itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Ðiện ảnh Việt Nam trước câu hỏi lớn

Ðiện ảnh Việt Nam trước câu hỏi lớn

Sau những câu hỏi của nhà điện ảnh lão thành, người hơn 40 năm trước đây đã cùng đồng nghiệp mình là đạo diễn, NSND Trần Vũ làm nên một Con chim vành khuyên bất tử, chúng tôi quan sát thấy trong hội trường những nét ưu tư bỗng hiện lên trên nhiều gương mặt khả kính và nghiêm túc.

Vâng, tại sao chúng ta lại không tính đến việc phim ta tham gia và đăng quang tại các liên hoan phim điện ảnh quốc tế danh giá ấy?

Theo cách nghĩ còn hạn chế của chúng tôi, điện ảnh Việt Nam không thiếu những tài năng lớn, phương tiện kỹ thuật công nghệ trong những năm gần đây cũng đã được trang bị nhiều máy móc tối tân; điều kiện và vốn liếng làm phim cũng đã được cởi mở hơn, đã thỏa mãn được phần nào nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ. Ðiều đó được thể hiện ở các đợt nghệ sĩ mang phim ra nước ngoài làm kỹ xảo, làm hậu kỳ, điều đó còn được thể hiện ở nhiều thành phần kinh tế xã hội tham gia làm phim. Cái chúng ta còn đang thiếu đó là những cuộctập hợp lớn, những cuộc chụm đầu đông đúc để cùng nhau nghĩ ngợi ra những đường hướng mới mang tính đột phá, tạo bước ngoặt đưa những cánh diều điện ảnh lên cao.

Nhìn lại lịch sử điện ảnh thế giới, chúng ta thấy những cuộc chụm đầu trăn trở, đau đớn nghĩ suy, toan tính và cả "rửa hận dân tộc" nữa để tạo nên những bước chuyển ngoạn mục.

Cuộc "rửa hận" lần thứ nhất thuộc các nhà điện ảnh Mỹ. Những năm đầu thế kỷ XX cả nước Mỹ vùi đầu vào xem phim của điện ảnh Pháp. Những nhà điện ảnh dân tộc của Mỹ không cam chịu tình trạng này và họ đã nghĩ ra mô hình rạp chiếu bóng bình dân, với giá vé vào rạp là đồng 5 cent bằng kền nên cũng còn gọi là rạp Kền và sản xuất ra loại phim với kinh phí rẻ đưa vào chiếu ở các rạp này. Nhờ có kiểu tích lũy tư bản theo hình thức nhặt nhạnh mà trong vòng có bốn năm, từ 1905 đến 1909, nước Mỹ đã xây dựng được 10 vạn rạp Kền, sản xuất được hàng nghìn bộ phim có độ dài từ 10 đến 50 phút. Ðây là cuộc tập dượt tích lũy tư bản để điện ảnh Mỹ làm nên bộ phim Sự ra đời của một quốc gia nổi tiếng, thu lãi hàng trăm triệu đô-la và đặt nền móng cho cách làm phim hoành tráng, phim hấp dẫn người xem của Hollywood cho đến tận bây giờ.

Cuộc chụm đầu lớn lần thứ hai thuộc về điện ảnh Liên Xô trước đây mà nhà viết sử điện ảnh thế giới tài ba Googiơ Sadoun gọi là "Cuộc bùng nổ Xô Viết lần thứ nhất ". Chúng ta đều biết rằng, sau Cách mạng Tháng Mười nước Nga bị bao vây, phong tỏa và xâm lược trên mọi phương diện, trong đó điện ảnh là một tâm điểm mà kẻ thù của nước Nga tập trung nhiều mũi nhọn để đột kích. Ðứng trước tình hình đó, các nhà điện ảnh Nga đã có một cuộc tập hợp vĩ đại làm nên một chùm phim khiến cả thế giới phải nghiêng mình. Ðó là Chiến hạm Pachômkin, Người mẹ, Ðất, Tsapaev..., cống hiến cho văn hóa điện ảnh nhân loại bốn bậc thầy mà cho đến nay những nhà làm sử điện ảnh dù ở bất cứ chính kiến nào cũng phải trân trọng thừa nhận. Ðó là Âyzanhxtanh, Pudorkin, Dovgienco và Vertor.

Cảnh trong phim “Con chim vành khuyên”.

Cuộc chụm đầu vĩ đại lần thứ ba thuộc về các nhà điện ảnh Tân hiện thực Italy. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nước Ý thua trận rơi vào tình trạng lụn bại, đói nghèo và thất nghiệp. Cùng với các loại nghệ thuật tân hiện thực khác, các nhà điện ảnh Italy đã chụm đầu lại, khai thác với một tinh thần cảm thông sâu sắc, đầy tính nhân văn và đầy tính thân phận đối với những con người bình thường, những người đã bị chiến tranh vắt kiệt sức lực và nguồn sống. Và chỉ trong vòng tám năm, từ 1945 đến 1953, điện ảnh tân hiện thực Italy đã làm cho thế giới kinh ngạc bởi những bộ phim Roma vào lúc 11 giờ, Anh em nhà Rocco, Ðêm Kabiria, Con đường, Thằng bé ăn cắp xe đạp, v.v... dựng nên những tên tuổi chói sáng như: DeCica, DeCantít, Phelini, Antonioni...

