần đi nhưng ngày một phong phú về đề tài. Bên cạnh những dạng tượng quen thuộc cổ truyền, người ta cũng đưa hình ảnh cuộc sống đương thời vào thế giới tượng mồ như: người lính phương Tây, cô y tá, thợ chụp ảnh, học sinh, bộ đội,… Nhưng họ vẫn làm tất cả chỉ bằng chiếc rìu, con dao, cái đục.

Nhà mồ Tây Nguyên là một phần vô cùng quan trọng và rất đặc sắc trong văn hoá cổ truyền của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nó vừa là văn hoá vật thể, vừa là văn hoá phi vật thể, vừa có giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, lại vừa có ý nghĩa về dân tộc, tôn giáo. Gắn liền với nhà mồ và tượng mồ là hàng loạt các yếu tố văn hoá của cư dân Tây Nguyên.

V.H