Các nhà điện ảnh và truyền hình Trung Quốc kể lại rằng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, hễ điện ảnh Ðài Loan và Hồng Công có bộ phim nào ra lò là khán giả đón đợi như một nhu cầu không thể thiếu. Chả lẽ cứ để đại lục mãi thua kém, mãi hướng tới tiểu lục nên hơn 300 nhà điện ảnh và làm phim truyền hình giỏi nhất của Trung Quốc đã chụm đầu lại. Họ nghiên cứu kỹ từng bộ phim truyện điện ảnh và truyền hình dài tập thành công của Ðài Loan và Hồng Công. Họ đã có những quyết tâm như đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng chôn đôi giày của mình xuống cát của cao nguyên Gôbi và thề: "Nếu bộ phim này thất bại, tôi sẽ từ giã nghệ thuật điện ảnh" khi ông đi chọn cảnh để làm bộ phim truyện Cao lương đỏ. Bộ phim này cùng bộ phim Hoàng thổ của Trần Khải Ca đã đưa điện ảnh Trung Quốc hội nhập với điện ảnh chất lượng cao của thế giới một cách chững chạc và chinh phục. Trong khu vực phim truyện truyền hình nhiều tập, bộ phim Tình Châu Giang là một bước khởi đầu bùng nổ. Sau bộ phim này, phim truyện truyền hình Trung Quốc đi vào thế thượng phong để từ năm 2007 toàn Trung Quốc có thể sản xuất hơn chín vạn rưỡi tập phim truyện truyền hình mỗi năm.

Trước năm 1995, phim điện ảnh và phim truyện truyền hình dài tập của Hàn Quốc ít được thế giới biết đến. Còn bây giờ điện ảnh nước này đã có mặt ở tất cả các châu lục với những tên tuổi tuy rất khó đọc nhưng khiến rất nhiều người nhớ. Có được điều này là bởi từ năm 1989 đến 1995 các nhà điện ảnh Hàn Quốc cũng đã có một cuộc tập hợp lớn, một cuộc đi "tầm sư học đạo", mang tính "thoát hiểm". Như vậy trong vòng có hơn 10 năm, những nhà điện ảnh Hàn Quốc không những thoát hiểm mà còn đưa nền điện ảnh của một đất nước nhỏ về diện tích, nghèo tài nguyên, điều kiện địa lý không thuận lợi và dân số 48 triệu người, trở thành một cường quốc điện ảnh, với thị phần phim nội địa chiếm 63%, chỉ đứng sau điện ảnh Mỹ.

Ngay trong điện ảnh Việt Nam của chúng ta cũng từng đã có những cuộc chụm đầu của một số nhóm sáng tạo mà đồng nghiệp gọi bằng cái tên thân yêu: "Ðôi bạn sáng tác" và cũng đã làm nên những thành tựu đáng ghi nhớ. Nguyễn Văn Thông - Trần Vũ - Nguyễn Ðăng Bẩy với Con chim vành khuyên, Phạm Kỳ Nam - Bùi Ðức Ái - Nguyễn Khánh Dư với Chị Tư Hậu, Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh - Xuân Chân với Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bành Bảo - Trần Vũ - Nguyễn Ðăng Bẩy với Ðến hẹn lại lên, Hồng Sến và Nguyễn Quang Sáng với Cánh đồng hoang, Mai Lộc - Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ, Huy Thành - Ðào Hồng Cẩm - Thụy Vân với Nổi gió, Ðoàn Trúc Quỳnh - Lê Ðức Tiến với Thị trấn yên tĩnh, Nguyễn Quang Lập - Thanh Vân với Ðời cát, Nguyễn Mạnh Tuấn và Phi Tiến Sơn với Lưới trời, v.v.

Tuy nhiên, những mối quan hệ trên đây mới chỉ là những tập hợp nho nhỏ chưa đủ để tạo ra những trường phái, những khuynh hướng lớn. Vẫn biết chuyện sáng tạo thuộc về cá tính của mỗi chủ thể tác giả nhưng điện ảnh với khả năng tạo dư chấn rất mạnh và sức quảng bá rộng rãi, nếu chúng ta không có những đột phá lớn, không tạo được những thành tựu liên tục thì may lắm cũng chỉ làm nên vài đỉnh đồi nho nhỏ manh mún và đơn côi.

Nhìn lại truyền thống 55 năm của ngành, khi nào điện ảnh nước nhà có hào khí, có những cuộc tập hợp, những ganh đua sáng tạo thì khi đó sản sinh ra những bộ phim hay, những tác phẩm điện ảnh cột trụ. Trước hiện thực vô cùng lớn lao và đầy hấp lực của cuộc sống hôm nay, lẽ nào những nhà điện ảnh lại không có một cuộc tập hợp lớn như một nhu cầu, như một bứt phá để điện ảnh Việt Nam ta chững chạc tự tin trong đổi mới và hội nhập?

Lê Ngọc Minh / Nhandan